Tự dưng nhớ tới ý thơ của Ngân Giang nữ sĩ, nhân đọc K.W. Taylor đến phần triều Trần (đang) thịnh.
Triều Trần, mang nhiều yếu tố gia đình dòng tộc hơn là quốc gia. Vốn đến được với quyền lực qua con đường hôn nhân nên sau đó hầu như chỉ chấp nhận hôn nhân nội trong dòng tộc hòng giữ gìn quyền lực giành được. Nhưng, phải chăng chính sự loạn luân này (quá cận huyết) đã làm suy yếu một dòng họ mạnh mẽ đầy quyền lực? Cuối cùng cũng không thoát khỏi vòng thịnh suy, bằng chính cái cách mà họ đã lo sợ: đánh mất quyền lực vào tay người ngoài.
Nói triều Trần là một dòng tộc hơn là một quốc gia, còn vì không chỉ trong hôn nhân, mà cả những vị trí triều chính thiết yếu cũng đều do anh em chú cháu trong nhà nắm giữ. Song, đâu cần đợi đến lúc thật sự suy thoái. Ngay sau những cuộc chiến tranh (ba lần ...), khi các công thần lần lượt nằm xuống, triều đình đã thiếu nhân lực. Dường như nhiều nhân tài trong nhà đã quay lưng? Và triều đình đã phải bù lấp bằng những cuộc thi chọn chưa thành thường lệ.
Tuy nhiên, ngay cả hiền tài được lựa chọn cũng không ít kẻ bỏ đi. Tiến vi quan thoái vi sư! (Chẳng phải Chu Văn An vẫn được suy tôn là vạn thế sư biểu đấy ru?). Có một trường hợp nhân tài hoàng thân quốc thích ngay từ buổi bình minh thịnh trị đã chọn cách lui về phía sau (hình như K.W. Taylor không biết đến?). Ông được cho là anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong khi ông em danh tiếng vang trời uy quyền lệch đất thì ông anh, tương truyền là vô cùng xuất chúng, chỉ lẳng lặng đóng góp như một người lính bình thường trong chiến tranh, và sống như một người dân bình thường sau chiến cuộc. Tiếng là tu cũng không hề ầm ĩ, vẫn sống cùng vợ con ngày ngày cơm rượu thịt. Hai chữ Tuệ Trung hẳn không thể nói là tầm thường ...
Một điểm thú vị nữa của triều Trần tưởng không thể không nhắc đến là xu hướng rời bỏ của chính ... các vị vua. Ngay vị vua đầu triều là Trần Cảnh đã suýt đi tu nếu không có sự ngăn cản quyết liệt (đến mức tàn bạo) của ông chú Trần Thủ Độ. Sau này cháu nội ông, vị vua thứ 3 của triều Trần, đã sáng lập nên một thiền phái. Tiếc là hậu sinh khả ố đang làm nhuốm bẩn thanh danh ông với 2 chữ Phật Hoàng (đã Phật lại còn Hoàng, huhu).
Đến đây, hắn ngờ rằng trong thâm cung kia phải có thứ gì ghê sợ lắm, khiến cho bao kẻ đời trước đời sau đến tận đời nay nếu không biết sớm tránh xa thì không thành tàn bạo cũng ra xôi thịt hết thảy?
Mới nhớ đến câu thơ Trưng Nữ Vương "điện ngọc bơ vơ" nghe đâu đó đã lâu. May có Google mách bảo về nữ sĩ Ngân Giang. Thương cho thân phận người viết nên những vần thơ tài hoa từ năm 1939 mà suốt hơn 60 năm sau đó sống bất phùng thời. Không biết bà có biết có người tri âm thơ bà mà giã từ cõi thế hay không?
Hoặc có kẻ bảo, nhà thơ nay thì biết gì về vị Nữ Vương từ thời mịt mờ sương khói. Kia có nhà thơ xưa viết về vị vua cùng thời liệu đáng nghe chăng? Đường Minh Hoàng nổi tiếng anh minh, giành quyền lực không dễ dàng gì, dựng nên cũng đáng gọi là rực rỡ, rốt cục chết trong thê thảm, có phải tại gì? Trời thưởng (hay phạt?) mà đem tới rồi lại lấy đi (hay chỉ bởi người không giữ được?) một trong tứ đại mỹ nhân ...
Thiên trường địa cửu hữu thì tận ...
Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Sinh thời, sau khi đi tu, ông í tự đặt pháp hiệu cho mình là Đầu Đà Giác Hoàng Điều Ngự, tức là tuy tu nhưng vẫn ý thức mình là vua (vẫn chưa từ bỏ chấp chước???), nên hậu thế tụng là Phật Hoàng hẳn cũng có nhẽ của nó.
Đăng nhận xét