Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Áp-phích

 Loại áp-phích cổ động kiểu này, kể cả trong quá khứ, cũng không phải nước nào cũng có.




Một bạn cho biết nó mới xuất hiện gần đây ở nước Nga. Tam ngữ, nga triều việt. Chắc sau chuyến công du lịch sử của ai đó tới những đâu đó.




Klq, đọc được câu "Xa mỏi chân hơn gần mỏi miệng". Chí lí cho các gia đình vịt. (Kiểu, xa thơm gần thối).

Adam & Eva


 

Pulp Fiction (1994)

 Thật đáng ngạc nhiên, khi đến tận giờ này, lão mới xem Pulp Fiction (1994).

Tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm ngay trong năm 1993, có lẽ năm 1994 lão đã không có nhiều thời gian ngó nghiêng này nọ.

Không chỉ đơn thuần mốc thời gian quan trọng, mà cả về không gian cũng có sự thay đổi đáng kể. Đáng kể là lúc đó lão đã khá tuyệt vọng, đến mức đủ để xem mọi chuyện xảy ra là may mắn. Nghĩ lại, cũng có nét pulp fiction, tV dịch là, chuyện tào lao.

Hơi ngạc nhiên thấy các diễn viên quen thuộc đều có vẻ già dặn.

Có lẽ, chỉ tại trong đầu, cứ nghĩ, năm 1994, là một thời nào thật là xa vắng lắm ...




Răng ai cũng khổ hết trơn ri hè!

 Câu chuyện không đao to búa lớn nhưng chân thực, vì những địa danh quen thuộc, và hoàn cảnh hết sức quen thuộc.

MỘT BÀ GIÀ QUẢNG NAM XƯA!
Khoảng năm 1981-1982 đời sống giáo viên cực kỳ khó khăn. Tôi quyết định đi xe đạp thồ để có tiền mua sữa cho con. Chiếc xe đạp để đi dạy hàng ngày được bổ sung thêm cái giỏ phía trước và cái yên nệm mút phía sau poóc ba-ga cho khách ngồi... êm đít!
Mỗi sáng cứ 5h là tôi ra đứng trước kiệt 7 Hoàng Diệu (Đà Nẵng) để chờ khách. Khi trời bắt đầu sáng thì bỏ đường Hoàng Diệu - nơi gần trường đang dạy, rất dễ gặp học trò - chạy xuống đường Lý Tự Trọng hoặc Trần Cao Vân đứng đón khách. Có khách hay không thì 10h30 phải quay về nấu cơm ăn để chiều ... lên lớp.
Một buổi sáng đang bon bon trên đường Trần Cao Vân trước chợ Lầu Đèn, chạy về nhà chuẩn bị đi dạy, thì có một bà cụ dáng rất nhà quê đón xe. Vừa mừng vừa lo. Mừng vì được một cuốc xe có thêm tiền. Lo vì sợ khách đi xa không về ăn cơm kịp để 12h30 vào dạy tiết 1. Tôi phanh xe và hỏi:
- Cụ đi mô?
Bà cụ nói:
- Đây xuống bến xe Vĩnh Trung mi lấy mấy?
Thấy tuyến đường trùng với lộ trình về nhà của mình nên tôi nói:
- Đúng giá là một đồng rưỡi. Còn chừ cụ cho mấy cũng được, cụ không có tiền thì con chở giúp cụ một đoạn, con đang trên đường về.
Bà cụ cười giơ hàm răng toàn... lợi và nói:
- Thằng ni đi thồ mà nói nghe vui nhỉ!
Nói xong bà cụ cúi xuống cầm đôi dép lào đã mòn lín. Hai cái gót đã thủng hai lỗ lớn bằng đồng bạc cào lưng. Cụ bỏ đôi dép vào giỏ xe của tôi và nói:
- Xuống bến xe mi nhớ nhắc tau lấy dép ni chớ không phải mi đợi tau quên rồi lấy luôn nghe chưa!
Tôi cười bảo:
- Cụ yên tâm. Con không mang dép bằng tay nên không lấy đôi dép ni mô!
Lên xe chuyện qua chuyện lại mới biết bà ở Thanh Quýt (Điện Bàn) ra thăm, mang cho con trai đang làm công nhân ở cảng một ang gạo vì nghe nói gạo mua tiêu chuẩn ăn không đủ, bữa nào cũng chỉ lưng bụng mà đi làm. Còn bà thì biết tôi là thầy giáo cấp 3 đi xe thồ thêm ngoài giờ để mua sữa cho con. Nghe hoàn cảnh của nhau, cả hai bà cháu đều im lặng. Một chặp tôi nghe bà ngồi sau chép miệng rồi nói:
- Răng ai cũng khổ hết trơn ri hè!
Đến bến xe Vĩnh Trung, tôi quay lại dặn:
- Cụ ngồi im, đừng lo, để con tìm xe Vĩnh Điện cho cụ đi. Bến xe đông sợ cụ tìm không ra.
Tìm được xe đi Vĩnh Điện, tôi phanh xe đạp và nói với cụ:
- Cụ nhớ lấy đôi dép. Con chở hộ cụ một đoạn thôi không lấy tiền.
Bà trả lời:
- Thằng ni nói nghe được. Tau không trả tiền xe nhưng chờ tau một xí.
Vừa nói cụ vừa lật lớp áo ngoài rồi mở cây ghim túi áo trong và lấy ra 3 đồng, đưa cho tôi.
Tôi nói:
- Con nói rồi. Con chở giùm không lấy tiền xe.
Cụ bảo:
- Tau cũng không trả tiền xe. Tau cũng không cho mi. Mi có chưn có tay, có sức dài vai rộng mi làm mi ăn. Tiền ni tau gửi mi đem về mua sữa cho cháu tau. Mi không lấy tau la làng là mi móc túi của tau. Răng? Nhận đi con, cho bà vui.
Nói xong cụ nhét tiền vào túi áo của tôi rồi cặp nách đôi dép lào đã mòn gót leo lên xe.
Lần đó tôi đứng khóc một mình giữa bến xe Vĩnh Trung cho đến khi chuyến xe đò rời bến... chạy khuất!
Bà ơi. Bà đang ở cõi nào?
Nay con có thể viết những bài báo nhận nhuận bút. Đứa cháu nhỏ thời đó nay đã là tiến sĩ làm giảng viên của một trường đại học danh tiếng. Nhưng có lẽ, cho đến lúc chia tay cuộc đời này con vẫn còn nợ bà... một hộp sữa!
Bài viết: Thí Lê (baoquangnam)




(Theo) TT online

 Mẩu tin ngắn mà nói lên nhiều điều. Kèm theo tấm ảnh còn ... nói thêm. Rất Việt!

Phát hiện tài sản gồm tiền và vàng trị giá hơn 1,5 tỉ đồng được cất giấu trong 2 phuy lúa trước hiên nhà bị mất cắp, người đàn ông báo công an thì "lòi" ra nghi phạm chính là con gái của mình.




Bạn thân

 (Hú vía, loại trừ, gần hết các chữ cái.)




Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

The Godfather

 Những người yêu phim, gặp những bộ phim kinh điển, thì xem đi xem lại hàng bao nhiêu lần cũng không chán.

Lão, xem phim The Godfather (1972) không biết bao nhiêu lần, nhưng cứ cảm thấy như lần nào cũng chỉ xem lướt lướt. Kiểu, biết rồi khổ lắm nói mãi. Song, có thật là "biết rồi" không?

Nhớ lại, hồi nhỏ hay bị ba mắng, rằng đọc sách nhanh quá sẽ không hiểu gì cả. Nhưng ngày ấy sao có thể thôi ngốn ngấu. Trong thư viện, trong giờ học chứ chưa nói đến lúc rảnh rỗi. Mà đọc kinh điển luôn, Những người khốn khổ, Chiến tranh và hoà bình, Don Quixote, ... Kinh. Tại đói. Và thèm.

Mario Puzo thì lại nhớ là đọc bằng tiếng Slovakia, khi đã vào đại học. Có thể vì thế, mà cũng có thể chỉ vì đọc nhanh quá, sớm quá, như ba lão từng mắng, nên chưa bao giờ thực sự cảm thấy thật hiểu.


Nay đã đến tuổi sống chậm. Đọc chậm, xem chậm, nghĩ chậm. Và, mỗi xem mỗi thêm thấm.

Đầu phim, đã thấy khắc hoạ tính cách các nhân vật một cách rất rõ nét. Không còn trầm trồ những tình tiết khó đoán (xem đi xem lại cả hơn chục lần, còn hehe đoán nỗi gì?), mà thán phục tính logic của các sự kiện.

Bố già, trông thì có vẻ rất thủ cựu, nhưng rõ ràng biết đưa truyền thống vào hiện đại, hơn xa các "bố trẻ" ngày nay ...




♥️

 


Lan man chuyện linh tinh

 Chả là, hôm qua đọc được mấy dòng của nhà văn Nguyễn Vỹ. Chẳng hoá ra, bài thơ "thần sầu", hay câu thơ "thánh thán", của các nhà văn nhà thơ Việt lừng danh lỗi lạc, đều có dấu hiệu "không chính chủ" cả hay sao?

Không khỏi nhớ lại thuở còn đi học, sau khi đọc Le partie de billard của Alphonse Daudet thì cứ cảm thấy Sống chết mặc bay (còn được xem là truyện ngắn đầu tiên của "văn mới" vn cơ đấy) có gì đó ... sai sai (!?). Tác giả là nhà văn Phạm Duy Tốn, bố của nhạc sĩ Phạm Duy (Cẩn), đều là những cái tên chói lọi cả.

Bây giờ đọc Nguyễn Vỹ nói về Đoàn Phú Tứ, thấy ... na ná. Mà ông nhà thơ / nhà văn này vốn có mấy câu thơ lão vô cùng yêu thích:

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát

(lão cố tình đảo thứ tự màu và hương, sorry ông!)

Chỉ mong sao không bị đưa vào dạng "nghi vấn" như Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô.


Thực ra, không hề có ý định "xét lại" hay lên án gì các ông. Chỉ là hơi ngờ ngợ, nhẽ cái dân tộc mình ... nó thế (?). Và các ông là elite nên các ông nổi phềnh lên thôi.

Một giới "elite" khác của dân tộc là chính trị lại còn khủng khiếp hơn. Với những lượm lặt nhặt nhạnh bá vơ bá láp được tâng bốc đến độ tởm lợm ...




Ngựa vằn

 



Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Đạo?!

 NGUYỄN VỸ đã nói gì về bài thơ "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư ?

... Có một lần ở tại nhà trọ của Lư phố Hàm Long tôi cười hỏi Lư:
- Lư ơi, bài thơ Tiếng thu có phải thật của cậu không? Có Nguyễn Xuân Huy ngồi đấy, Lư “cười như nắc nẻ”:
- Thằng này mơ mộng thật! Mi tưởng bài đó của Thế Lữ à?
- Thế Lữ làm gì nổi một bài thơ như thế.
- Nhưng tao có đọc một bài thơ của một thi sĩ Nhật Bản, giống hệt bài thơ của mày, và bài thơ Nhật cũng tựa đề là Tiếng thu.
Lưu Trọng Lư ngó Xuân Huy:
- Huy, mầy thấy thằng Vỹ nó điên không?
Huy bảo tôi:
- Bài thơ Nhật như thế nào?
- Mày muốn chép, tao đọc cho chép. Đây là một bài Tanka nổi tiếng:
Oku yama ni
Momoji fumi wake
Naku shika no
Koe kiku toki zo
Aki wa kanashiki
(Tác giả là Sarumaru, thế kỉ VIII).
Bài thơ này, Michel Revon có dịch ra Pháp văn trong quyển Anthologie des poètes japonais – (Ed. Hachette):
Combien triste est l’automne
Quand j’entends la voix
Du cerf qui brame
En foulant et dispersant les feuuilles des érables
Dans les profondeurs de la Montagne.
- Karl Petit, trong quyển La poésie japonaise (Ed. Seghers) lại dịch đảo ngược lại, nhưng đúng theo nguyên văn bài thơ Nhật:
Aux profondeurs de la Montagne
Ecartant et foulant les feuilles d’érable
Le cerf brame
Et à l’entendre ainsi,
Ah! que l’automne m’est lourdement triste!
Dịch đúng nghĩa ra Việt văn:
"Trong núi rừng sâu
Ta nghe tiếng xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Ôi buồn làm sao!"
Bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư:
… Em không nghe mùa thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Lưu Trọng Lư cãi liền:
- Bài của tao còn đoạn trên:
"Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ."
Tôi cười:
- Cậu làm bài thơ này hồi năm nào?
- Mới đây.
- Mới đây, và mấy năm nay trong nước mình làm gì có chiến tranh, có “kẻ chinh phu” có “người cô phụ”? Tôi cho rằng cậu ghép thêm ba bốn câu đó vào bài thơ của Saramaru để tương đối đôi chút, nhưng cậu lấy trọn vẹn bản chính của Saramaru.
Lưu Trọng Lư không cãi nữa, nhưng Nguyễn Xuân Huy cười:
- Kết luận: les grands esprits se rencontrent! (Những trí óc vĩ đại thường gặp nhau!)
Lưu Trọng Lư cũng biết rằng Lư nổi tiếng là nhờ bài này, nên anh lấy tựa đề bài thơ Tiếng thu làm nhan đề cho quyển thơ của anh.
Nhân vụ này, tôi cũng cho Lưu Trọng Lư và Nguyễn Xuân Huy biết là câu thơ “Yêu là chết trong lòng một tí” của Xuân Diệu, là lấy nguyên vẹn câu của nhà văn Pháp Roland Dorgelès đề trên trang đầu quyển phóng sự hồi kí Sur la route mandarine:
Partir c’est mourir un peu
(Đi, là chết trong lòng một tí).
Chỉ đổi động từ Partir thành Yêu mà thôi.
Cũng như tất cả những truyện ngắn của Đoàn Phú Tứ trong tập truyện Những bức thư tình, đều dịch ra từ các truyện của các nhà văn Pháp: Jules Renard, Courteline, P. Benoit, Secha Guitry.
Đoàn Phú Tứ dịch hẳn ra Việt văn, chứ không phải phóng tác, hay “phỏng dịch”, mà anh ta lờ luôn “xuất xứ”, tự đề tên tác giả là Đoàn Phú Tứ?
Cũng hôm ấy, Nguyễn Xuân Huy và Lưu Trọng Lư bảo tôi viết một bài trong Hà Nội báo, phê bình tập truyện của Đoàn Phú Tứ, với câu kết luận là “trả lại César cái gì của César”. Bài đó có đăng hai trang Hà Nội báo của Lê Tràng Kiều.
Nguồn: "Văn thi sĩ tiền chiến", Nguyễn Vỹ, NXB Khai Trí, 1969

Ghi chú thêm về nhà thơ, nhà báo, nhà văn Nguyễn Vỹ (1912 - 1971):
Nguyễn Vỹ có 1 tác phẩm rất nổi tiếng được xb năm 1969 tại SG, đó là quyển "Tuấn, chàng trai nước Việt".
Ông đã sáng lập nhiều tờ báo nhưng đều bị chính quyền SG đóng cửa không lâu sau đó. Sau đó ông cho ra đời tạp chí bán nguyệt san "Phổ Thông", tuần báo "Bông Lúa", "Thằng Bờm" và duy trì cho đến khi ông mất năm 1971, hưởng dương 59 tuổi!
Fb Nguyễn Nam Hải

Cờ người

 Hoá ra cờ vua cũng có cờ người, những tưởng chỉ có ở cờ tướng xứ nọ xứ kia.


Tấm hình này được chụp ở Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa xô viết năm 1924. Chỉ không nhìn rõ mấy quân K với Q, có được thay bằng hehe tướng hồng quân với nữ chính uỷ hay không.

Lái (xe)

 



Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Nhào (bột)

 Nghi chữ ahead, ăn may chữ cái N.




Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Xe đẩy

 Hú vía, dolly, folly, golly, holly, jolly, lolly, molly.

Lại một lần nữa thấy sự nghèo nàn của tV.




Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Kèn đồng

 



Đọc sách


Tôi không đọc (sách) để giết thời gian … Tôi dành thời gian để đọc sách.

👍🏼

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Trục

 Chuyến công du của sa hoàng pu bạo chúa tới 2 nước châu Á phải chăng nhằm mục đích lập nên một phe  trục mới, một liên minh ma quỷ của những kẻ ăn cướp, ăn vạ và ăn mày?

Dù cho lý tưởng là gì, phe nào chiến thắng thì "nhân dân cũng luôn bại".

Nhưng, chuyện phe phái sẽ là "mục đích biện hộ cho phương tiện". Nghĩa là sẽ tràn ngập dối trá, dối trá hiển nhiên được chấp nhận vì "có lợi cho phe ta".

Lịch sử đang được lặp lại?




Mùi, mùi thơm, ngửi, đánh hơi

 



Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

Mưa

 Đúng kiểu mưa to gió lớn, sấm chớp cũng hơi đì đùng.


Mấy hôm nay toàn kiểu chạy từ phía tây lại, trên núi xuống. Hôm nay mưa chính ở Đà nẵng và Hội an. Chắc xí hết thôi.


Ngắn gọn, súc tích

 



Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Che, phủ

 Cuối cùng từ đúng là từ nghĩ đến đầu tiên ...




❤️


Trong tấm hình này là 2 người đẹp, rất đẹp. Thời lão còn là sinh viên, cô tóc vàng là số một thế giới (WTA), không chỉ là số Một, cô còn là độc cô cầu bại. Còn cô tóc đen là số Ba (WTA), và được xem là hoa khôi của giới tennis.

Khi cùng ở đỉnh cao, 2 cô là những đối thủ nặng ký của nhau, nhưng vẫn cùng nhau tạo nên một cặp đánh đôi ăn ý.

Tấm hình này được chụp năm 1986, năm lão tốt nghiệp phổ thông, còn chưa biết gì về quần vợt (không hiểu nổi cách tính điểm, gì gì mà 15 rồi 30 rồi 40? ...).

Tấm hình được chụp ở Roland Garros, năm đó cặp đôi này giành giải nhì đôi nữ. Cả hai đang là những ngôi sao đang lên (thực ra lúc đó cũng đã gần tới đỉnh).

Những thần tượng một thời, tầm cùng tuổi với lão (chính xác là trẻ hơn).

Mới mấy hôm trước, Happy Birthday to Steffi Graf! Tầm này tháng trước Happy Birthday to Gabriela Sabatini!


Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

😀

 


Trước

 Nghĩ ra từ dòng thứ 4 nhưng chưa chọn vội ...




Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2024

Cái đẹp, người đẹp, phụ nữ đẹp

 Trích bài viết của nhà báo Trương Anh Ngọc:


Đến Munich, và ngắm những người đẹp quá khứ của họ. Trích dẫn bài viết của mình hôm nay có tựa đề “Khi cái đẹp là sự cứu rỗi…
“Tôi biết đến bộ sưu tập ấy một cách tình cờ, sau khi xem bức chân dung Auguste Strobl, một cô gái rất đẹp thế kỷ 19 do một hoạ sĩ thời đó vẽ nên. Tên của hoạ sĩ ấy là Joseph Karl Stieler, một cái tên không gợi ra điều gì cả, cho đến khi tôi biết được rằng, minh hoạ được dùng nhiều nhất trên thế giới về nhạc sĩ vĩ đại Ludwig van Beethoven do chính Stieler vẽ nên…
…Đó chính là lí do một ngày tháng Sáu, khi trái bóng EURO chưa lăn, tôi nhảy lên một chuyến tàu điện ra ngoại ô Munich để đến lâu đài Nymphenburg, nơi bộ sưu tập ấy đang được treo, và nhìn tận mắt những bức tranh phụ nữ rất đẹp mà Stieler, hoạ sĩ cung đình của Bavaria, đã vẽ trong 27 năm, từ 1823 đến 1850.
Một nhà nghiên cứu nghệ thuật đã nói rằng, chính những bức tranh bất hủ ấy đã thể hiện vẻ đẹp đầy quyến rũ của phụ nữ Munich, một bằng chứng sống để hiểu rằng, Munich hoàn toàn có thể tự hào họ là nơi đã sinh ra những người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Cũng không ngạc nhiên khi ở thành phố này, từ hàng bao thế kỷ nay, người ta luôn yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, yêu những gì thuộc về tự nhiên và có gu thẩm mỹ rất cao.
Trong lâu đài có “Gallery người đẹp”, một bộ sưu tập gồm 38 bức chân dung những người phụ nữ đẹp nhất của nửa đầu thế kỷ 19 qua sự lựa chọn của vua Ludwig I xứ Bavaria (1786-1868). 36 tranh do Stieler vẽ, 2 tranh còn lại do Friedrich Durck, cháu ruột và cũng là học trò của Stieler vẽ sau khi ông qua đời.
Trong những bức thư trao đổi với Stieler, Ludwig nói rằng, cái đẹp của người phụ nữ trong mắt ông chính là “sự cứu rỗi cho cuộc sống”, và vì thế, những người phụ nữ mà ông đã gặp trong đời và thấy đẹp cần phải được vẽ, được cho vào một bộ sưu tập không phải dành cho riêng ông, mà là để công chúng đến ngắm và thêm yêu Bavaria.
Một cuộc tìm kiếm những người phụ nữ đẹp để Stieler vẽ diễn ra. Đích thân vua Ludwig lựa chọn họ trong số những người ông trực tiếp gặp, có những người do Stieler gợi ý, có cả những người do chính Hoàng hậu Therese giới thiệu cho ông. Qua tháng năm, bộ sưu tập hình thành, với những bức vẽ sơn dầu theo cùng một kích cỡ và chính Stieler là một đảm bảo cho thấy, dù quá trình sáng tác của ông kéo dài 27 năm, nhưng phong cách của ông không hề thay đổi.
Những người đẹp ấy, họ là ai? Đó là một tập hợp những người đẹp ở mọi giai tầng xã hội, được vẽ ở tầm 20 tuổi, có người gốc gác nghèo hèn, có diễn viên, có con gái của Ludwig, có cả người tình của ông và nhiều trong số họ ông đã giữ liên lạc bằng hàng nghìn lá thư cũng như sự ngưỡng mộ với họ trong cả cuộc đời.
Tôi ngồi rất lâu trong một căn phòng lớn ở phía Nam của Nymphenburg, ngắm mãi không thôi những bức tranh ngay ngắn được gắn lên trên tường. Họ như đang nhìn ra người xem, mỗi người có một vẻ đẹp khác thường, như đang tư lự xa xăm nghĩ ngợi gì đó. Những nét vẽ sống động của Stieler đã khiến họ như bằng xương bằng thịt từ hai thế kỷ trước sống lại.
Có những vẻ đẹp khiến ta sững sờ, như chân dung của Helene Sedlmayr, con gái của một người thợ đóng giày và sau đó làm nghề bán đồ chơi, được Stieler vẽ khi mới 17 tuổi và chính là bức chân dung nổi tiếng nhất của bộ sưu tập. Nàng, người nghèo nhất, cũng chính là người có cuộc sống viên mãn và hạnh phúc nhất sau khi kết hôn với người hầu phòng của vua Ludwig, để rồi sau này qua đời ở tuổi 85 vào năm 1898.
Có những vẻ đẹp cả về thể xác lẫn trí tuệ như của Marianna Florenzi, một nữ hầu tước người Ý, người mà Ludwig đã yêu trong cả cuộc đời. Nàng chính là tri kỷ của ông trong hơn 40 năm. Gần 5 nghìn lá thư trao đổi giữa họ về mọi vấn đề cuộc sống bây giờ vẫn còn tồn tại.
Nhưng có những vẻ đẹp lại tạo nên không phải sự ngây thơ, trong trắng như hầu hết các bức chân dung phụ nữ đẹp của bộ sưu tập, mà chất chứa nhục dục và hoa tình. Lola Montez, một nghệ sĩ múa khá tồi, nhưng lại rất đẹp, là người tình của Ludwig. Nàng chính là một trong những nguyên nhân tạo ra một cuộc cách mạng ở Munich khi các thần dân bất mãn vào năm 1848, khiến Ludwig phải thoái vị.
Tôi rời Nymphenburg mà lòng ngẩn ngơ. Những người phụ nữ ấy đẹp quá. Mà đúng là nơi này từ lâu nổi tiếng sinh ra những người phụ nữ đẹp. Hoàng hậu Sisi (Hoàng hậu Elizabeth của Đế chế Áo) ra đời ở Munich năm 1837 và là một trong những phụ nữ đẹp nhất thế kỷ 19. Nàng còn quá nhỏ khi Stieler vẽ người đẹp cho vua Ludwig. Nhưng cũng nhờ Franz Xaver Winterhalter, học trò Stieler, mà hình ảnh của nàng ngày còn trẻ mãi mãi bất tử.
Một thời đại những người đẹp của Munich đã qua, không bao giờ trở lại…
@2024, Anh Ngọc, viết cho báo Thể thao & Văn hoá từ Munich, Đức



Chỉ copy về đây những cái tên được nhà báo nhắc đến trong bài viết:

Auguste Strobl (1807–1871)



Helene Sedlmayr (1813-1898)



Marianna Marquesa Florenzi (1802–1870)



Lola Montez (1821–1861)



Xay, nghiền