Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Dễ & Khó

Người Việt, nhiều khi rất "dễ tính". Kiểu: có thể ngồi ăn một món ngon ngay cạnh đống rác.

Hắn, là một người Việt "khó tính". Kiểu: rất ghét những người vượt đèn đỏ, dù trưa nắng đường vắng chẳng có ai.

Nhưng, thường, thì hắn trông cũng giống ... người Việt. Kiểu: ăn đại một số thứ dù có thể có nguy cơ nhiễm độc (hầu hết các thứ ăn được ở vina xứ), hay: rất ghét phải đến bác sĩ (trừ khi đau không chịu nổi). (Thực ra là tại nghĩ: sống, cũng chẳng có gì hay ho ...).


Tuy nhiên, đôi khi ... lại chẳng giống người Việt tý nào. Ví dụ: rất thích đi chơi nhưng rất ít đi chơi. Vì, đơn giản đi chơi là để cảm thấy thoải mái, nhưng thường phải gặp nhiều chuyện chẳng thoải mái tý nào.

Có lẽ, tại quá "khó" thoải mái. Mà, nói cho cùng, việc gì phải chịu khó chịu đựng hàng bao nhiêu rắc rối chỉ để mong tìm kiếm một phút sảng khoái. Nghe, giống như đánh bạc. Nếu, đã thế, thà tìm đường sang Tây Trúc ...

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Du du



Chiều hè ra cửa gió mát rười rượi.

Bước ra sân ngẩng nhìn mây trắng trời xanh.

Tự nhiên nhớ câu: Bạch vân thiên tải không du du ...



Ngẫm nghĩ hai chữ du du, lại nhớ:

Thế sự du du nại lão hà ...

:-)

Buồn cười. Tự nhiên rơi vào tình huống "kinh điển": bạn mượn tiền.


Mà lạ. Bạn ở Sài Gòn đất rộng người đông tiền xe như nước. Lạ nữa, tuy nói là có biết về nhau nhưng dễ cả chục năm không thấy mặt nhau không hề liên hệ. Số điện thoại thấy lạ hoắc, giọng cũng nhận không ra.

Nghĩ số tiền không nhiều bèn đồng ý. Xong ngồi suy nghĩ một chút.

Số điện thoại tuy lạ nhưng so với số cũ cũng giống đến 5 số cuối, vậy là logic có thể hiểu được, hihi.

Tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng đứng đúng tên, cũng đỡ hơn, hehe.

Hổng lẽ bạn mình mất điện thoại, trong có thông tin tài khoản, rồi mất cả thẻ ATM? Định gọi cho bạn khác kiểm tra xem, song lại thấy không hay lắm.



Tặc lưỡi, hên xui. Vốn không bao giờ chơi các trò cá cược, cũng không bao giờ mua vé số. Nhưng chẳng phải sống ở xứ vina đã là một sự hên xui lớn đó sao?

Vật? Nhân?

Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán. (Tục ngữ?).

Mấy nay nghe câu này hơi bị nhiều. Là người vina nói về người Campuchia (đúng ra phải viết Cambodia?).

Nghĩ, nếu muốn gia ơn để đổi lấy sự trung thành, nhẽ chỉ nên nuôi một con chó.

Nói biết ơn này nọ, kiểu "cung kính không bằng tuân mệnh", con cháu nghe được chẳng tội nghiệp cho chúng nó lắm sao? Tại sao cứ phải buộc vào thay vì nâng một cánh chim?

Huống hồ là một dân tộc. Thử hỏi tâm thế nô lệ là cái chi chi.


Haiz.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Tặc?

Ăn mày là ai ăn mày là ta
Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày
(Thơ nay)

Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan
(Ca dao xưa)


Mươi hôm nay rộ lên tin gỗ quý pơ-mu được xẻ đưa về ngay trạm hải quan với đồn biên phòng. Lại có tin nữ trung uý công an con gái tướng công an ở dinh thự gỗ ngàn tỉ. Gỗ ấy làm sao có thể chặt trong đêm cho nổi?

Hàng bao nhiêu năm nay, vẫn con voi ấy ngồi chễm chệ và cười lớn trong phòng khách đấy thôi.


Xưa nay nghe nói đã nhiều về lâm tặc. Chữ tặc vốn là giặc. Sử xưa thường viết: năm ấy đói kém, giặc giã nổi lên như ong. Giặc ấy chính là người dân nghèo cùng đường vậy.

Làm giặc, nay, tưởng cũng không dễ. Nào phải cứ dân nghèo vác búa vào rừng chặt cây bộp bộp là thành được ngay lâm tặc.


Hắn nhớ câu chuyện này, nói thật thì chưa chắc đã là thật, nhưng chỉ ra một sự thật chẳng ảo chút nào. Rằng Cường đô-la từng nói: tài sản của tôi chỉ bằng cái móng tay của bầu Đức, mà tài sản của bầu Đức thì chỉ bằng cái móng tay của bí thư tỉnh uỷ Gia Lai.

Đêm đêm, không biết rừng có thì thào, chứ ngày thì còn đâu rừng nữa ...

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Buồn

Tình cờ thấy trên Fb Miên Thảo mô tả công việc ở FabLab.

Bỗng nhớ tới câu "ngạn ngữ" nghe hồi còn học đại học bên Tiệp: Kdo to umí, ten to dělá. Kdo to neumí, ten to učí. (Sau này đọc được trên mạng, hình như câu đó là của Bernard Shaw: He who can, does. He who can not, teaches.)


Thốt nhiên thấy buồn. Buồn lắm ...

Một cơn ... hành tỏi

Hắn, cứ hễ có việc gì phải làm liên quan đến chính quyền, là cảm thấy vô cùng khó chịu, kiểu co thắt bao tử, buồn nôn. Có lẽ do thần kinh thì yếu mà trải nghiệm thì quá mạnh?

Bởi thế, thường khi chấp nhận nhiều thiệt thòi, còn hơn là phải tiếp xúc bộ máy hành (là) chính. Nhưng, "cây muốn lặng gió chẳng đừng".

Hôm trước đi trực về thì nhận được thông báo (qua đường bưu điện) của chi cục thuế quận Thanh Khê về việc phải nộp một khoản tiền. Cả một trang giấy A4 đầy chữ không giải thích được lý do là gì, chỉ biết nó có thể là tiền nợ thuế, tiền phạt hay tiền chậm nộp. ?!?

Bèn vận dụng kiến thức toán học ra loại suy, thì nghĩ, liên quan, chỉ có thể là thuế thu nhập cá nhân. Nhẽ khai thiếu gì đó chăng?

Kiểm tra lại thì thấy không thiếu gì. May quá cô bé kế toán (vốn vẫn làm việc với chi cục thuế) nói để em hỏi hộ cho. Kết quả: đó là tiền phạt nộp chậm, do thuế năm 2012 đáng lẽ phải nộp từ 2013 mà đến 2014 mới nộp, cùng lúc với nộp năm 2013.

Lờ mờ thấy vô lý. Hắn năm nào nộp năm đó, có chậm thì làm gì đến mức những 1 năm. May là giấy tờ còn lưu lại đó, để chỗ dễ tìm. Phát hiện đợt đi nộp thuế năm đó có 2 điểm bất thường: một là khi đi nộp tiền thì tại ngân hàng không có mẫu "Giấy nộp tiền vào NSNN" nên ngân hàng sử dụng mẫu "Uỷ nhiệm chi". Hai là hồ sơ ban đầu được nộp vào chi cục thuế quận TK (chính là cái nơi đang gửi thông báo đòi tiền), sau 1 tuần họ thông báo phải nộp lên cục thuế thành phố (mặc dù năm trước đó thì cũng như vậy nhưng không có gì xảy ra!?), nên hắn phải cất công chạy thêm 1 vòng nữa. May mắn cục thuế thành phố nhận hồ sơ, song le bị chậm mất gần 1 tuần so với thời hạn.

Tuy nhiên vẫn chưa thực rõ nguyên nhân do đâu, mà mãi tới năm nay, khi ngành thuế bắt đầu kiểm tra bằng máy vi tính (!?!), hắn lại bị lôi về quá khứ như vậy? Chỉ biết câu trả lời cuối cùng là: nhầm lẫn ... và sorry.



Nếu đây là một bài văn thì phải có phần kết luận. Kết luận là (dĩ nhiên không chỉ dựa trên một trường hợp đơn lẻ này), chưa kể đến sự tiêu cực tham nhũng và nạn con ông cháu cha chạy ghế chạy chức, thì bộ máy nhà nước vina đã là quá cồng kềnh, và quá yếu kém. Nó bắt đầu từ duy ý chí muốn xây dựng cái gọi là CNXH, đến giờ vẫn chẳng ai biết là cái gì, trong khi hàng loạt nước từ bỏ thì vina xứ vẫn tham lam cái gì cũng muốn quản. Dẫn đến bộ máy quan nhiều hơn dân, lại theo kiểu "hồng hơn chuyên" nên toàn hạng sáng cắp ô đi chiều cắp ô về là chính.

Chợt nhớ thời Hồng Đức, khi phát hiện ra ngân khố thâm hụt, vua Lê Thánh Tông lập tức cho tinh giảm bộ máy hành chính, sa thải bớt những kẻ yếu năng lực hoặc tham nhũng. Không như ngày nay thiếu tiền người ta tìm cách tăng thu, tăng phạt, vay nợ nước ngoài, thậm chí đòi huy động vàng của dân, ...

Ờ thì thời thịnh trị khác thời mạt pháp ...

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

VTV

Hắn không xem phóng sự về Syria của cô (được gọi là phóng viên) LB, dù có thấy quảng cáo ì xèo trên VTV trước đó. Vì qua một vài vụ um xùm, hắn đơn giản không trọng cái nhân cách của cô ta. Một kiểu chú trọng đánh bóng tên tuổi hơn là thực việc.

Sau khi xem phóng sự, quả nhiên có rất nhiều người cũng nhận xét như vậy. Dường như đó không phải là phóng sự về một cuộc chiến mà chỉ là về cảm xúc của LB trước những gì cô ta thấy. Còn cô ta thấy được cái gì, và cảm xúc có chân thật không, hắn không xem nên miễn bàn.


Mà, thực ra phong cách ấy của LB không có gì lạ. Nó chính là phong cách của VTV. Từ nội dung đến hình thức, nếu thống kê thời lượng phát sóng, sẽ thấy VTV "chúng tôi nói về chúng tôi" hơi bị nhiều ...

Ngu?

Chuyện xảy ra đại khái thế này: anh A đậu xe trên đường trước cửa nhà anh B, anh B tức quá mới dán chữ lên xe anh A, rằng thì là "đậu ngu", hehe.

Nhân ồn ào trên mạng, hắn mới nghiệm ra rằng, cái logic của xứ vina càng nói ... càng sai.

Thoạt đầu, ngẫm, anh B không sai. Đậu xe chắn lối không cho người khác đi thì quả cũng có ... ngu thật. Cơ mà anh A cũng đâu có sai. Ảnh đậu xe trên đường công cộng, nơi không cấm đậu.

Vina xứ có nhiều anh A' đậu sai, nơi có biển báo cấm đậu xe, mà còn chưa ai xử. Lại có những anh A" "đậu ngu" ngay ngã ba ngã tư chắn tầm nhìn gây tai nạn nhưng "không trước cửa nhà ai", nên không bị ai dán chữ phong danh hiệu ("ngu", hihi).

Lại có những chị B' bán hàng bên đường, đường không của gì chị í, nhưng ai mà đậu xe ở đó là bị chị í cảnh cáo ngay như cảnh sát giao thông. Nặng hơn còn có nhiều chị B" sẵn sàng gây sự chứ không nhẹ nhàng "phong danh hiệu" thôi đâu.

Chưa kể hàng loạt anh hùng bàn phím người bênh anh A kẻ bênh anh B cứ thế phán loạn xị lên cả chẳng cần đếm xỉa đến một thứ logic nào.

Mới thấy, càng nói càng sai, càng nói càng ... ngu, huhu.

Chung quy chỉ tại ... ông Bụt. Tại sao cứ phải cô Tấm xinh đẹp hiền lành khóc lóc thì ổng mới hiện lên hỏi? Sao ổng không hiện lên giữa đám tranh giành mà hỏi ... vì sao các con oánh nhao?



Nhớ hồi nhỏ còn đi học vẫn được dạy rằng "có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, còn có tài mà không có đức thì là người vô dụng". Nói khôn thí mồ. Khái niệm "có tài" chả gì cũng dễ đưa ra được tiêu chí đánh giá hơn vì trong chừng mực nào đó có thể đo đếm định lượng (thi cử, bằng cấp, tác phẩm, kết quả công việc, ...). Chứ nói "có đức" (hay không) thì thật vô chừng, chẳng qua nằm trong quan niệm của ... chính người phán xét.

Điển hình là lão Khổng Khâu. Lão đề ra nhiều thứ, công nhận cũng có cái hay là có cương có thường. Nhưng kiểu "quân xử thần tử thần bất tử bất trung" thì ắt "quân" sẽ cười ok ok trong khi "thần" sao khỏi méo mặt?

Nên nói, ừ thì công nhận mày có tài nhưng mày vô dụng, ý là vô dụng với tao, chớ với nhân loại thì chưa chắc. Còn mày cứ có đức (theo kiểu của tao) là được. Tuy rằng nếu mày dốt thì cũng hơi mệt, nhưng đó là đã lơ cái chuyện vì dốt mày có thể phá hoại luôn í chứ (nghĩa là còn tệ hơn vô dụng) ...

Chuyện khôn hay ngu ở đời, nói lắm cũng thấy ... ngu ngu. Hahaha.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Ngôn ngữ

Nhân đang soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị mới, đi ngang thấy TV có chương trình dạy học chi đó mà không khỏi phì cười.

Chả là ông thầy đang phân tích vì sao một vật nổi trong nước. Ổng nói có lực tác dụng lên vật theo phương thẳng đứng và hướng từ dưới lên trên.

Tự dưng nhớ hồi đi hỏi thi nâng bậc. Thí sinh cũng quen thuộc cả, mà cứ lúng búng, nào là "kiểm tra mức dầu bôi trơn" ... Hắn phì cười, răng anh không nói coi nhớt còn hết trớt cho gọn, hihi.



Có vẻ, không phải chuyện ngôn ngữ, mà là chuyện đời xứ vina. Giao tiếp người với người, rứa cả.

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Một cơn xập xệ

Bắt đầu, có lẽ là từ Bộ nhai. Thủ phạm mang số 48, tên thường gọi: răng khôn, tên mới: răng ngu hehe. Lẽ ra những tên này phải bị loại bỏ từ khi bắt đầu "khôn". Nhưng cứ với kiểu vina makeno, thế là ậm à ậm ừ cho đến khi chúng trở nên "ngu" và ... tỏ ra "nguy hiểm" hihi.

Hai tuần dùng kháng sinh chống viêm gây rắc rối cho bạn bao tử. Cộng thêm sự ham chơi nhậu nhẹt tưng bừng, đến lúc bạn bao tử phải quyết liệt phản đối. Cuộc tiêu thổ kháng chiến chống lại mọi thứ xâm nhập qua đường ăn uống khiến hắn mắc ói ngay cả khi không còn gì để ói.

Bây giờ thì tạm ổn nhờ sự giúp đỡ của bạn men vi sinh sống. Tuy nhiên sự xập xệ thì vẫn lảng vảng váng vất chóng mặt. Tiếp tục với hoạt huyết dưỡng não ... Haiz.

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

Chuyện bên lề

Trở về từ Họp mặt 30 năm niên khoá 1983-1986 Quốc học Huế.

Ban liên lạc tích cực, số lượng tham gia đông đảo đã tạo nên cuộc hội ngộ được đánh giá là rất hoành tráng của một thế hệ khá thành công.

Bạn cũ trường xưa sao tránh khỏi hàn huyên những bài học từ các thầy cô giáo cũ. Một thời khó khăn trân quý từng dòng kiến thức được truyền tải.

Thầy giáo chủ nhiệm hồi đó của lớp hắn tâm sự về phương pháp dạy mới, về sự tương tác. Chốc chốc thầy lại hỏi sao em không nói gì, chỉ nghe thôi à? Vâng em đang nghe. Thầy vẫn luôn luôn là thầy của hắn. Dẫu tuổi có cao nhiều bạn trẻ khác chưa chắc theo kịp.

Hắn im lặng theo đuổi ý nghĩ nói cùng cậu bạn bác sĩ, tặng thầy chiếc máy trợ thính. Thầy đã hơi nặng tai, phải nghe nhiều e hơi mệt ...

Hắn nghe và hoàn toàn đồng cảm với thầy. Biển kiến thức mênh mông, lại đổi mới từng ngày, nếu không trang bị năng lực thích ứng đúng lúc đúng chỗ thì mớ kiến thức tích luỹ sẵn liệu được bao lăm ...


Thầy nói vui, dân toán mình họ nói gì mình hiểu hết. Nhưng mình nói thì họ hiểu không hết, thậm chí hiểu sai hay hoàn toàn không hiểu.

Thầy nói về góc độ triết học, quan niệm đúng sai thiện ác mà hắn nghĩ không khéo bạn bè chung quanh đã mấy ai hiểu. Xem ra các bạn vẫn vướng những quan niệm đời thường trong khi thầy dạy toán đang nói về toán và đời đâu chỉ những 1 và 0.

Hắn nghĩ về triết học phương đông với những Mạnh tử "nhân chi sơ tính bổn thiện" hay Tuân tử "nhân chi sơ tính bổn ác". Rút cục đời cứ ác ác thiện thiện như những dãy số 0 và 1 nối đuôi nhau không ngừng. Chẳng phải hợp thành chuỗi thông tin ở đời đó sao?


Thông tin ấy truyền tải điều gì? Nhiều 0 hay nhiều 1?

Hắn nhớ bài toán thiết kế ra những bộ não nhân tạo. Người ta muốn các chuỗi 1 và 0 sao cho mang nhiều thông tin nhất mà lại chiếm dung lượng ít nhất, và tiêu thụ năng lượng thấp nhất.

Tiêu thụ ít năng lượng nhất, cũng đồng nghĩa với tồn tại ở trạng thái bền vững nhất, chính là quy luật của tự nhiên ngàn đời nay.

Nói vậy, chuỗi đời thiện ác nối nhau cũng không hoàn toàn là ngẫu nhiên ...





(Đợt này hắn ít chụp hình, chỉ lâu lâu ghi lại vài quang cảnh. Ngẫu nhiên làm sao, khi hắn chụp hình sân khấu, giờ về xem lại, mới thấy là đúng lúc màn hình đang hiện ảnh lớp hắn, hihi.)


Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Điểu tận cung tàn

Đọc sử, hắn vẫn cho rằng triều (Hậu) Lê mới đáng gọi là triều đại phong kiến đầu tiên của vina xứ. (Trước đó triều Lý còn quá sơ sài, triều Trần thì nặng tính gia đình dòng họ).

Triều (Hậu) Lê mang nhiều nét tương đồng với triều Hán của Trung Hoa (cũng có thể xem là triều đại phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của TQ, nên dân tộc đó được gọi là người Hán).

Một trong những nét tương đồng đáng nói đầu tiên là "bắt được thỏ giết chó săn".

Có những trang sách xưa nào đó được lưu lại mà hắn chưa từng thấy qua, nhưng thường được trích dẫn, mô tả đám công thần theo Lê Lợi 10 năm giành quyền lực, là võ biền thất học, thậm chí còn nhiều tính từ khó nghe hơn.

Rõ ràng đây không chỉ là vấn đề của một triều đại quân chủ, từ Đông sang Tây, mà là vấn đề của hầu hết các thể chế giành quyền lực qua chiến tranh. Trả ơn bằng cách trao quyền lực là tự trói tương lai vào quá khứ. Vậy tương lai sẽ là gì khi quá khứ là đánh nhau?

Người Hán mô tả bóng bẩy hơn, song triều Hán cũng chỉ đi vào thịnh trị sau nạn Lữ hậu. Triều Lê cũng vượt qua hỗn loạn mới đến Lê Thánh Tông.

Phê phán thì dễ, nhưng có dễ yên lòng khi không cần đi săn mà trong nhà lại nuôi chó dữ luôn chực cắn?

***

Dĩ nhiên, ngoài việc giết những công thần võ biền, còn có cả nhiều điều khác ...

Người Hán từng khuất phục trước ít nhất 2 triều đại ngoại tộc Nguyên Thanh, sau dần dần đồng hoá. Triều (Hậu) Lê đóng đô tại châu thổ đồng bằng sông Hồng cũng là nét tương đồng.

Nhiều sử gia vẫn cho rằng Lê Lợi là người Mường. K.W. Taylor dùng chữ "người Trại" để chỉ chung phân biệt với "người Kinh" vốn sinh sống ven sông Hồng.

Người ta còn nói rằng, truyền thuyết trăm trứng chỉ xuất hiện vào thời kỳ này, trong nỗ lực gắn kết các dân tộc ...


Có lẽ, đó sẽ là một câu chuyện dài khác ...

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Bùn hay đất cày

Những chuyện dở dở ương ương của bộ học xứ vina không còn là chuyện lạ. Đặc biệt thường bộc lộ ra ở những hoạt động mà bộ í độc quyền. Kỳ thi quốc gia năm nay chưa kịp qua, dân tình đã bàn tán chuyện môn văn.

Chuyện không có gì lớn, và cũng đã được giải quyết nhanh chóng nhờ em gái tác giả tìm ra bản thảo gốc. Nhưng qua đó hắn thấy 3 điều:


Một là, vina xứ quen kiểu "tầm chương trích cú". Đôi khi cũng tìm ra vài viên ngọc trong đá, nhưng thường thì: nhà thơ A khen câu thơ B tinh tế, đến khi tác giả nghe được ngạc nhiên thế a thế a ... Khổ cho những nhà phê bình nhà giáo nhà chi chi nếu lỡ tán dương "đất cày" hay thế, nay hoá ra tác giả viết "bùn" thời biết nói sao?

Thứ hai cũng bởi mấy nhà đó không thuộc câu "tận tín thư bất như vô thư". Cộng thêm lối học lối dạy triệt suy nghĩ mà cứ thế nhồi nhét chủ nghĩa xiềng xích con chữ.

Ba là, nhà thơ đã viết "bùn" rồi phải tự kiểm duyệt thành "đất cày". Mới thấy cả xã hội "lung giám hà niên xuất đắc thân" vậy.

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Cỏ

Chiều nay, để đỡ đau đầu, hắn bèn ra sân làm cỏ.

Trên cái sân đổ bê tông rộng, các loại cỏ chui lên um tùm từ bất cứ khe hở nào. Phải nói sức sống của chúng thật đáng khâm phục. Im lìm tự tại dưới nắng nóng, rung rinh an nhiên khi gió về.

Hốt nhiên tự hỏi, mình có quyền tước đoạt sự sống của chúng chăng? Trước Chúa, chắc bình đẳng như nhau. Nhẽ cứ như loại người, hô hào bình đẳng trong khi luôn có những người "bình đẳng hơn" những người khác?

Tiểu luận về một nửa

"Một nửa cái bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không phải là sự thật."
(Danh ngôn, không nhớ nguyên văn)


Ăn có thể nửa bữa
Ngủ có thể nửa đêm
Nhưng không thể đi một nửa đường chân lý
Yêu bằng nửa trái tim
(Thơ, không biết nhớ có chính xác không)


Ánh mắt em nửa vời
Nói không tròn đằm thắm
Vòng tay em nửa vời
Ôm không tròn khát vọng

Nụ hôn em nửa vời
Như chạm vào trái đắng
Tình yêu em nửa vời
Nửa như là gánh nặng

Em ơi đường xa lắm
Mái chèo em nửa vời
Buồm em căng một nửa
Biết bao giờ xa khơi
(Lại thơ nữa, cũng không nhớ nguồn và không biết có chính xác không hehe)


"Ngày còn đi học, có lần thầy giáo đã quát thẳng vào mặt tôi: "Học hành như cậu thì đừng mong sau này có thể thi đỗ đại học, chỉ có thể đi làm phụ hồ mà thôi". Kể từ đó, tôi đã cố gắng học hành chăm chỉ ngày đêm, rồi thi đỗ vào đại học, và tốt nghiệp ra trường với tấm bằng kỹ sư loại khá. Sau một thời gian xin việc, cuối cùng tôi cũng xin được làm một chân phụ hồ ..."
(Thấy đâu đó trên internet)

Chuyện này, có vẻ thầy giáo chỉ đúng có một nửa. Nửa sai của thầy là: cậu học trò vẫn thi đỗ đại học hihi.



Hehe thực ra là vì đọc thấy chuyện đó trên mạng, mới nhớ lại mấy câu danh ngôn và thơ thẩn trên kia.

Cũng nhớ chuyện ở công ty hắn: mấy sếp ngồi uống nước trà buổi sáng và gật gù: hồi trước công tác quản lý có nhiều khiếm khuyết, từ dạo này nọ (ghi chú: hàng đống văn bản được ban hành) tình hình khá hơn nhiều. Hắn nghe qua cười khẩy: các anh nói mới đúng một nửa. "Nghĩa là sao?" Thì đúng là hồi trước quản lý dỏm thiệt ...

Nhớ ra chuyện khác: mấy đồng nghiệp trêu chọc hắn: thằng này nó ghét đàn bà. Cười: các anh nói đúng có một nửa. "Nghĩa là sao?" "Các anh bảo tôi ghét một nửa nhân loại, chẳng phải mới đúng có một nửa sao, haha ... "


Nói chung, chuyện về một nửa, đại loại, một nửa, là như thế ... (nửa còn lại, có trời biết ...)