Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Những chuyện tử tế

Mình xem lướt qua Chuyện nghề của Thuỷ.

Đầu tiên là câu chuyện về một bà thím. Bà được người ta vận động đấu tố bố ông Thuỷ trong cải cách ruộng đất. Những chuyện kiểu này thời đó không thiếu, con đấu tố cha, trò đấu tố thầy, kẻ thụ ân đấu tố ân nhân. Cương thường đảo lộn, kẻ vì tham, người vì sợ. Vậy mà có người đàn bà lam lũ dám làm chuyện tử tế.

Chuyện thứ hai là trong thời gian ông Thuỷ lớn lên ở Tây Bắc. Thời đó, người dân tộc thiểu số vẫn còn thói quen đặt các quán dọc đường mà người Kinh gọi là "quán tự giác". Người bán để hàng trong quán, không có người trông. Người mua tự lấy hàng và để tiền lại. Nhưng cùng với việc có tên gọi, loại quán này cũng dần biến mất luôn. Nguyên nhân là những kẻ đặt tên không tử tế như những lời mỹ miều của họ.


Có thể, vì tất cả những chuyện ấy, mà ông Thuỷ đã làm nên bộ phim Chuyện tử tế.

Và vì nó là chuyện tử tế mà nó đã có một số phận long đong, long đong cùng với số phận người làm ra nó.


Tử tế, khó vậy thay!

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Chấm

Bọ Lập kể chuyện viết văn

Truyện ngắn


Hỏi,

Đàn anh cười trừ không biết.


Giờ bọ đã viết cả thúng

Nhưng vẫn lúng túng

Chẳng biết truyện ngắn là gì.



***



Mình là đứa lơ ngơ

Đọc "Chấm" của Tư

Nhìn có một chữ:

Thơ.


Thấy vẫn Tư kể chuyện

Nhưng không cùng bạn như trong truyện

Mà dường như chỉ tự nói với mình

Bằng từng chữ rứt tự ruột gan

Và trải ra theo nhịp con tim vẫn đập.

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Văn và vẽ

Lại viết đôi dòng về một tản văn nữa của Tràng Thiên.

Lần này về chuyện văn và chuyện vẽ.

TT dẫn chuyện ông nhà văn Gustave Flaubert nào đó cấm nhà xuất bản không được vẽ minh họa cho tác phẩm của mình, vì theo ổng "Minh họa là phản văn chương".

Rằng vẽ chỉ là một hình dung của văn. Văn tả rộng hơn thế, vẽ không hết nổi. Và rằng cái tả của văn còn chừa chỗ cho độc giả góp phần tưởng tượng ra muôn ngàn vẻ.

Nói vậy thì văn hóa nghe nhìn nó nghèo nàn hơn văn hóa đọc nhiều lắm. Mà thôi, vì hình như, chuyện này mình đã từng bàn đến rồi ...

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Khẩu ngữ

Đã lâu chàng không trở về đó, không nhìn thấy khuôn mặt ba, mẹ, chị Trúc ra sao, chị Trinh còn những ngày hẹn hò với anh Trâm không. Thằng Mạnh, thằng Út.


Ông Tràng Thiên trích đoạn trên rồi ổng la lên rằng: câu cuối nghe không giống văn, nó là câu nói.

Rồi ổng làm luôn một bài về khẩu ngữ.

Rồi ổng than: nói như văn là cái sơ sài bắt chước cái chải chuốt, chớ văn như nói thì là cái chải chuốt sao lại đi học cái sự sơ sài.



Tản văn ấy, ổng viết từ những năm 1960.

Ngày nay, sau nửa thế kỷ, không biết ổng có đọc được, chẳng hạn, bọ Lập? Thì ổng còn biết kêu lên thế nào!



Ngày nay, dường như, người ta không đủ thời gian (hay không đủ kiên nhẫn?) đọc những đoạn văn dài, những văn thơ có cánh, những gửi gió cho mây ngàn bay ... Cái gì cũng phải ăn liền, uống liền, fast food. Nói một tràng dài không thấy người nghe ừ hử thì không thoải mái, tưởng như mình độc thoại.

Vậy nên viết văn được 3 câu là phải có một câu nói với độc giả.



Bỗng nhiên, mình nhớ cái văn hóa tượng nhà mồ của một số dân tộc Tây Nguyên. Người ta nói với người chết, nên không chờ trả lời. Không biết có phải vì thế, mà những bức tượng gỗ thật có hồn? Rồi họ để cho nó dầu dãi phôi phai cùng những nắng những mưa ...

Người Kinh ta lên nằn nì mua lấy, như những lời đối thoại vô duyên bằm vụn áng văn kia ... Đem về cái khẩu ngữ mà cứ tưởng là trường ca ...

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Một chút về anh

Anh từng là sếp của mình trong một thời gian.

Ngày mới vào ngành, người ta giới thiệu cho mình cơ man không biết bao nhiêu là "sếp". Trong số đó không có anh, nhưng người ta cũng nhắc nhiều đến anh với biệt danh ác ý "sáu tấm" (mang tính nam bộ, như những ba d., tư s., ...).

Rồi mình gặp anh lần đầu mà không biết đó chính là ông sáu tấm nổi tiếng. Rồi mình nhiều lần chứng kiến cảnh anh la mắng người khác, đến độ hãi hùng. Nhưng đó mới là chửi lính, chửi đồng nghiệp. Người ta đồn kể rằng anh chửi sếp còn kinh hơn. Rồi có thời gian anh làm sếp của mình, ...

Hồi đó máy móc còn cũ kỹ và chắp vá, nhưng được sắp xếp khá quy củ. Và nề nếp làm việc vừa kỷ luật vừa hứng thú. Những ngày đó vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại. Trong cách làm việc chặt chẽ, trong việc sử dụng thiết bị nhiều sáng kiến độc đáo, có không ít dấu ấn của anh.

Lạ một điều, là cá nhân mình chưa bao giờ bị anh la mắng. Thậm chí có một lần mình kiên quyết không tuân theo ý anh, khi gặp anh chỉ bảo: nghe nói em không chịu làm ... Nhiều người khác có thể thân thiết với anh hơn, nhưng không ai tránh được có lúc bị chửi. Có người nghe đến tên anh đã sợ tái mặt.

Nhiều năm sau, mình có dịp được biệt phái vào SG mấy tháng, lại làm việc trực tiếp với anh. Mấy đồng nghiệp trẻ tỏ ra ngạc nhiên khi thấy mình tôn trọng anh như vậy. Chúng nó kết thân với mình song không giấu diếm rằng ghét anh kinh khủng. Lúc đó anh đã trải nhiều u uất, không còn như trước, mặc dù lúc chia tay anh nhờ mình nhắn với anh em ở ĐN, rằng anh ba vẫn như xưa.

Cả một tập thể, với đủ mọi thủ đoạn mánh khoé, đã trù dập anh tơi tả. Thế quen biết, quan hệ của anh không nhỏ, thế mà đành bất lực trước nhung nhúc những bầy sâu. Kể cả khi những sai phạm của họ đã hai năm rõ mười, mà họ vẫn thoát được, đơn giản vì những kẻ như họ quá nhiều ... Lần cuối gặp anh, anh đã cay đắng nói với mình: không thể ...


Xuất thân như anh, chẳng kém gì đương kim thủ tướng. Nhưng khác là anh học giỏi, được cử đi học nước ngoài. Và anh trở thành kỹ sư giỏi trong khi các bạn học của anh lại giỏi ăn chơi, giỏi kiếm tiền, ... Âu là lựa chọn của cả một dân tộc ...



Mình không thân với anh, không biết nhiều về gia đình anh. Cách đây mấy năm mình nghe nói anh bị ung thư. Rồi anh nghỉ hưu sớm. Hôm qua sếp nói với mình: anh ba đã mất, đã gửi vòng hoa viếng.

Mình im lặng không nói gì. Vì thực sự không biết nói gì. Mà có gì cũng không biết nói với ai. Mình nói với blog. Lúc nghe tin mình muốn khóc, nhưng mình không khóc. Bây giờ khi gõ những dòng này, nước mắt mình lại chảy. Mình cũng không đi viếng rầm rộ như người đời.

Mình biết thiền đã lâu, chuyện sinh tử với mình không còn can hệ. Chỉ là, nhiều lúc muốn chửi vung lên cho hả cái tâm với đời ...

Rốt cuộc anh cũng nằm trong sáu tấm như người ta ác ý gán cho anh. Có hề chi, sáu tấm chứa thân xác nào giam được chí bền. Vĩnh biệt anh.


Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Hậu Nari

Đoá hoa Nari năm nay, ngay từ khi hình thành, đã cương quyết đi nhanh đi mạnh đi thẳng, vượt qua Luzon nhằm hướng Đà Nẵng.

Thế nhưng khi tiếp cận đất liền bèn đổi ý quần đảo chậm và kỹ khiến bà con một phen căng thẳng từ nửa đêm tới hơn 7 giờ sáng.

Một đặc điểm nữa là trước, trong và cả sau khi viếng thăm, mưa rất ít mặc dù hoàn lưu khá rộng, chiều hôm trước gió đã thổi đổ xe máy và chiều hôm sau vẫn gió ào ào.

Sự tạnh ráo khiến bà con đỡ khổ với nạn mưa lụt sau bão, nhưng có vẻ lượng nước đó đang gây khó khăn cho 2 tỉnh láng giềng phía bắc vùng bão, là Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Dường như người Đà Nẵng đã quen hơn với bão nên nhà cửa cũng kiên cố hơn. Dĩ nhiên phần thiệt hại bao giờ cũng nghiêng về phía người nghèo.

Tang thương nhất có lẽ là lực lượng cây xanh. Thành phố vốn đã nghèo cây cối nay thực sự bị thiệt hại nặng với những tuyến phố cây lớn cây nhỏ hầu hết đều bị bật gốc.

Cuối cùng, khi dân đã có kinh nghiệm hơn thì khu vực dịch vụ công bộc lộ nhiều yếu kém kiểu cháy nhà ra ..., chẳng hạn việc đổ, nghiêng hàng loạt cột ăng ten, cột điện, ...

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Nari

Đoá hoa mang tên Hàn Nari vẫn đang quay quay giữa biển, trong này công ty đã hối hả giục về.

Cũng phải, qua cầu đã bắt đầu khó khăn, và nhiều xe máy đã té trên những con đường lớn như Bạch Đằng, Hàm Nghi, ... do gió mạnh.


Theo Hải quân Hoa Kỳ thì đêm nay bạn ấy ghé thăm Đà Nẵng.

Theo một số nguồn khác thì Nari đi chệch ra bắc một chút (Lăng Cô - Huế) và cập bờ cũng muộn hơn, trưa chiều ngày mai.


Đám tang dượng mình sáng mai đưa, thật là ...

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Sống chậm

Mình đọc văn ông Võ. Thấy ông Võ dẫn văn ông Vũ.

Trích đoạn thế này:

"Lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đập vào thử mà xem: tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra những tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo."

Và ông Võ không quên bình luận thêm: Cánh hoa đập vỡ gỗ? Ông Vũ, ông ngon trớn quá đấy nhé!


Và mình cũng muốn kêu lên: Này hai ông, hai ông khiến tôi ... ghen tỵ, ghen tỵ quá!

Các ông sống vào những thời năm nảo năm nao, mà mắt cứ như những chiếc máy quay hiện đại nhất. Quay tốc độ cực cao, rồi chiếu lại cho nhau xem bằng tốc độ cực chậm, đặng có thể chẻ sợi tóc ra làm ba, làm tư mà bình, mà luận.

Chúng tôi ngày nay có công nghệ hiện đại giúp sức, hoá ra càng thêm hối hả. Ừ, thì đã có máy làm thay người, chúng ta hẵng cứ thủng thẳng mà làm ... người máy.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Dượng

Dượng thọ 99 tuổi.

13 năm cuối đời liệt nửa người sau 1 cơn tai biến. Lúc đầu còn nhúc nhắc được, 8 năm sau nằm 1 chỗ. 5 năm cuối không còn biết ai.

Dượng vốn về già tai nặng mắt mờ, lại giọng Quảng đặc nên với nhà mình toàn ai nói nấy nghe, còn nói may chưa có nhầm lẫn gì tai hại.


Than ôi, người đời cứ những mơ ước trăm năm, chẳng phải chỉ để cuối cùng về nằm lòng đất mẹ?


Dượng họ Nguyễn, mình không rõ lắm các cụ xưa, chỉ biết dượng được đặt tên đúng 1 chữ: Buông.


- Posted using BlogPress from my iPhone

Location:Đường Nguyễn Quang Bích,,Vietnam

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Mặt trời vàng úa

Mình đọc tạp văn Tràng Thiên, có bài viết về nét ăn nét đọc của người Việt.

Đọc thì mình có sơ sơ, chớ ăn thì mình mù tịt. Nhưng cũng hiểu ý tác giả là nét văn hoá hình thành không chỉ ngày một ngày hai. Nó có lịch sử, hay nói nôm na hơn là cần thời gian để thấm. Thấm vào mỗi người.



Có buổi chiều nắng đẹp, mình ra ngắm trời ngắm biển ngắm rừng từ đỉnh Sơn Trà. Tức cảnh nhớ câu: Thập lý hoàng vân bạch nhật luân ...


Chiều hôm qua cũng nắng mà gió thổi mạnh, mây xám vần vũ. Trong đầu cứ vang lên: Ngẩng đầu lên mặt trời vàng úa ...


Thiên nhật giai vị hoàng
Âm phong phiêu nhiên chí
Hành nhân diệc thê hoàng

(Sở kiến hành - Nguyễn Du)

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Tướng

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu



Sinh ký tử quy. Cuối cùng ông cũng được về.

Cách đây cũng đã nhiều năm, hắn từng nói, có lẽ một trong những người cuối cùng sẽ ra đi, và, khi ấy, chỉ còn lại toàn ngợm.


Thời gian qua đi. Vật đổi sao dời.

Trước nói giữa bùn sen nở.
Nay bàn sen nở giữa bùn.


R.I.P.

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Nước

Tay bẩn lấy nước rửa.


Hắn, từ bé đến lớn, chẳng ở nhà được mấy ngày.

Trừ lúc bé được gửi (2 - 6 tuổi), bắt đầu đi học là hắn cũng sớm tham gia guồng luyện gà chọi, đầu tiên là ở nhờ nhà dân quanh nơi luyện, sau thì lê la trong các khu nội trú của nhiều ngôi trường danh tiếng.

Kết thúc bậc học phổ thông trong một trường nổi tiếng nhất nhì cả nước, hắn nhớ khu nội trú lúc đó là một ngôi nhà to, vốn từng là thư viện. Trong đó xếp đầy những chiếc giường 2 tầng bằng gỗ rất chắc chắn. Nhưng nhà thì không được như giường, đại khái là khi trời mưa thì trong chỉ hơn ngoài chút ít. Chắc vì thế mà người ta chuyển sách đi và cho những kẻ học sách vào đó.

Ấy là chuyện ở. Đến chuyện ăn.

Trong trường có bếp tập thể, đến bữa chia cơm theo từng lớp, cứ việc tập trung lại cùng ăn. Theo đúng truyền thống dân tộc, cứ gì cấm là làm, học sinh bọn hắn thường bưng cơm về nhà ở để ăn. Không gì nhiều nhặn, mỗi lớp 2 thau nhôm, một đựng cơm một đựng thức ăn. Thức ăn trường kỳ là một món có tên gọi nước ruốc. Đó là một thứ nước chỉ hơi đục, thoảng mùi ruốc, nổi chút ớt bột và ăn vào có vị mặn của nước muối. Cũng không dễ đưa cơm, nhất là với tụi học sinh mồm miệng quanh năm lở loét do không những thiếu chất tanh mà đến rau ráng cũng họa hoằn lắm mới được một cọng thì vừa ăn vừa nước mắt nước mũi thi nhau giàn dụa.

Nhà dột từ nóc, đám học sinh chỉ biết trốn "cục bộ". Mỗi khi trời mưa, chúng tụm hai tụm ba cùng ngủ chung ở tầng giường dưới, tầng trên cuốn chiếu lại bày la liệt những thau đựng cơm đựng đồ ăn ra hứng. Ngặt nỗi thau chưa rửa, mới bắn ra xung quanh cái mùi mà khi ăn thấy nhẹ giờ thấm vào quần vào áo vào chăn vào màn lại hóa nặng. Cộng thêm thiếu nước thiếu xà phòng mưa lạnh 3, 4 tháng mới tắm một lần nên cũng hơi í ẹ.

Mới có chuyện thế này. Hai anh chàng kia được chiếc giường ở chỗ may mắn dột ít, mới sáng kiến đặt cái thau lên trên màn, dưới tầng giường trên để hứng nước mưa. Tuổi ăn tuổi ngủ mưa lạnh trùm chăn ngủ say như chết, đêm thau đầy nước nặng đứt dây màn cho hai chàng bữa tắm khuya bất đắc dĩ. Tắm nguyên quần áo nguyên chăn màn, mà nào nước sạch cho cam.


Bẵng cũng dễ 27, 28 năm trôi qua. Ngày nay đọc báo thấy chuyện vỡ đập xả đập thủy điện thủy đeo mùa bão lụt chẳng khác gì.


Nước bẩn lấy chi rửa?



P/S: Đồn rằng vị vua nhỏ tuổi Duy Tân đã tự trả lời cho câu hỏi của chính mình:

Máu.

Trưa mưa

Ngồi dưới cơn mưa một buổi trưa
Mà lòng bỗng thấy những đu đưa
Mưa trời thoáng chốc mà mau tạnh
Lòng người còn lại với ngày xưa ...


- Posted using BlogPress from my iPhone

Location:Vietnam