Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Măng đen

Ngày đầu tháng 7, đầu 1 tuần mới, hắn lên xe trực chỉ Măng đen.

Sau mấy ngày cuối tuần vừa vất vả vừa bực mình, vì gần như bị ép phải sửa lại một bản dịch. Cậu nhân viên công ty nhận dịch mà chỉ đưa ra một sản phẩm nham nham nhở nhở rồi cứ thế giao cho khách hàng. Khách hàng thì không biết làm sao trong khi đã đến hạn cuối. Còn hắn, chưa luyện được nội công thấy chết không cứu.


Măng đen, địa danh đang được quảng cáo rầm rộ như một khu du lịch sinh thái, nằm trên quốc lộ 24 nối liền Thạch Trụ (từ quốc lộ 1A), huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi với thành phố Kon Tum. Đi từ Thạnh Trụ lên khoảng 160km, phải qua đèo Vi-ô-lắc quanh co hiểm trở 30km, còn từ Kon Tum cũng 55km và phải lên đèo Măng đen.

Đúng như tên gọi của nó trong tiếng dân tộc địa phương, Măng đen là một vùng đất phẳng ở độ cao khoảng 1100 - 1200m trên mực nước biển, nằm ngay đỉnh của hai bên hai ngọn đèo.

Có lẽ độ cao và sự hiểm trở của nó là nguyên nhân ở đó người Kinh chỉ mới chiếm khoảng 10%.

Có lẽ cũng vì vị trí như thế mà nó đã từng được xem là vị trí chiến lược của nhiều cuộc chiến tranh. Và chứng thực rõ ràng nhất chính là số phận chìm nổi của tượng Đức Mẹ, mất đầu, mất tay, nay mới khôi phục được phần đầu.



Và độ cao mát mẻ của khí hậu ôn đới, cộng rừng nguyên sinh chưa bị phá huỷ chính là cơ sở để Măng đen trở thành khu du lịch sinh thái.

Những người chủ hiện tại không giấu diếm ý định biến nơi này thành một Đà Lạt thứ hai. Vì thế nó đã có dáng dấp của một thị trấn đường ngang ngõ dọc lề đường cột đèn. May mắn còn sót lại (hay chỉ đang còn sót lại?) là đường phố đang được đánh số thay vì đặt tên theo những gã cha căng chú kiết nào đó.



Thực ra năm ngoái nó đã có quyết định thành lập thị trấn theo (lạ thay?) quyết định của thủ tướng. Những ngôi nhà kiểu biệt thự đã được xây dựng khá nhiều trong khoảng 10 năm qua nhưng không hiểu sao vẫn còn bị bỏ hoang. Về hành chính từ hai năm nay nó đã là thủ phủ của huyện mới Kon Plong, vốn được tách ra từ huyện Kon Rẫy.

Hắn không nghĩ đây sẽ là Đà Lạt, khi chỉ có khách vãng lai hơn là những con người muốn sinh sống tĩnh lặng như những người Pháp cách nay hơn 100 năm. Dĩ nhiên với người Việt, sự hình thành khu dân cư cũng đồng nghĩa với việc đẩy tài nguyên rừng nguyên sinh về quá khứ.

Những điểm du lịch chủ yếu là hồ và thác, vốn tự nhiên của miền đất mà sự gắn bó của chúng với con người (dân tộc địa phương) được thể hiện trong những câu chuyện truyền thuyết, dần dần bị những con đường bê tông cắm vào và sự thờ ơ đến não lòng của đám khách du lịch thời nay.



Haizzz. Vùng đất sẽ còn biến đổi. Ngày nay có câu: đi đâu thì đi liền kẻo vài bữa không còn.

Dân tộc mình giỏi thiệt.

Không có nhận xét nào: