Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

Trung Âu của Milan Kundera

 Sau sự sụp đổ của Đế chế Habsburg, Trung Âu đã mất đi thành trì của nó. Sau Auschwitz, đã quét sạch dân tộc Do Thái khỏi bản đồ, chẳng phải nó đã đánh mất linh hồn mình? Và sau khi bị tước đi khỏi bản đồ châu Âu vào năm 1945, liệu nó có còn tồn tại?

Phải, sức sáng tạo và những cuộc nổi dậy cho thấy nó “vẫn chưa lụi tàn”. Nhưng nếu sống nghĩa là tồn tại trong mắt những người ta yêu, thì Trung Âu không còn tồn tại nữa. Nói chính xác hơn: trong mắt châu Âu mà Trung Âu yêu quý, Trung Âu giờ đây chỉ là một phần của đế quốc Xô Viết, chỉ có vậy, và chỉ vậy.

Và tại sao chúng ta lại nên thấy ngạc nhiên vì điều này? Xét về hệ thống chính trị, Trung Âu thuộc về phương Đông; xét về lịch sử văn hóa, Trung Âu thuộc về phương Tây. Nhưng bởi chính châu Âu cũng đang trong quá trình đánh mất ý nghĩa căn tính văn hóa đích thực của mình, nó nhìn thấy ở Trung Âu không gì ngoài cái thể chế chính trị, hay nói cách khác, trong mắt châu Âu, Trung Âu chỉ là Đông Âu.

Vì thế, Trung Âu phải chiến đấu không chỉ chống lại sự chèn ép bức bối từ người hàng xóm lớn mà còn với áp lực vô hình nhưng liên tục của thời gian đã bỏ lại thời kỳ văn hóa phía sau. Đó là lý do tại sao những cuộc nổi dậy ở Trung Âu luôn có điều gì đó mang tính thủ cựu, có thể nói là gần như ngược thời: họ đang cố gắng trong tuyệt vọng để khôi phục thời quá khứ, thời quá khứ của văn hóa, thời quá khứ của Thời hiện đại, bởi chỉ trong thời kỳ đó, chỉ trong thế giới duy trì một chiều kích văn hóa đó, Trung Âu mới có thể bảo vệ căn tính của chính mình, vẫn được nhìn nhận là chính mình.

Bi kịch thực sự của Trung Âu, như vậy, không phải là nước Nga, mà chính là châu Âu. Châu Âu, cái châu Âu từng đại diện cho một giá trị lớn lao đến nỗi vị giám đốc Thông tấn xã Hungary đã sẵn sàng chết vì nó, và thực sự đã vì nó mà chết. Ở sau tấm rèm sắt, ông đã không ngờ rằng thời đại đã đổi thay và rằng ngay giữa lòng châu Âu, châu Âu không còn được cảm thấy như là một giá trị nữa. Ông đã không ngờ cái câu mà ông đánh điện gửi ra ngoài đường biên đất nước bằng phẳng của mình, sẽ chỉ có vẻ lỗi thời và không ai hiểu được.

Milan Kundera

trích

Một phương Tây bị bắt cóc, hay bi kịch của Trung Âu



Không có nhận xét nào: