Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Bận và không bực nổi

Thực ra cũng chả có thời gian để bực.

Nhừ tử.

Sáng đến sớm. Chiều về muộn. Máy tính bật lên chỉ kịp check mail, ngồi ngay cạnh mà không nhìn vào được màn hình.

Trưa báo cơm 5 suất mà ở lại đi ăn tới 16 người. Cũng còn may nhà hàng xử lý được. Ăn xong mấy đứa đi hát karaokê xả stress chia tay tháng 7, mình đành từ chối.



Vài dự án muốn sẽ bắt đầu thì đang ở mức ... dưới số 0.

Những công việc đang tiến hành thì ... lỗi từa lưa.

Một hoạt động đã lâu năm bị cắt ... đột ngột.



Thật là "no dồn đói góp" đó mà.

Họa vô đơn chí phúc bất trùng lai.


Công bằng mà nói, đột ngột cũng chẳng mấy. Nhất là với mình.

Nhân vô viễn lự tất hữu cận ưu.


Vậy là "tấm áo mẹ vá năm xưa" mà "bấy lâu nay chúng con thường vẫn mặc" nay chúng con tiếp tục vá víu thêm nhiều. Chỉn e vá xong đến chị Dậu cũng không thèm mặc, huhu.

Tháng tới thì "vui" rồi. Đã cấm Fb hehe.

Tháng sau nữa lại phải bắt đầu bàn chuyện may áo mới, vốn không phải lần đầu ...

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Sống chung sau ly hôn

Mình không thích sống chung sau ly hôn.


Ý mình là: không thích quyển sách Sống chung sau ly hôn, hihi.


Điểm cộng duy nhất mình cho cuốn sách là tính bản năng của các nhân vật chính.

Có lẽ một phần tại mình đang sống trong một xã hội nặng những ràng buộc vớ vẩn.


Để thể hiện được điều này, tác giả phải đẩy các nhân vật của mình vào nhiều tình huống thật khiên cưỡng. Ít ra là với mật độ các tình huống đáng ngờ xảy ra dày đặc một cách còn đáng ngờ hơn.



Dĩ nhiên, đó là quyền của nhà văn. Có thể thế giới của bà ta là như vậy. Lời giới thiệu cũng nói "HTM chỉ có thể tạo ra một thế giới riêng để theo đuổi những lý tưởng sâu thẳm trong lòng dưới ngòi bút của mình.".

Mình thích một câu mới đọc được, đại loại người nghệ sĩ không có nhiệm vụ kể chuyện mà nhiệm vụ là dẫn dắt khán giả đi vào thế giới do anh ta tạo ra.


Trong trường hợp này chỉ đơn giản là mình không thích thế giới đó, một thế giới kiểu Quỳnh Giao.



Quay trở lại điểm cộng: bạn làm thế nào khi bản năng của bạn luôn làm tổn thương người bạn yêu quý?

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Sạch

1. Nước mắm sạch (theo Hằng Mắm Ruốc):

Một kinh nghiệm đơn giản của mình để chọn mua nước mắm đúng là: trong thành phần nước mắm phải KHÔNG CÓ NƯỚC. Vì nước mắm cốt chỉ cần dính nửa giọt nước là bị thối, do vậy nếu pha chế thêm nước vào thì nhất định phải bỏ thêm hóa chất bảo quản, nếu không nó sẽ hư liền. Do vậy khi mua nước mắm, xem thành phần có nước, nhất định nó phải có hóa chất bảo quản. (Nước mắm Thuyền Nan không dính nữa giọt nước, 100% cá và muối).

"Nước phẩm màu, hương liệu và chất bảo quản cùng một tỷ lệ rất nhỏ nước mắm cốt pha trộn vào nhau để cho ra một loại “nước mắm hảo hạng” giá chỉ 5000 đồng/ lít.
Hiện nay trên thị trường không chỉ có ở Hà Nội, mà một số tỉnh thành khác xuất hiện rất nhiều “đầu nậu” thu gom và buôn bán loại nước mắm rẻ tiền, chỉ có 5.000 đồng/ 1 lít. Nhưng điều đáng nói là những loại nước mắm này lại được quảng cáo là loại thượng hạng với những thương hiệu nổi tiếng như: nước mắm Phú Quốc, Tiền Hải …

Ngoài công thức trên các thương gia còn sử dụng chất bảo quản acid clohydric chỉ dùng khoảng 1g/1lít nước, chất tạo ngọt là đường hóa học Cyclamte, Saccharin thì 1-2 mg/1lít. Phẩm màu công nghiệp cũng được tận dụng vì cho màu sắc rất đẹp, với loại nước mắm rẻ như… nước lã thì hầu hết các cơ sở thường dùng phẩm màu Trung Quốc trong quá trình pha trộn. Để nhận biết loại nước mắm “rởm” này, theo anh Thủy, ngoài nhìn bằng mắt thường, ngửi mùi vị thì người sử dụng phải nếm trực tiếp mới có thể nhận ra đó là hàng thật hay hàng pha trộn.

Khi phóng viên thắc mắc về hạn sử dụng của loại nước mắm này thì được chủ cơ sở cho biết: “Nước mắm này em đem về sử dụng cả năm vẫn ngon. Ăn ngon là được chứ cần gì quan tâm đến nguồn gốc hay hạn sử dụng hả em”.

Người bán đã vậy, người mua cũng tỏ ra thờ ơ, không hề quan tâm đến việc “vô danh” của loại nước mắm siêu rẻ này. Chị Lan Anh, người mua hàng cho biết: “Thực chất thì mình thấy hàng này ăn vừa miệng thì mua thôi, chứ nói về nguồn gốc hay giấy kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng thì mình cũng không biết”."

***

2. Rau sạch:

Chị Tuyết Hằng Ngô: Quan trọng vẫn là cách nhận diện, thực ra có một lượng lớn người tiêu dùng chấp nhận mức giá của rau rạch hay rau hữu cơ. Có lẽ cần một hội chuyên làm cái hoạt động giúp người dùng phân biệt rau nào hữu cơ, rau nào hoá học. Người nông dân thì ko cần học cái này vì họ biết sản phẩm họ làm ra như thế nào, có lần đi công tác ở một vùng trồng rau, được nông dân mời cơm nên mình cũng xách rổ đi kiếm rau phụ làm cơm, mình ra đám rau đang thu hoạch dỡ để bán nhổ một nắm, ai dè chủ nhà can lại lập tức, bảo rau đó dùng để bán thôi, rau ăn là một khoảnh nhỏ sát nhà, thế mới thấy, dân trí thức ở thành phố ko hiểu cách nhận diện nên suốt đời ăn toàn hoá chất. Có lẻ cần một nhóm từ thiện hiểu biết về rau sách đi đến mọi ngõ ngách để làm nhiệm vụ tư vấn này quá, chỉ khi nào người tiêu dùng biết cách phân biệt thì rau rạch rau hữu cơ mới có lối thoát. Chứ còn nếu lòng tin thì chẳng ai dám tin hết. Mình cũng đang đeo đuổi cái nghiệp nông nghiệp sạch. Hi vọng ai có ý tưởng gì hay để phát triển hệ thống tiêu thụ thì chia sẻ.
Anh Bùi Xuân Tiến: Thực tế thì người có nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ vẫn ít còn người chấp nhận dùng rau hoá học dù vẫn biết không tốt thì lại rất rất nhiều. Có 2 nguyên nhân để họ chấp nhận ăn rau hoá học: Thứ nhất là họ không tìm được rau hữu cơ và không phân biệt được. Thứ hai là tính chủ quan, họ nghĩ ai cũng ăn như họ (cảm giác được chia sẽ nên an tâm), họ nghĩ ai cũng có lúc phải chết nên quan tâm lắm làm gì cho đau đầu (họ không biết rằng hoá chất không chỉ giết chết mình mà còn giết cả thế hệ sau), có thể ăn ít đi cũng được, bệnh gì có thuốc đấy. Một số bộ phận khác thì không quen dùng sản phẩm hữu cơ vì họ thấy nó hăng quá, đậm mùi quá, ngọt quá không quen, họ chỉ quen với loại rau hoá chất vừa dai vừa chua chua thôi.
Về phần người trồng rau, cũng ít người hiểu đúng nghĩa của rau hữu cơ và rau sạch. Phần lớn họ chỉ nghĩ là không dùng phân hoá học, không phun thuốc và chỉ dùng phân hữu cơ là rau hữu cơ. Thực tế nó cần có thêm vài điều kiện nữa ví dụ phải cách xa đường phố ít nhất 1km, phải cách xa khu vực nghĩa địa tối thiểu 1km, xa khu công nghiệp 3km vv... Nhiều người vẫn trồng rau ngoài đồng trong khi mồ mả xung quanh họ vẫn nghĩ là rau sạch là sai.
Để nhận dạng được rau hữu cơ hay không cũng có một vài điểm như sau:
- Màu lá xanh tự nhiên gần như lá chuối non, nếu rau xanh đậm ngắt là rau dư đạm (sử dụng phân hoá học)
- Lá của rau hữu cơ dày hơn, giòn hơn, thử bẻ gãy sẽ cảm nhận được, thử lấy móng tay bấm vào lá sẽ có cảm giác móng tay lún sâu xuống không giống rau hoá học, sử dụng kích thích sinh trưởng bấm phát rách luôn
- Rau hoá học chứa lượng nước rất nhiều nên khi héo thì cây rau mềm oặt xuống, lá cũng uốn lại và thấy rất mỏng. Rau hữu cơ thì chỉ héo bề mặt lá chứ không héo nguyên cây.
- Cách phân biệt chính xác nhất là ăn, với rau hữu cơ ăn sẽ có mùi đúng của loại rau, vị ngọt hơn, nhai cảm giác giòn sật sật. Rau hoá học nhai chỉ thấy ra nước, có vị hơi chua và xơ. Tuy nhiên để có được cảm giác này thì người dùng phải để ý mới biết, chỉ trừ một số loại như bắp cải thì nó khác biệt rất lớn giữa rau hữu cơ và rau hoá học, kích thích. Nếu có điều kiện người dùng nên thử mua cùng 1 loại rau một bên là hữu cơ, một bên là rau bán thường ở chợ rồi nấu lên ăn thử bảo đảm sẽ nhận ra sự khác biệt.

***

3. Thực phẩm biến đổi gen: dễ dàng tìm được nhiều bài viết trên mạng Internet.

***

4. Công ty mình:

Nói: “Nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ kết hợp với đội ngũ kỹ sư nhiệt huyết và sáng tạo để tạo ra sản phẩm có giá trị cao.”

Làm: quick & dirty, và chủ yếu lắp đặt theo thiết kế của người khác với hàm lượng chất xám thấp.

***

Than ôi,

Cái tốt như đỉnh núi cao, đường lên gian nan đòi nghị lực và hiểu biết.

Người ta đa số thường lười nhác và u mê, khác gì nước về chỗ trũng.


Đi về đâu chẳng phải đã rõ rồi sao!

Sao mình vẫn mải bơi theo dòng nước ngược?

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Bận và bực

Sau mấy ngày rảnh rang như con cá vàng, hắn vừa quyết định tự tay tìm hiểu một số vấn đề chuyên môn, thì cơn bận đổ sầm sập xuống đầu.

Ngày hôm qua sáng họp chiều họp.
Ngày hôm nay chiều họp sáng họp.
Ngày mai sẽ họp cả sáng lẫn chiều.
Huhu.

Hôm qua cả hai cuộc họp đều khiến hắn bực mình như con cá chình.

Hôm nay thì mệt nhưng tình hình khá hơn một chút.

Hy vọng ngày mai tươi hơn chăng? Hihi.

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Chuyện chẳng liên quan

Hôm trước nghe chuyện Công Vinh sang Nhật thi đấu. Mình chẳng quan tâm anh chàng lắm chuyện trong lĩnh vực được gọi là bóng đá VN.

Hôm nay tình cờ thấy báo đưa tin đội mà anh ta sang thi đấu có cái tên gì đó Sapporo. Bia Nhật Sapporo đang bắt đầu chiếm thị phần đáng kể ở VN.

À, bây giờ thì em đã hiểu ...


***


Mình từng viết entry so sánh cuộc sống giữa truyền thống và hiện đại như người đi trên dây.

Lúc ngả bên này, lúc ngả bên kia để giữ thăng bằng cho khỏi ngã.


Riết rồi bỗng thấy dường như dễ hơn.

Vì đi giỏi hơn chăng?

Không.

Vì sợi dây mong manh bây giờ đã lớn lên như con đường cái quan.

Ta mặc sức đánh võng sang phải lại sang trái mà vẫn không ra khỏi đường.

Không hiện đại cũng chẳng truyền thống.


Mình nghe nói rằng, những con đường lớn cắt qua các khu rừng thường chia cắt môi trường sống của các loài thú.

Vì chúng sẽ không vượt qua đường ...

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Thuyền nan

Cũng khá lạ lùng là hắn lại đi mua nước mắm.

Nên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bạn bè hắn ... ngạc nhiên.

Hắn, tuy không có được dáng vẻ của họ Trư, nhưng cũng thuộc loại "thực bất tri kỳ vị".

Ăn uống, đối với hắn không ngoài nhai nuốt, tống thực phẩm vào bụng, cốt nạp năng lượng. Mà nạp tối thiểu, vì nhiều một chút là cơ thể hắn biểu tình ngay.

Nhà hắn, tiếng là có bếp nhưng tội nghiệp mấy ông Táo bà Táo, bị bỏ đói quanh năm không tý gì vào bụng chắc chẳng đủ sức 23 tháng Chạp lên chầu Ngọc hoàng đặng tố cáo hắn.

Tóm lại, hắn mua mắm vì đó là Thuyền nan.



Dĩ nhiên, hắn không chờ đợi đó là một sản phẩm công nghiệp.


***
Xưa bên Tàu có anh bán giáo (gọi là mâu). Anh ta "quảng cáo" rằng mâu của anh ta rất sắc, đâm gì cũng thủng. Rồi anh ta cũng bán thuẫn (tấm chắn), rằng thuẫn của anh ta rất chắc, không gì đâm thủng. Có kẻ cắc cớ hỏi: vậy lấy mâu của bác đâm thuẫn của bác, thì thế nào?
***

Không biết có phải tại người Việt thích chuyện này mà dùng từ mâu thuẫn (!?).


Muốn ra biển lớn, hẳn người ta phải đóng tàu lớn, phải dùng sắt thép, phải xây dựng đội ngũ, phải ... chứ không thể đi bằng thuyền nan. Hẳn nhiên, thủy thủ đoàn cũng khó có thể là những người phụ nữ nghèo nơi miền cát cháy.



Hắn nay đã mệt mỏi với khát vọng bơi ra biển lớn. Hắn muốn lên một chiếc thuyền nan. Và ngược suối.

Hắn sẽ quên đi những kiến thức xưa nay. Xét cho cùng cũng chỉ là những cái cần câu cơm.

Nói như người ta, hắn đã ở bên kia dốc cuộc đời. Nghe bên kia dốc, dễ hình dung ra cỗ xe lao xuống ngày mỗi nhanh. Lạ kỳ, hắn dường như quá chậm ...

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Thuỷ hử

Dạo này vào Fb trên di động hay thấy quảng cáo game Thuỷ hử 3D gì đó.

Với hình ảnh khá khêu gợi. Tiêu đề: chơi game cùng mỹ nhân.

Hãy dẫn dắt Phan Kim Liên tìm được ý trung nhân.


Ôi trời.

Nếu không khiêu dâm công khai thì là một sự ngu ngốc vô cùng tận. Không ngu ngốc từ phía kẻ tạo game thì cũng dốt nát của những người chơi game.


Các bạn trẻ nhà ta, chưa chắc mấy ai biết đến (nói chi đọc) Thuỷ hử. Càng chẳng mấy ai biết Kim Bình Mai (tác phẩm văn học, chứ không phải những bộ phim lan truyền trên mạng). Vì thế có lạ gì khi không biết Phan Kim Liên là ai.


Mà nhìn hình ảnh quảng cáo khá đẹp, xa xa có chiếc cổng thấy rõ Hán tự "Tây Môn ..." (!?).

Nghe nói hết 95% cổ phần vinagame thuộc về các đối tác TQ?!



Thôi rồi.



- Posted using BlogPress from Khanh An's iPad

Location:kiệt 338 Hoàng Diệu,,Vietnam

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Mỹ nhân

Mỹ nhân, nghĩa là người đẹp.



Nguyên đọc linh tinh, thấy thích thú với 2 câu của Viên Mai (entry trước). Ông này viết 2 câu đó cũng từ sự đọc, bỗng nghi ngờ có sự như thế chăng?

Nhưng người đọc người người đều thấy Tây Thi. Cũng không trách được, váy, í quên bóng giai nhân che mờ vạn vật, hihi. Mới biết đâu đâu cũng có Ngô vương. May mà giai nhân không nhiều đến vậy (!?).


Đã vậy viết về người đẹp chơi.

Người xưa nói, đẹp đổ nước nghiêng thành. Song nay mấy ai biết đẹp ra sao. Có chăng là dấu tàn tích cũ của những thành đổ nước tan chôn vùi luôn số phận bi thảm của các nàng.



Trung Hoa cổ đại khoe danh tứ đại mỹ nhân. Trầm ngư, lạc nhạn, bế nguyệt, tu hoa. Bốn người đẹp đẹp đến độ cá lặn, chim sa, nguyệt thẹn, hoa nhường. Kể theo thứ tự thời gian:


Người con gái nước Việt thời Xuân thu chiến quốc Tây Thi ra sông giặt áo, vẻ đẹp của nàng khiến cá không dám nổi lên mà lặn hết xuống đáy. Việt vương Câu Tiễn mưu đồ phục quốc bèn theo kế của Văn Chủng, Phạm Lãi đem nàng cống cho Ngô vương Phù Sai khiến Phù Sai mê đắm chìm trong sắc đẹp của nàng mà thân bại danh liệt nước mất nhà tan về tay Câu Tiễn.

Số phận người đẹp về sau không rõ. Có kẻ nói Câu Tiễn giành được quyền lực liền sai giết nàng vì "sắc đẹp của nàng là nguyên nhân mất nước". Người mơ mộng hơn tin rằng nàng được người tình cũ Phạm Lãi đưa lên thuyền rong chơi Ngũ Hồ ...

Hạp tảo Ngũ Hồ song Phạm Lãi ...


Kịp đến thời Hán có Vương Chiêu Quân, đẹp đến độ chim nhạn nhìn thấy mải mê quên cả vỗ cánh mà rơi bịch xuống đất. Nàng này tự tin ở sắc đẹp của mình không thèm hối lộ gã thợ vẽ họ Mao nên không được vua biết đến, cuối cùng bị đem cho xứ mọi rợ (từ ngữ chỉ có mục đích nhấn mạnh độ bi thảm, không có ý phân biệt chủng tộc hehe).


Nhà Hán tàn, giặc giã nổi lên như ong, Điêu Thuyền ra đình ngắm trăng mà khiến chị Hằng xấu hổ vì không đẹp bằng, trách gì chả khiến cha con Đổng Trác Lữ Bố tranh giành mà trở mặt giết nhau. Rốt cuộc Lữ Bố anh hùng nhưng hữu dũng vô mưu bỏ mạng dưới tay Tào Tháo, còn Điêu Thuyền không biết lưu lạc phương nào.


Nhà Đường có vị vua Đường Minh Hoàng tài giỏi chấn hưng triều đại sau bao biến cố, gặp được Dương Quý Phi như rồng gặp mây. Dương mỹ nhân ra vườn ngắm hoa mà muôn hoa đều rẽ lối nhường bước hết cả, khiến sao vua chẳng mê đắm, giặc đến sát nách chỉ biết ôm người đẹp bỏ chạy. Quân lính nổi loạn cho người đẹp là nguyên nhân bất an, đòi vua phải loại bỏ. Để giữ ngai vàng, Đường Minh Hoàng đành gạt nước mắt ban cho người đẹp dải lụa trắng, để rồi cuối đời phát điên trong điện ngọc.

Thi sĩ Bạch Cư Dị diễn tả nỗi đau đớn thay cho nhà vua bằng Trường hận ca:

Thiên trường địa cửu hữu thì tận
Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ


Trời rộng lớn, đất bền lâu mà còn có hạn, chỉ nỗi đau mất người đẹp là không bao giờ dứt!


Than ôi, may còn có nhà thơ khóc cho một câu khắc vào muôn thuở. Nhược bằng các bậc đế vương vinh hoa phú quý, cùng các mỹ nhân dù có là Tây Thi trầm ngư, Chiêu Quân lạc nhạn, Điêu Thuyền bế nguyệt hay Dương Ngọc Hoàn tu hoa, thì cũng đến chôn vùi vào đổ nát cả.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

!

Ngô vương sự sự đô điên đảo
Vị tất Tây Thi thắng lục cung

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Nói chuyện bộ Học

Hắn nghe về ông đã lâu. Và khá nhiều. Với những lời khen giỏi lắm giỏi lắm.


Đại loại ông học rất giỏi, rồi ở lại trường giảng dạy. Rồi ông làm tiến sĩ ở Pháp.

Dần dần hắn hiểu những lời khen (cũng như chê) kiểu truyền miệng phổ biến ở xứ này. Những con người nhiệt tình khen ngợi (hay chê bai) kia đa số không biết gì về đối tượng mà họ nói đến.


Rồi hắn có điều kiện mục sở thị công trình nghiên cứu của ông. Một kiểu thành công nhưng kém khả dụng.

Bỏ qua chuyện hắn loáng thoáng nghe được về phát minh hoàn toàn tương tự trước đó ở xứ mà ông từng theo học thành tiến sĩ, giới khoa học còn đồn về những phát minh hữu ích hơn nhưng chưa áp dụng được do bọn tư bản giãy chết nắm vững tính phát triển của xã hội.


Hắn bắt đầu biết về ông nhiều hơn khi ông chuyển qua làm quản lý.

Không cần nói về sự kệch cỡm của xứ này khi người ta cứ đòi hỏi những nhà quản lý phải có bằng cấp hàng đầu về chuyên môn gì đó hơn là quản trị, thì những việc làm của ông cũng đủ khiến hắn nghi ngờ: đành rằng không biết quản lý nhưng như thế không thể là người có tư duy giỏi.


Ông lên chức phó thượng thư bộ Học, hắn thôi không quan tâm nữa vì vốn đã có điều kiện biết và hiểu sự thối nát đến tột cũng của cái bộ đó.

Nhưng xem ra đã lẫn vào chốn thối tha thì không những ngu người mà chút sĩ diện cũng khó giữ được. Mới đây có chuyện ông ký ban hành một số điều ngớ ngẩn, khi bị dư luận lên án còn cãi chày cãi cối, cuối cùng cũng phải tự tay ký sửa lại, khiến hắn cứ liên tưởng cảnh trong mấy bộ phim Tàu: tự tay tát vào miệng mình mà rằng nô tài có tội nô tài đáng chết.


Vẫn biết một người không thể làm nên tất cả, nhưng nếu đi dạy thu nhập cũng đâu đến nỗi gì, lại được nhiều trò giỏi thì danh chẳng nhỏ, chẳng đỡ nhục hơn ư?


Buồn cho sĩ sư nước nhà! Câu tiến vi quan thoái vi sư không dễ học vậy.

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Cãi sách

Đọc Ngàn năm áo mũ của TQĐ, có chi tiết thế này:

Giới quý tộc (triều đình) VN một thời có trang phục học từ Trung quốc. (Cũng chẳng có gì là lạ.)

Cũng đội miện, mặc cổn gắn bổ tử.

Những chi tiết nhỏ thì khó nhận biết (chẳng hạn như 12 chương thêu trên cổn), tuy nhiên tác giả có dẫn nhiều bức tượng được tạc theo lối miện chỉ có 4 dải thao đính ở 4 góc hoặc hoàn toàn không có lưu nào. Tác giả cho rằng những bức tượng này mô phỏng không chính xác. Bằng chứng là một vài đoạn văn, thơ tả lại vẫn nói về miện lưu.

Cũng có thể, nhưng mình thấy không thuyết phục. Chính tác giả cũng thừa nhận văn thơ có tính ước lệ. Mà tính ước lệ của văn thơ Việt cổ (rất tiếc) lại hay theo "Tàu". Tỉ như gió tuyết (phương bắc) núi sông (Thái Sơn Hoàng Hà), rồi cả cây cối (tùng bách tang bồng) muông thú (ngựa cừu lân phượng) ... cho đến lịch sử (Nghiêu Thuấn Thang Võ). Thực ra chỉ tại các nhà nho "nói theo sách" hơn là tả đời thực (có thể quá tầm thường?!).

Cho nên mấy bức tượng dân gian kia lại đúng hơn đấy biết đâu!? Khi những bậc vương giả phương nam bước lên quyền lực từ chân đất, học lễ nhưng vẫn ngại rườm rà?!


Ghi chú vài dòng vậy về cái sự "bất tận tín thư".


***


Nhân nói chuyện sách. Henri Oger trong Kỹ thuật của người An nam đã cố tìm tòi để phản bác ý kiến thời đó cho rằng ở đất nước này gần như không có nghề gì hoặc có thì cũng không đáng kể.

Tuy nhiên ông cũng phải thừa nhận không thể chờ đợi một ngành công nghiệp hoàn thiện.

Mình điểm qua những ngành đầu tiên như sơn, thêu, khảm trai, khắc gỗ thì gặp nhiều nhận xét tương đồng: làm ẩu, bắt chước, kiên trì hơn là trí tuệ, không hoàn hảo, không có chút sinh khí nào, ...

Thú vị là nghề sơn "làm ẩu" vì "làm cho khách hàng nghèo, ít đòi hỏi cao" thì nghề khảm trai gần như độc quyền vùng Cận Đông, làm cho khách hàng giàu có (người Âu) rất đông nên "thợ khảm làm vội vã" (?!?!?!).



Đọc sách để biết vậy thôi ...

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Sinh nhật

Bốn lăm liệu có gọi là già?
Tưng bừng sinh nhật bạn chúc ta
Nợ đời ví thử mà xong nhỉ
Vấn vương chi nữa cõi ta bà ...




Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Vệt thời gian

Hàng năm có sự kiện Những ngày văn hoá châu Âu ở VN. Tại ĐN có chiếu phim, miễn phí.

Năm nay mình xem phim Slovenský, Čerešňový chlapec. Những mong nghe lại tiếng quen thuộc, nhưng không được nhiều vì phim có thuyết minh.

Mà phải nói, khung cảnh trong phim khác mình tưởng tượng nhiều lắm.

Phim kể chuyện một nghệ sĩ nổi tiếng bị mất trí nhớ sau tai biến. Diễn viên thủ vai này mình nhớ, vì ông từng đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ chế độ toàn trị, lúc mình còn học bên đó. Sau ông có làm ngoại trưởng và phó thủ tướng. Thôi chính trị, ông trở lại làm diễn viên.

Mình ấn tượng nhất về hai cô gái trong phim. Một cô phóng viên quyết làm cho được phóng sự về người nghệ sĩ già, và một cô giúp việc cho nghệ sĩ đó. Cả hai cô đều có một phong thái cực kỳ năng động, dưới góc nhìn của những kẻ như mình tưởng như tàn nhẫn, nhưng rất thẳng thắn và được việc.



Nhớ lại chuyện cũ, hồi đó mình xem phim Đài phun nước dành cho Zuzana. Phim nói về những cô cậu mới lớn, những ước mơ, xe máy, và cả chút tình dục.

Nhiều bài hát trong phim rất được yêu thích.

Giờ mình lại ngồi nhớ lại những nhân vật tuyến hai của phim. Cô chị của Zuzana, được xem là xấu hơn và không sành điệu như cô em. Cô thầm để ý anh chàng nghệ sĩ điêu khắc trong cùng chung cư. Cô làm thơ:

Em yêu đôi tay của anh
Em ước được chúng chạm vào
Chúng thật dịu dàng mà cũng thật mạnh mẽ ...

Bài thơ bị cô em nhìn thấy và đem ra đọc to giữa sân, khiến cô xấu hổ xé nát. Anh chàng điêu khắc kia lẳng lặng nhặt các mảnh giấy, dán lại bài thơ và cũng làm tặng cô một bức tượng ...


Nhiều bạn trẻ ngày nay xem lại clip có những bình luận hơi khiếm nhã. Cũng dễ hiểu thôi, vì thời của nó mà đã được xem là cổ lỗ sĩ rồi, hihi.



Hồi đó, mình cũng hay xem các phim cũ được chiếu trên tv.

Cứ thắc mắc sao giọng nói trong phim không giống ngoài đời? Sau có lần đi lao động ở vùng nông thôn mới gặp những bà già có giọng nói y như trong phim vậy.


Haiz, thời gian thời gian ...

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Tào Tháo

Bạn là cô giáo. Bữa nay đưa con đi thi đại học. Nhân đưa mấy đứa nhỏ đi ăn, kể chuyện nói với học trò: trước kỳ thi ăn uống cẩn thận kẻo Tào Tháo đuổi. Có đứa học trò hỏi: Tào Tháo là ai vậy cô?


Trào lưu ảnh chế trên mạng có cái này:




Thực tình mình cũng không hiểu liên quan gì.

Sự nghiệp của Tào Mạnh Đức khá lẫy lừng. Thắng nhiều mà thua cũng lắm.

Nhưng mình đọc Tam quốc chí thấy ổng thắng đĩnh đạc chẳng đuổi ai, chỉ khi thua thường bị đuổi chạy té re.


Vậy mà nói: bị Tào Tháo đuổi? Hehe.

Thoả ước

Sáng nay lại họp.

Nghe phổ biến (?!?!?) thoả ước lao động tập thể. Và ký một bản cam kết gì đó mà mình ký đại chẳng thèm đọc.

Thoả ước lao động tập thể là bản thoả thuận được ký tá giữa người sử dụng lao động (mà đại diện là tổng giám đốc - cũng chỉ một kẻ làm công ăn lương, lương cao nhưng có chuyện gì lại kêu ca tại cơ chế!) và người lao động (tức nhiên chính là mình, nhưng được ký đại diện bởi chủ tịch công đoàn kiêm phó tổng giám đốc (!?) rồi bắt mình phải học, hehe).


Nghe qua văn bản dài lòng thòng như rau muống, mình chỉ thấy điểm mới: nếu người lao động không đạt yêu cầu thì có thể bị chuyển công tác khác hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Mình cười: nói trắng mẹ nó ra là công ty có quyền sa thải cho mau cho rồi.

Mình thì đâu có ngán, chỉ tội nghiệp mấy con người ngơ ngơ kia còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mà loại bám nhà nước chỉ e có chuyện sẽ chẳng biết làm gì. Làn sóng cocc nhảy dù vào công ty vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt dù quỹ lương tơi tả.

Vấn đề đền bù khi chấm dứt hợp đồng lao động, dĩ nhiên không phải chuyện của thoả ước, hihi.

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Down

Chúa Nhật, đọc được bài phỏng vấn về Phú Mỹ Hưng.


Xưa nay hắn vốn chẳng quan tâm chuyện nhà đất. Sống vài chục thước vuông đã là nhiều. Chết hoả thiêu đổ sông đổ biển là về cùng cát bụi.

Không bàn chuyện công lao đúng sai người này người nọ, hắn nhận thấy bài phỏng vấn đậm đặc thông tin.


Chuyện nhà nước quy hoạch đô thị đầu voi đuôi chuột. Cũng dễ hiểu thôi khi người ta nhận thấy nguồn lợi khổng lồ từ việc mua bán thứ vốn chẳng được cấp quyền sở hữu cho cá nhân nào. Sở hữu toàn dân đương nhiên béo cho những kẻ "thay mặt dân".

Chuyện xây dựng lấn chiếm vùng trũng ngập nước khiến Sài Gòn lâm tình trạng "triều cường". Bây giờ nói chuyện chắn nước hay không, lấp bao nhiêu phần trăm diện tích là đủ là nhiều vân vân e không phải chuyện ngắn tập.

Chuyện không giữ chữ tín đẩy phía đối tác vào con đường phải tự tử mà còn dửng dưng. Khiến ngày nay các nhà đầu tư nước ngoài khôn lên nhiều, mà thói mỉa mai "quân tử Tàu" không hề giảm bớt.


***

Nhân đọc truyện cực ngắn của chị Hậu khảo cổ:

Giống nhau
Nhà có cháu bị bệnh down, mọi người phải trông chừng sợ cháu đi lạc. Một ngày ông đi làm thấy cháu đứng bơ vơ ngoài chợ, lật đật chở về. Tới nhà, thấy ... cháu đang ngồi ở cổng chờ ông. Nhìn lại, hoá ra nhầm, người kia cũng bị down nên mặt giống cháu. Bèn chở người ấy trả về chỗ cũ.
Vừa đi vừa nghĩ ngợi: Sao cơ quan mình cũng có nhiều người giống nhau thế, dù không phải là down?


Hắn định chất vấn tác giả mấy chữ cuối: sao chị biết không phải? Than ôi ...

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Măng đen

Ngày đầu tháng 7, đầu 1 tuần mới, hắn lên xe trực chỉ Măng đen.

Sau mấy ngày cuối tuần vừa vất vả vừa bực mình, vì gần như bị ép phải sửa lại một bản dịch. Cậu nhân viên công ty nhận dịch mà chỉ đưa ra một sản phẩm nham nham nhở nhở rồi cứ thế giao cho khách hàng. Khách hàng thì không biết làm sao trong khi đã đến hạn cuối. Còn hắn, chưa luyện được nội công thấy chết không cứu.


Măng đen, địa danh đang được quảng cáo rầm rộ như một khu du lịch sinh thái, nằm trên quốc lộ 24 nối liền Thạch Trụ (từ quốc lộ 1A), huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi với thành phố Kon Tum. Đi từ Thạnh Trụ lên khoảng 160km, phải qua đèo Vi-ô-lắc quanh co hiểm trở 30km, còn từ Kon Tum cũng 55km và phải lên đèo Măng đen.

Đúng như tên gọi của nó trong tiếng dân tộc địa phương, Măng đen là một vùng đất phẳng ở độ cao khoảng 1100 - 1200m trên mực nước biển, nằm ngay đỉnh của hai bên hai ngọn đèo.

Có lẽ độ cao và sự hiểm trở của nó là nguyên nhân ở đó người Kinh chỉ mới chiếm khoảng 10%.

Có lẽ cũng vì vị trí như thế mà nó đã từng được xem là vị trí chiến lược của nhiều cuộc chiến tranh. Và chứng thực rõ ràng nhất chính là số phận chìm nổi của tượng Đức Mẹ, mất đầu, mất tay, nay mới khôi phục được phần đầu.



Và độ cao mát mẻ của khí hậu ôn đới, cộng rừng nguyên sinh chưa bị phá huỷ chính là cơ sở để Măng đen trở thành khu du lịch sinh thái.

Những người chủ hiện tại không giấu diếm ý định biến nơi này thành một Đà Lạt thứ hai. Vì thế nó đã có dáng dấp của một thị trấn đường ngang ngõ dọc lề đường cột đèn. May mắn còn sót lại (hay chỉ đang còn sót lại?) là đường phố đang được đánh số thay vì đặt tên theo những gã cha căng chú kiết nào đó.



Thực ra năm ngoái nó đã có quyết định thành lập thị trấn theo (lạ thay?) quyết định của thủ tướng. Những ngôi nhà kiểu biệt thự đã được xây dựng khá nhiều trong khoảng 10 năm qua nhưng không hiểu sao vẫn còn bị bỏ hoang. Về hành chính từ hai năm nay nó đã là thủ phủ của huyện mới Kon Plong, vốn được tách ra từ huyện Kon Rẫy.

Hắn không nghĩ đây sẽ là Đà Lạt, khi chỉ có khách vãng lai hơn là những con người muốn sinh sống tĩnh lặng như những người Pháp cách nay hơn 100 năm. Dĩ nhiên với người Việt, sự hình thành khu dân cư cũng đồng nghĩa với việc đẩy tài nguyên rừng nguyên sinh về quá khứ.

Những điểm du lịch chủ yếu là hồ và thác, vốn tự nhiên của miền đất mà sự gắn bó của chúng với con người (dân tộc địa phương) được thể hiện trong những câu chuyện truyền thuyết, dần dần bị những con đường bê tông cắm vào và sự thờ ơ đến não lòng của đám khách du lịch thời nay.



Haizzz. Vùng đất sẽ còn biến đổi. Ngày nay có câu: đi đâu thì đi liền kẻo vài bữa không còn.

Dân tộc mình giỏi thiệt.

Hoa Di

Mới bắt đầu đọc Ngàn năm áo mũ, hắn bắt gặp khái niệm Hoa Di.


Thực ra chúng ta đã quá quen thuộc với việc gọi những hành động khác chúng ta là dã man, là man rợ; gọi người khác chúng ta mọi rợ, là man di.

Kể cho vui, hồi hắn học bên Âu, sinh viên VN có thói quen gọi người Diganmọi. Cũng là một cách để người chung quanh lỡ nghe được không hiểu (nếu phát âm Digan thì họ có thể biết đang nói về gì). Nhưng khá kém văn hoá, cùng nhiều thói hư tật xấu khác hihi.

Đọc sách xưa thấy người Hán tự xưng là Trung Quốc, Trung Hoa mà gọi người xung quanh là Bắc Địch (hoặc Bắc Rợ), là Nam Man, là Đông Di, là Tây Nhung (hoặc Tây Địch).


Hoá ra tại chúng ta một dao cắt sợi dây quá khứ, không đọc được chữ ông cha, chứ tiền nhân Việt dù phản đối dân Hán gọi mình là mandi nhưng cũng một thói xưng mình là Trung Quốc, là HoaHạ mà coi người ngoài cõi là DiMan.

Mới thấy ngày nay chúng ta cũng chưa khá gì mấy. Cứ cái gì giống ta là đúng là hay, khác ta là sai là dở hết thảy. Biết khó chịu trước sự áp đặt của người mạnh hơn nhưng vẫn vô tư khống chế kẻ dưới.



Nhân đọc trả lời của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho một số sinh viên về việc sử dụng R, thấy tư tưởng này cũng xâm chiếm hết não trạng những người làm khoa học VN.


Nói nữa e nhiều, thôi thì một tiếng thở dài đành nén lại.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Giả - thật

Hai hôm nay, trên đường đi làm, đạp xe qua phố Nguyễn Tri Phương mình đều thấy có một người đàn ông với một chiếc xe máy đằng sau chất đầy những đầu bò dạng như của những tay thợ săn dùng treo tường để khoe chiến tích.

Cũng chả rỗi hơi ngó, chỉ thấy qua cặp mắt đỏ nọc và cặp sừng to cong vút như cặp ngà voi.

Trưa nay tình cờ ngồi rảnh liếc qua báo chí thì đọc được tin ở Huế công an bắt một người bán đồ giả, và trên ảnh là chiếc xe máy với những cái đầu bò y hệt.

Tự nhiên thấy tức cười mà ngậm ngùi, sao cuộc sống mưu sinh của người dân xứ này khổ quá vậy?


***

Mình ít khi đọc báo ... lề chính thống, hôm nay nghe nhiều người lên án bài báo vô đạo đức của Dân trí nói về một quan chức vừa đột tử.

Thật tình, mình không mấy tin có quan chức tốt ở thời buổi này (tốt thì đã không làm quan!) nên cũng không mấy để ý chuyện một ông quan đột tử ngay trước kỳ bỏ phiếu tín nhiệm (cả chuyện này cũng chỉ là kịch) và sau những lùm xùm quanh cuộc thi hoa hậu do ông làm trưởng ban tổ chức (cuộc thi nào ở xứ này mà không lùm xùm?).

Nhưng lần này có nhiều người quen biết nói rằng ông là một người giỏi, và tốt.


Nếu thế, phải chăng ông đã chọn sai chỗ đứng cho mình?

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Mua hàng trên mạng

Mới không lâu, công ty muốn tặng hắn một chiếc điện thoại di động. Vấn đề là, khó có thể tìm ra một chiếc điện thoại nào khiến hắn thích hơn chiếc hắn đang sử dụng.


Thường hắn mua hàng trên mạng chỉ vì một lý do duy nhất: không mua được ở những nơi khác.

Vì thế hắn thường có những món đồ chơi chẳng giống ai. Và đắt.

Khó khăn của hắn: nhiều món hắn thích người ta không bán cho đất nước nơi hắn sinh sống.

Hắn phải đi loanh quanh, chẳng hạn vòng qua ebay.


Mới rồi, món hàng tậu được không được như mong muốn, nhưng không sao, hehe.


Không phải quyển sách, dù tình cờ hắn cũng mua qua mạng và về cùng lúc. Có thể chỉ vì hắn hơi nôn nóng đọc. Mà cũng tránh được nguy cơ hoàn toàn không mua được.


Một món hàng nữa hắn cũng mua trên ebay thì đang trên đường về. Vì hắn phải xác nhận chấp nhận nộp thuế để thông quan (!?). Có lẽ tại lô hàng nặng trên 1kg chăng? Hay kích thước không nhỏ? Hay có tính chất tiêu dùng?

Chỉ khoảng 2 năm trước, nhiều người vn có thể mua hàng Apple online, với giá đến tận tay người mua và bằng tiền đồng. Nay thì Apple đành huỷ kênh online này, vì quá nhiều hàng đến tay người mua quá trễ do chúng bị ngâm trong các kho hải quan.

Đội ơn nhà nước, món hàng hắn đang mua vốn có giá $200 thì nay tới tay hắn hết gần 8tr đ.