Chiều nay tự kỷ rảnh ngồi xem phim.
Lẽ ra phải đến tham dự một cuộc hội thảo. Nhưng vốn không hứng thú nên cố tình không đổi trực để viện cớ bận và ... chuồn.
Lâu lắm rồi không xem phim kiểu này. Ngồi giường trùm chăn ôm máy tính xem online.
Trời chỉ mưa lất phất chứ không tầm tã. Thay vì tiếng mưa rơi trên mái tôn là tiếng đục đẽo hàng xóm sửa nhà và ầm ĩ động cơ một hàng xóm khác sửa xe.
Dạo này hầu như chỉ xem phim rạp. Thỉnh thoảng bắt gặp chút thú vị thì cũng xem trên tv lõm bõm.
Với thị hiếu (đa số) khán giả nước nhà, các nhà nhập khẩu phim ít khi đưa về những phim nghệ thuật hay kinh điển (lỗ chỏng vó). Đành chấp nhận giải trí kỹ xảo âm thanh rồi ... quên vậy. Gần đây nhất xem được Bridge of Spies (2015), với sự đảm bảo của diễn viên chính Tom Hanks và đạo diễn Steven Spielberg, mà rạp cũng vắng lắm.
Thật tình cờ, đúng lúc rảnh rỗi thì chả biết nhìn thấy gì mà nảy ra ý xem phim. Tự lấy làm lạ là không hiểu sao lại không để ý tìm xem bộ phim như thế. Được sản xuất đã 5 năm (2010), bộ phim Nhật có đạo diễn người Việt (không mang quốc tịch Việt, đương nhiên!?). Dựa theo tác phẩm nổi tiếng của nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami.
Thường những bộ phim theo tác phẩm văn học nổi tiếng hay bị so sánh dữ dội. Đã đọc và đã xem, hắn thấy thích cả hai.
Nữ diễn viên chính thấy quen quen. Chỉ vì cô ta có đóng dăm phim Mỹ, hẳn thế, vì biết xem gì ngoài phim Mỹ. Thế mà nhớ mãi mới ra. Trí nhớ đang bị suy giảm một cách đáng sợ.
Một quen quen nữa là bản nhạc của The Beatles, vốn được HM chọn làm nguồn cảm hứng và đặt làm tiêu đề cho tác phẩm, dĩ nhiên cũng thành tên phim.
Phim không thiếu những cảnh đẹp long lanh chẳng thua gì hoa vàng trên cỏ xanh (một phim cũng của một đạo diễn gốc Việt từ nước ngoài về).
Có thể không tươi như hoa vàng cỏ xanh, vì đây không phải là thế giới trẻ thơ nhân chi sơ tính bổn thiện. (Mặc dù xem xong phim kia nhiều người bình luận ác liệt, về bản chất tốt của cậu em và bản chất ác của cậu anh. Khiến hắn không khỏi liên tưởng đến Tuân tử nhân chi sơ tính bổn ác.)
Gam màu trong phim này lạnh hơn. Đúng thôi vì câu chuyện xoáy vào nội tâm lớp thanh niên mới lớn. Quá nhiều dằn vặt, nhiều tự tử, và tiếp theo lại để lại thêm nhiều dằn vặt.
Tưởng không cần nói thêm về sự dằn vặt mang tính thế hệ của thanh niên Nhật một thời. Thời hắn còn chưa sinh ra. Nay đã hai thứ tóc trên đầu, so xã hội mình với người ta, thấy câm nín.
Nếu nói về lớp trẻ ngày nay, e rằng càng khác xa. Mà còn đánh động vào nỗi buồn muôn thuở của hắn: sự xa cách không hàn gắn nổi với ba mẹ hắn. Tại sao lại thế, trong khi có thể đồng cảm với những người nơi đất nước xa xôi, ở một thời cũng xa xôi như họ.
Phải chăng, chính sự khác biệt đó, là đáng kể ...
Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét