Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Tổ

Hôm nay, hắn lên ca trực.

Nhằm đúng ngày "lễ". Cái ngày đang được gọi là ngày "giỗ Tổ". Truyền rằng giỗ "người không mang họ", nhưng lại được tụng xưng là tổ muôn họ (!?).

Bàn dân chẳng biết có kính tổ thật chăng? Năm nao có người cúng cái bánh chưng to thiệt to mà trong độn ba lăng nhăng phần bánh thật không ăn được. Năm nọ lại có kẻ cúng chai rượu cũng bự thiệt bự chả biết có ai dám uống thứ nước bên trong hay không. Năm nay có bà già thôn quê xem tv nhận xét rằng bà phó chủ tịt (nước) lên cúng giỗ mặc áo cộc tay trong khi đi chợ mặc áo dài (đang hô hào) "quốc phục" chỉ một lúc thay liền ba bộ đồ như người mẫu thời trang.

Đa số người dân được nghỉ được chơi, công bộc được phát tiền lễ, thế là vui vẻ cả làng cùng nhau ăn "giỗ".

Đại Việt sử ký toàn thư chép:


[k] Hng Bàng th, tKinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tut, cùng thi vi Đế Nghi, truyn đến cui thi vua Hùng Vương, ngang vi đời Noãn Vương nhà Chu năm th57 [258 TCN] là năm Quý Mão thì hết, tt c2.622 năm [2879 - 258 TCN]. 


Đời sau có sử gia nói, gắng cho được 2622 năm để "bằng anh bằng em". Chính xác là bằng lão "anh" phương bắc, ý nói tao cũng ngang Đế Nghi nhà mày.

Dân gian quen miệng nói 18 đời vua Hùng. Nhân đây kể lại chuyện hắn đi với mấy đứa em qua đường Kinh Dương Vương, mấy đứa em không biết Kinh Dương Vương là ai, tỏ vẻ tinh tướng "cũng con cháu vua Hùng cả" khiến hắn phì cười, nói không phải con cháu mà là ông nội vua Hùng. Tụi nhỏ còn tưởng hắn nói bậy (!?).

Sách chép 18 đời bao gồm cả Kinh Dương Vương Lộc Tục - Hùng Dương (vương), Lạc Long Quân Sùng Lãm - Hùng Hiền (vương). Bắt đầu gọi vua Hùng từ đời thứ 3 - Hùng Lân (vương) đến đời cuối cùng là thứ 18 - Hùng Duệ (vương).

Đại Việt sử ký toàn thư chỉ thấy nói về đời thứ 6 có Xung Thiên Thần Vương làng Phù Đổng và đời cuối cùng (18) có cô nàng Mị nương chọc hai tinh Sơn Thuỷ đánh nhau mà thôi.

Nhiều người thấy khó tin nhưng kỵ huý đành im lặng. Có sử gia nói cả chữ Hùng cũng là nhầm lẫn, tại sao chăn dắt Lạc tướng, Lạc dân, cai quản Lạc ấp lại không phải Lạc vương? Nhiều nhà ngôn ngữ học cũng ngờ chữ Lạc chính thị từ chữ "lúa" (ngày xưa phát âm "ló") là hợp lắm song cũng chẳng dám bàn.

Bẵng đi mấy chục năm theo một đạo vốn du nhập từ phương tây mà đập phá bàn thờ, nay quẫn mới quay về tự hào tín ngưỡng thờ cúng. Khó biết đúng sai, tạm không bàn cứ khói hương sì sụp đã.


Năm nay còn có chuyện hay, về một đạo bùa yểm dưới dạng một hòn đá. Của ai? của một sĩ quan theo đạo vô thần. Như nào? phong cách rất đa thần giáo. Để làm gì? yểm lại một đạo bùa khác.

Đạo bùa kia (nếu quả thực nó là một đạo bùa), được tin rằng của quân Nguyên Mông mà viết bằng chữ Hán (?!). Nội dung "Đánh đổ đức sáng vua Hùng" (?!).  Nội dung này dĩ nhiên không phải nguyên gốc mà đã được diễn nôm trên báo chí. Hắn chả muốn đa nghi, tuy nhiên rõ là ý thì giặc mà tứ thì ta.


Những chuyện thế này khiến hắn nhớ lại tích vua Đinh Bộ Lĩnh. Rằng thời nhỏ nhờ bơi lặn giỏi mà lừa được thầy địa lý Tàu táng hài cốt cha mình vào miệng ngựa đá để thành vua. Sau bị thầy Tàu trả đũa lừa lại cho đeo gươm cổ ngựa mà vua bị hoạ sát thân con cái cũng mất luôn cơ nghiệp.

Hoá ra bao năm dân ta khổ đều vì một kẻ giặc cả. Không biết đạo bùa trấn yểm đa thần của vị sĩ quan vô thần kia linh nghiệm cỡ nào mà từ khi (lén lút) đặt vào nơi thờ "Tổ" văn hoá kinh tế đạo đức nước nhà vẫn lao dốc không phanh?


Về những chuyện trấn qua yểm lại còn có chuyện cụ Tả Ao, người để lại nhiều sách địa lý hắn có đọc mà chả hiểu gì, được cụ Phan Kế Bính chép trong sách Nam Hải dị nhân như sau:


Người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, tên là Nguyễn Đức Huyên (có bản nói là Hoàng Chỉ). Nhân tên làng, cho nên tục gọi là Tả Ao. Lúc còn trẻ nhà nghèo lắm, mẹ phải bệnh lòa mắt, Tả Ao mới theo người khách buôn ở phố Phù Thạch về Tàu, để lấy thuốc chữa mắt cho mẹ. Thầy thuốc khen là người có hiếu, mới dạy cho phép làm thuốc. Học thành nghề mới trở về, xảy có một thầy địa lý chính tông đau mắt, sai người mời thầy thuốc đến chữa, thầy thuốc già yếu không đi được, mới sai Tả Ao đi chữa thay. Thầy địa lý khỏi đau mắt, thấy Tả Ao có ý tứ khôn dễ dạy, và cảm cái ơn chữa khỏi cho mình, mới truyền cho Tả Ao phép làm địa lý, Tả Ao học hơn một năm đã giỏi. Thầy địa lý muốn thử xem sức học làm sao, đổ cát làm ra hình sông núi, rồi yểm 100 đồng tiền xuống dưới cát, và cho Tả Ao 100 cái kim sai tìm huyệt mà cắm kim vào lỗ đồng tiền.
   Tả Ao ngắm xem các huyệt, cắm trúng 99 cái kim vào 99 lỗ đồng tiền, chỉ sai mất một cái cắm ra ngoài.
   Thầy địa lý nói rằng:
   - Nghề ta sang phương Nam mất rồi!
   Mới cho Tả Ao một cái tróc long và các câu thần chú hô thần để cho về nước Nam. Tả Ao vâng lời từ về; về đến nhà thì mẹ vẫn còn mạnh, mới chữa thuốc cho mẹ khỏi lòa.
   Một khi, đi qua núi Hồng Lĩnh, trông lên xem, thấy có kiểu đất “cửu long tranh châu” , mừng mà nói rằng:
   - Huyệt đế vương ở đây rồi!
   Lập tức nhổ ngôi mộ của cha, cất vào huyệt trên núi. Không bao lâu sinh được một đứa con trai. Người Tàu xem thiên văn, thấy các vì sao chầu cả về phương Nam , biết là người nước Nam được đất. Chính phủ Tàu truyền cho các nhà địa lý, ai để đất cho người An Nam, hoặc là dạy người An Nam, thì phải sang nước Nam dùng thuật mà phá đi, nếu không thì tru di cả ba họ.
   Thầy địa lý trước, biết chắc là ông Tả Ao được đất mới sai con sang tìm đến nhà Tả Ao, lập mưu mà triệt đi.
   Người ấy tìm đến nơi, vào chơi nhà mà bảo rằng:
   - Từ khi đại huynh ở Tàu về, đã cất được ngôi tiên phần nào chưa?
   Tả Ao nói thực cả chuyện trước. Con thầy Tàu mới dùng mẹo đào lấy ngôi mộ ấy, mà bắt đứa con của Tả Ao đem về Tàu.
   Được ít lâu mẹ Tả Ao mất. Tả Ao tìm một ngôi đất ở ngoài bãi bể, kén ngày kén giờ để hạ huyệt. Đến giờ, sóng gió ầm ầm, người anh Tả Ao giữ áo quan của mẹ, không cho hạ xuống, một lát sóng gió yên thì ở đấy nổi lên thành bãi rồi.
   Tả Ao than rằng:
   - Đây là hàm rồng đây, cứ 500 năm mới há miệng ra một lần, mà há chỉ trong một lát mà thôi. Bây giờ đã ngậm lại rồi, còn táng làm sao được nữa. Trời không cho thì chỉ uổng mất công ta mà thôi.
   Từ bấy giờ Tả Ao không chịu làm ăn gì cả, chỉ lang thanh đi làm đất cho người ta. Một bữa đi xem đất đến làng Bùi Sơn, huyện Hoằng Hóa, thấy có một huyệt đất hay, bèn bảo người ta rằng: “Có ngôi đất, táng giờ Dần đến giờ Mão thì phát, nếu ai táng ngôi ấy tất được của, hễ ai chịu nhường cho ta một phần chia mười, thì ta cho ngôi đất ấy”. Có một người xin táng, Tả Ao dặn đến sáng sớm mai thì cất. Táng xong mặt trời mới mọc. Người ấy vác cuốc ra rửa chân ngoài sông, thấy một người chết trôi, nhân thể có cuốc, mới vớt lên chôn cho xác ấy, thấy trong bọc người chết có hai túi bạc, mở ra đếm thì được 50 nén, mới biết Tả Ao là tài, biếu Tả Ao 5 nén, rồi Tả Ao đi.
   Khi đến huyện Thanh Liêm lại tìm được một ngôi, bảo người ta rằng:“Đây có ngôi đất, chỉ táng trong một tháng thì phát quận công, nếu ai cho ta 100 quan tiền, thì ta táng cho” . Có một ông nhà giàu xin táng. Bấy giờ chúa Trịnh đang đánh nhau với nhà Mạc. Tướng nhà Mạc là Mạc Kinh Độ thua trận ở huyện Kim Bảng chạy trốn. Chúa Trịnh rao ai bắt được thì thưởng cho làm quận công một đời. Ông nhà giàu ấy táng được 20 ngày rồi. Bỗng một hôm thấy có một người vào nhà bảo rằng: “Ta là Mạc Kinh Độ đây, cho ta đánh một bữa chén, ta sẽ làm ơn mà cho đem nộp lấy thưởng” . Ông nhà giàu mừng rỡ, làm cơm thết đãi. Mạc Kinh Độ ăn uống xong, cho trói mình lại mà đem đến đồn Cầu Châu nộp cho chúa Trịnh. Chúa Trịnh lập tức thưởng cho làm quận công. Người ấy được thưởng tạ Tả Ao 100 quan tiền. Tả Ao chỉ lấy 3 quan để ăn đường, rồi đi chỗ khác.
   Tự bấy giờ danh tiếng đồn khắp thiên hạ. Tả Ao đi chu du bốn phương, phàm 20 năm trời. Đi qua các huyện Gia Bình, Từ Liêm, Đông Ngạn, Siêu Loại, Gia Lâm, táng cho nhà nào cũng được, lớn thì làm đến Tiến sĩ, Thượng thư; nhỏ cũng làm nên giàu hùng trưởng. Kể ra nhiều lắm, không sao cho xiết.
   Khi đi qua làng Thiên Mỗ, thấy có một ngôi đất to, muốn táng hộ cho nhà họ Trần. Vừa đặt tróc long xuống đất, tróc long đổ ba lượt. Tả Ao niệm phù chú gọi Thổ thần lên hỏi, thì Thổ thần nói rằng: “Đất này phát ba đời quốc sư đại vương, con cháu công hầu không bao giờ hết. Trời đã để đành cho nhà Nguyễn Qui Đức; còn nhà họ Trần kia ít hồng phúc, không kham nổi được đất này; nếu ông làm cưỡng của trời thì tất có vạ. Vả lại ông đi khắp thiên hạ, làm phúc cho người ta đã nhiều, mà không được ngôi nào để táng cho cha mẹ, ông nên nghĩ thế thì biết” . Vì thế, Tả Ao từ bấy giờ không dám khinh thường để mả cho ai nữa.
   Tả Ao sinh được hai con trai, nhà thì nghèo mà làm đất không lấy tiền của ai, cho nên con cái thường không đủ bữa mà ăn. Khi đã già, tìm sẵn một ngôi đất sinh phần cho mình, ở xứ Đồng Khoai, gọi là cách “Nhất khuyển trục quần dương” (nghĩa là một con chó đuổi đàn dê). Nếu táng được ngôi ấy, thì chỉ ba ngày thành địa tiên. Đến lúc phải bệnh, sai hai con khiêng mình ra đấy, toan phân kim lấy rồi nằm xuống cho chôn; nhưng đến nửa đường thì đã gần chết, không kịp đến được chỗ kia, mới trỏ một cái gò bên cạnh đường, dặn con rằng: “Chỗ kia là ngôi huyết thực (nghĩa là được hưởng người ta cúng tế), bất đắc dĩ táng ngay ở đấy cũng xong”.
   Nói xong thì mất, bấy giờ mới 65 tuổi. Hai con đem táng vào gò ấy, quả nhiên về sau làm phúc thần một làng.
   Địa lý xưa nay ở nước Nam, không ai giỏi bằng ông Tả Ao, thế mà chỉ làm phúc cho người, đến mình thì không sao làm được, mà con cái vẫn nghèo khổ, thế mới biết rằng câu tục ngữ nói: “Tiên tích phúc nhi hậu tầm long”.



Đọc xong, Thuỷ Nguyệt thiền sư có phán rằng: những chuyện học nghệ thầy Tàu, bị thầy lừa lại, rồi thất bại bởi thiển cận (hình ảnh người anh) đâm ra thất chí chỉ biết dùng tài (lớn) kiếm tiền (lẻ), rốt cục lúc chết ý nguyện nhỏ cũng không thành, sao mà quen thế (!!).

Còn lão Lãn không ngửa mặt nhìn trời cười, cũng không cúi mặt nhìn đất khóc, chỉ im lặng thở dài ...

6 nhận xét:

Lien nói...

Tum lai la khong biet nho bac nao ma minh duoc nghi

tunrua nói...

Im lặng thở dài, haizzzz, đọc mà nao lòng!Thử hát lên câu "ta lắng nghe im lặng của đời mình".:D

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

:-)

Bùi Thu Trang nói...

(Thở dài)

Chẳng biết mai này tớ chết đi
Quan tài chôn tớ gỗ cây gì
Cây này giờ đã xum xuê lá
Hay vẫn còn đang bé tí ti?

(Nghĩ nhiều cũng mệt. Haizzz)

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

Haizzz :-D

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

Chắc hẳn đang còn bé tí ti
Cho dù cây ấy gọi cây gì
Cây đời đang vẫn xanh um lá
Cây gỗ quan tài có sá chi ...
:-)