Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Một chút bã rượu

"Mơ là rượu, đời thực là bã rượu"
(Lời viên tướng trong phim Đại Đường Huyền Trang)



Nhớ nhiều năm trước, đời hắn không hề có rượu. Tối đặt mình xuống là làm một giấc từ đầu hôm tới sáng. Tịnh không mơ mộng không tỉnh giấc, luôn dậy đúng giờ không bao giờ cần báo thức.

Không rượu thì không biết có bã rượu không, nhưng nếu có hẳn cũng êm dịu nhẹ nhàng ...


Rồi chẳng biết tự bao giờ, rượu bắt đầu xuất hiện. Nay thì không đêm nào không rượu. Người ta nói ngày ước làm sao đêm chiêm bao làm vậy. Rượu của hắn nặng nề, vụn vặt phá nát đêm trường, thường mang hình thức phi thực chuyển biến bất ngờ theo mô-típ phim ảnh.

Rượu rạc rời phải chăng cũng khiến bã rượu thêm phần mệt mỏi. Những cơn đau đầu vào buổi trưa xuất hiện dày đặc hơn ...



Bây giờ thì bã rượu cũng chẳng còn gì hay ho, thường khi trống rỗng.


Mới đây bạn bè đưa hình nhiều thầy cô giáo cũ mà sao thấy quá mịt mờ. Đến mức biết tên biết môn dạy vẫn không hình dung nổi ngày xưa thế nào ...

Vài ngoại lệ, như cô giáo dạy hoá, tất nhiên nhìn hình thì hắn không nhận ra rồi. Đến khi biết là cô Trang Điểm thì nhớ cô Điểm từng dạy lớp hắn (dĩ nhiên thời đó ít khi biết họ tên đầy đủ hihi). Hình như hồi đó cô là tổ trưởng tổ hoá, lại là giáo viên dạy giỏi nên được phân công dạy lớp hắn. Nguyên trước đó lớp hắn học cô Nội, khá thân thiết mà cô dạy rất hay. Nghe nói có ai đó cho rằng lối dạy của cô không phù hợp thi đại học, thế là cô bị đổi (?!).

Vẫn nhớ trò nghịch ngợm của T.P., trả lời cô Điểm nhận dạng khí a-xê-ty-len bằng cách thử xem chuối có chín không. Nếu là cô Nội, chắc chỉ một cái cốc vào đầu rồi thôi, nhưng cô Điểm xử lý như đó là một câu trả lời nghiêm túc ... Kết cục là những tiết học nặng nề ...


Anyway, có lẽ không nhớ nhiều do hồi đó hắn thực chả học bao nhiêu, hehe mải chọi ...

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Dân chủ

Cách nay cũng đã nhiều năm, hồi đó hắn ra công tác tại tổng công ty (lúc ấy còn gọi là trung tâm), thấy ở cổng có tấm bảng dán 2 bức ảnh: đề nghị cán bộ công nhân viên chọn phương án thiết kế trụ sở trung tâm (tổng công ty).

Anh trưởng phòng kỹ thuật hồi ấy (bây giờ đang là phó tổng giám đốc), nơi hắn ra làm việc, nhân ngồi uống nước thủng thẳng bảo: cái gì mà người ta đem ra hỏi thì chúng mày tự biết rồi ...

Tất nhiên sau đó trụ sở mới được xây lên, hoành tráng, còn có theo ý kiến cán bộ công nhân viên hay không thì hắn không biết. Cũng không thèm biết. Mà có trời biết ý kiến mọi người (nếu có) được thống kê như thế nào.



Chuyện thứ hai mới năm ngoái đây. Người ta bỏ công (tiền bạc) ra thuê thiết kế mấy bộ trang phục, may mẫu và thuê ma-nơ-canh dựng ngay giữa công ty (quy mô tổng công ty, lần lượt trưng bày ở 3 miền Bắc Trung Nam).

Rồi cũng hỏi, ok hỏi thì tôi trả lời.

Năm nay nghe nói sẽ may chính thức. Cũng nghe nói (vì chẳng mấy ai quan tâm) là mẫu được chọn không phải là mẫu mà hắn và những người chung quanh chọn. Có trời biết ai chọn.



Mới đây, đồng chí chánh văn phòng công ty (thực ra là cu đàn em hồi trước có thời gian làm chung phòng với hắn, vì thế nên có trong Fb friend list) add hắn vào Fb group bình chọn logo mới cho tổng công ty.

Vì thế bỗng nhiên biết, chứ hắn không thèm quan tâm. Cũng xem qua thì thấy đa số mọi người đề nghị giữ lại logo hiện đang sử dụng.

Hôm nay nhận được email, công ty yêu cầu góp ý chọn logo, 1 trong 5 phương án (và biến điệu ra thành hơn 20 mẫu khác nhau). Không có phương án chọn logo đang sử dụng.



Hehe, nước Anh với cả BREXIT cứ phải gọi bằng cụ ...

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Cũ (30 năm)

Các bạn đồng niên đồng khoá với hắn dường như khá háo hức mong đợi cuộc họp mặt kỷ niệm 30 năm ngày tốt nghiệp phổ thông trung học. Thực tình mà nói, hắn không phấn khích cho lắm. Trong trí nhớ kém cỏi của hắn, nhiều hình ảnh cũng đã nhạt nhoà ...

Một bạn (không quen?!) học lớp G đưa lên Fb những tấm hình cũ, hắn đoán là chụp từ phòng truyền thống của trường.



Đây là đội tuyển dự thi toán toàn quốc của tỉnh BTT năm 1985. Hình trên có 3 thầy giáo đứng phía sau (thầy Khải, thầy Quang và thầy Hoá). Chính xác thì năm đó mỗi tỉnh chỉ có 5 người bước vào phòng thi. 3 anh chị đứng bên phải học lớp 12, chắc chắn sẽ dự thi, vì nếu không họ phải được trả về lớp sớm để còn lo thi đại học. 2 người còn lại sẽ là 2 trong số 4 chiến sĩ cuối cùng của lớp hắn (lớp 11) lọt lại sau các vòng thi đấu. Hắn nhớ hồi đó các thầy giữ bí mật đến phút cuối, mặc dù chắc chắn danh sách đã phải được báo cáo từ trước. Mãi đến buổi liên hoan tối ngay trước ngày thi (hình như ở số 2 Lê Lợi), các thầy mới thông báo: thầy Quang sẽ dặn dò từng người một, ai được dặn đi thi thì mai sẽ đi, còn ai không được dặn thì khỏi đi ...

Sau cuộc thi đó, hắn và chị Bích được ra Hà Nội, tham gia tuyển chọn đội tuyển đi thi toán quốc tế. Đội tuyển lý thì ra Hà Nội cả 5 người (cũng 3 người lớp 12, 2 lớp 11, hình như 3 giải nhất 2 giải nhì và sau đó 2 anh Vũ và Duy trúng đội tuyển đi thi lý quốc tế năm đó). Thầy Khải đưa hắn và chị Bích đi thường trêu thầy Tâm dẫn dắt đội tuyển lý là gia đình toán có kế hoạch tốt, chỉ một gái một trai, không như gia đình lý, tới 5 thằng ...

Trong 2 "gia đình" cùng đi năm đó, hắn được gọi là út, vì nhỏ con nhất ... Sang đầu năm học lớp 12, có tập nghi thức đội hình gì đó, yêu cầu cao đứng trước thấp đứng sau, hắn cứ theo thói quen đứng sau rốt cuộc bị đẩy lên trước cho tới khi chỉ đứng sau Đức Quang, cậu bạn cao nhất lớp.

Nhẽ, hắn đã trưởng thành mùa hè năm đó? Kỳ thi năm 1986, vị trí của hắn trong đội tuyển được xem là hiển nhiên. Nhưng kết quả thì không hiển nhiên như vậy. Hình như cũng có ý kiến nghi ngờ hắn không chịu làm bài, để tập trung thi đại học. Hồi đó, hắn chưa "khôn" đến vậy. Có thể cũng có hơi "lỏi", khi thực sự không hề đam mê hay cố gắng đấu chọi nữa ...


Năm hắn rời trường, trường kỷ niệm 90 năm thành lập. Hắn có ghé lại chút chút và nhanh chóng nhận ra không phải mọi học sinh cũ đều được đối xử như nhau (thời đó có rất nhiều những mái đầu bạc huân huy chương đầy ngực ...)


Rứa rồi hắn đi. Không xa xôi chi mà ít qua lại.

Chỉ còn 2 tuần nữa. Trong lòng mỗi người con trở về hẳn sẽ có những cảm xúc khác nhau ...

Còn hắn, hắn chỉ muốn đứng bên lề, và quan sát ...

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Yahoo!

Ngày Yahoo! 360 qua đời, hắn cũng hơi tiêng tiếc. Tuy không mấy sân si trên đó, viết chỉ để tự tu thân, nhưng cũng có vài ba qua lại nho nhỏ thú vị. Yahoo!, dường như không đếm xỉa chút tình cảm nhỏ nhoi này. Yahoo!, dường như không hướng đến người dùng.

Người ta nói, Yahoo! chỉ chú trọng kiếm tiền từ quảng cáo. Trong khi Google hướng đến tương tác với người sử dụng. Ngày xứ vina chập chững lò dò vào internet, ngoài ồn ào về cuộc chiến giữa MS IE và Netscape (browser), hầu như việc đầu tiên người sử dụng làm là ... gõ yahoo.com. Nay thì Google biết về bạn còn ... rõ hơn chính bạn.

Hắn không hay chatchit trên mạng, chủ yếu chỉ vì công việc. Hồi đó, chat nhóm, chat thoại trên Yahoo! Messenger hoàn toàn ok. Có lẽ chỉ Skype là đối thủ. (Lại) người ta nói, rằng Yahoo! quá lơ là nền tảng smartphone. Cũng có người bảo tại Fb lấy hết khách hàng.


Anyway, YM, R.I.P.

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Ngoại ngữ

Lúc trước hắn học đại học ở Slovakia. Sau 1 năm học tiếng (tuần 6 ngày ngày 2 buổi chỉ học mỗi tiếng Slovakia, với cả thầy cô bản xứ lẫn thầy cô Việt) ở Đại học ngoại ngữ Hà Nội rồi mới bay sang đó. Tiếp tục thêm 1 năm học như thế nữa ngay giữa xã hội của họ, nghĩa là có sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Và kết quả năm nào cũng đạt loại khá giỏi. Thế mà vào lớp lần đầu tiên ở trường đại học, thầy hỏi tên gì hắn đơ như cây cơ luôn, hihi.

Học các môn khoa học, kỹ thuật thì còn đỡ, gặp như môn chính trị thì ù hết cả tai. Sống càng lâu khả năng nghe càng tốt, ngược lại nói thì (theo bạn bè người bản xứ nhận xét), như con nít nói (vì hầu như chỉ sử dụng vốn từ vựng cơ bản để diễn đạt).

Định xông vào học tiếng Nga chung với các sinh viên bản xứ, mới thấy 7 năm tiếng Nga phổ thông của hắn chẳng là cái đinh rỉ (mà thuộc loại học giỏi cơ đấy, huhu).


Lúc đó mới bập bõm học tiếng Anh, thứ tiếng bây giờ hắn sử dụng chủ lực trong công việc. Nhưng xem ra năng lực không quá đọc hiểu, vì chưa bao giờ được học chính quy. Thế mà cũng loay hoay vật lộn với mấy ông Tây được lắm, haha.

Nhiều lần gặp và làm việc với người Việt từ Mỹ, khi họ nói tiếng Anh thì hắn điếc luôn.


Thỉnh thoảng, cũng đọc dăm truyện tiếng Anh gọi là. Khi rảnh thì thấy hứng thú lắm, và cũng hiểu được hehe.

Lần này, hơi bị dũng cảm xông vào The Sympathizer. Choáng.

Tác giả là người Việt. Mới đọc được 3 chương đầu đến đoạn nhân vật chính rời Sài Gòn năm 1975. Hoa mắt với từ ngữ. Đọc truyện mà như xem phim hành động. Hay đó chính là một đoạn phim hành động? Sự vật lộn ác liệt giữa sống và chết để sinh tồn, để cứu người thân. Dù, đôi khi, chỉ giữ được thi thể người thương yêu đã chết ...

Có lẽ, hắn chỉ cảm thấy thế thôi. Còn chưa hiểu được quá nửa số từ trong mỗi câu ...

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Nỗi cô đơn trong điện ngọc

Tự dưng nhớ tới ý thơ của Ngân Giang nữ sĩ, nhân đọc K.W. Taylor đến phần triều Trần (đang) thịnh.


Triều Trần, mang nhiều yếu tố gia đình dòng tộc hơn là quốc gia. Vốn đến được với quyền lực qua con đường hôn nhân nên sau đó hầu như chỉ chấp nhận hôn nhân nội trong dòng tộc hòng giữ gìn quyền lực giành được. Nhưng, phải chăng chính sự loạn luân này (quá cận huyết) đã làm suy yếu một dòng họ mạnh mẽ đầy quyền lực? Cuối cùng cũng không thoát khỏi vòng thịnh suy, bằng chính cái cách mà họ đã lo sợ: đánh mất quyền lực vào tay người ngoài.

Nói triều Trần là một dòng tộc hơn là một quốc gia, còn vì không chỉ trong hôn nhân, mà cả những vị trí triều chính thiết yếu cũng đều do anh em chú cháu trong nhà nắm giữ. Song, đâu cần đợi đến lúc thật sự suy thoái. Ngay sau những cuộc chiến tranh (ba lần ...), khi các công thần lần lượt nằm xuống, triều đình đã thiếu nhân lực. Dường như nhiều nhân tài trong nhà đã quay lưng? Và triều đình đã phải bù lấp bằng những cuộc thi chọn chưa thành thường lệ.

Tuy nhiên, ngay cả hiền tài được lựa chọn cũng không ít kẻ bỏ đi. Tiến vi quan thoái vi sư! (Chẳng phải Chu Văn An vẫn được suy tôn là vạn thế sư biểu đấy ru?). Có một trường hợp nhân tài hoàng thân quốc thích ngay từ buổi bình minh thịnh trị đã chọn cách lui về phía sau (hình như K.W. Taylor không biết đến?). Ông được cho là anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong khi ông em danh tiếng vang trời uy quyền lệch đất thì ông anh, tương truyền là vô cùng xuất chúng, chỉ lẳng lặng đóng góp như một người lính bình thường trong chiến tranh, và sống như một người dân bình thường sau chiến cuộc. Tiếng là tu cũng không hề ầm ĩ, vẫn sống cùng vợ con ngày ngày cơm rượu thịt. Hai chữ Tuệ Trung hẳn không thể nói là tầm thường ...

Một điểm thú vị nữa của triều Trần tưởng không thể không nhắc đến là xu hướng rời bỏ của chính ... các vị vua. Ngay vị vua đầu triều là Trần Cảnh đã suýt đi tu nếu không có sự ngăn cản quyết liệt (đến mức tàn bạo) của ông chú Trần Thủ Độ. Sau này cháu nội ông, vị vua thứ 3 của triều Trần, đã sáng lập nên một thiền phái. Tiếc là hậu sinh khả ố đang làm nhuốm bẩn thanh danh ông với 2 chữ Phật Hoàng (đã Phật lại còn Hoàng, huhu).


Đến đây, hắn ngờ rằng trong thâm cung kia phải có thứ gì ghê sợ lắm, khiến cho bao kẻ đời trước đời sau đến tận đời nay nếu không biết sớm tránh xa thì không thành tàn bạo cũng ra xôi thịt hết thảy?

Mới nhớ đến câu thơ Trưng Nữ Vương "điện ngọc bơ vơ" nghe đâu đó đã lâu. May có Google mách bảo về nữ sĩ Ngân Giang. Thương cho thân phận người viết nên những vần thơ tài hoa từ năm 1939 mà suốt hơn 60 năm sau đó sống bất phùng thời. Không biết bà có biết có người tri âm thơ bà mà giã từ cõi thế hay không?


Hoặc có kẻ bảo, nhà thơ nay thì biết gì về vị Nữ Vương từ thời mịt mờ sương khói. Kia có nhà thơ xưa viết về vị vua cùng thời liệu đáng nghe chăng? Đường Minh Hoàng nổi tiếng anh minh, giành quyền lực không dễ dàng gì, dựng nên cũng đáng gọi là rực rỡ, rốt cục chết trong thê thảm, có phải tại gì? Trời thưởng (hay phạt?) mà đem tới rồi lại lấy đi (hay chỉ bởi người không giữ được?) một trong tứ đại mỹ nhân ...


Thiên trường địa cửu hữu thì tận ...

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Hai câu chuyện khác

(Nhân đọc Duyệt Vi thảo đường bút ký)

1. Phòng ở của Bá Cơ bị cháy, đầy tớ thưa: "Xin phu nhân mau mau chạy ra ngoài, nếu không lửa thiêu thì sống sao được?". Bá Cơ nói: "Đàn bà phải tuân thủ quy củ lễ pháp. Phụ mẫu không có mặt, dù thế nào cũng không được bước ra khỏi khuê phòng của mình!". Thế rồi Tống Bá Cơ chịu để lửa thiêu chết, nhất định không ra khỏi phòng khuê.

2. ... Có một hộ ngư dân gả chồng cho con gái, thuyền rước dâu đi qua một vùng sóng gió dữ dội, lái thuyền không còn một chút bình tĩnh, hoàn toàn bất lực, thuyền chìm trong phút chốc, ai nấy kêu gào khóc lóc. Đột nhiên, cô dâu kéo mạnh màn che của kiệu rước dâu, mãnh liệt, mạnh mẽ một tay giằng lấy lái thuyền, một tay giật lấy giây kéo buồm, nhằm ngược hướng gió mà điều khiển thuyền, cứ thế thuyền nhằm hướng nhà trai mà vượt qua khỏi giông bão một cách bình an.


Chuyện trên chép trong ngũ kinh, không rõ các học giả có bình luận gì? Chuyện dưới, có người lấy chữ lễ để chê trách cô dâu. Chê trách và bênh vực những chuyện đại loại như thế, vina xứ ngày nay tưởng không hề thiếu vậy.

Hai chuyện trong tuần

Tuần không chỉ có 2 chuyện. Xứ này thời nay không nhiều chuyện mới lạ. Nhưng nhân cuối tuần đầu tháng chỉ nói về 2 chuyện.

Chuyện thứ nhất là chuyện về ông Bob Kerrey. Hắn không biết gì về ông này cho đến khi cộng đồng lên tiếng (một cách khá ồn ào) dù khá quan tâm đến đào tạo đại học nói chung và FUV nói riêng. Sự ồn ào dường như nói rằng chúng ta đang "không quên quá khứ" (tuy một số "quá khứ" khác lại không được như vậy). Song vế thứ hai "gác lại quá khứ" nhẽ không dễ?

Chuyện thứ hai là màn "đấu tố" ở VTV. Hắn không định nói gì về vụ này, vì có xem đâu mà biết mà nói. Đã từ lâu hắn "nói không" với các kiểu VTV, vì nội dung thời láo lếu mà hình thức thời vô văn hoá. Tất nhiên, ai yêu VTV thì tuỳ, hắn tôn trọng mọi sự khác biệt. Và đây mới là điều hắn định nói: nếu tin một điều gì đó là đúng đắn thì bạn hãy thuyết phục những người nghĩ khác thay vì mong (thậm chí bắt ép) người ta im lặng!