Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Điểu tận cung tàn

Đọc sử, hắn vẫn cho rằng triều (Hậu) Lê mới đáng gọi là triều đại phong kiến đầu tiên của vina xứ. (Trước đó triều Lý còn quá sơ sài, triều Trần thì nặng tính gia đình dòng họ).

Triều (Hậu) Lê mang nhiều nét tương đồng với triều Hán của Trung Hoa (cũng có thể xem là triều đại phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của TQ, nên dân tộc đó được gọi là người Hán).

Một trong những nét tương đồng đáng nói đầu tiên là "bắt được thỏ giết chó săn".

Có những trang sách xưa nào đó được lưu lại mà hắn chưa từng thấy qua, nhưng thường được trích dẫn, mô tả đám công thần theo Lê Lợi 10 năm giành quyền lực, là võ biền thất học, thậm chí còn nhiều tính từ khó nghe hơn.

Rõ ràng đây không chỉ là vấn đề của một triều đại quân chủ, từ Đông sang Tây, mà là vấn đề của hầu hết các thể chế giành quyền lực qua chiến tranh. Trả ơn bằng cách trao quyền lực là tự trói tương lai vào quá khứ. Vậy tương lai sẽ là gì khi quá khứ là đánh nhau?

Người Hán mô tả bóng bẩy hơn, song triều Hán cũng chỉ đi vào thịnh trị sau nạn Lữ hậu. Triều Lê cũng vượt qua hỗn loạn mới đến Lê Thánh Tông.

Phê phán thì dễ, nhưng có dễ yên lòng khi không cần đi săn mà trong nhà lại nuôi chó dữ luôn chực cắn?

***

Dĩ nhiên, ngoài việc giết những công thần võ biền, còn có cả nhiều điều khác ...

Người Hán từng khuất phục trước ít nhất 2 triều đại ngoại tộc Nguyên Thanh, sau dần dần đồng hoá. Triều (Hậu) Lê đóng đô tại châu thổ đồng bằng sông Hồng cũng là nét tương đồng.

Nhiều sử gia vẫn cho rằng Lê Lợi là người Mường. K.W. Taylor dùng chữ "người Trại" để chỉ chung phân biệt với "người Kinh" vốn sinh sống ven sông Hồng.

Người ta còn nói rằng, truyền thuyết trăm trứng chỉ xuất hiện vào thời kỳ này, trong nỗ lực gắn kết các dân tộc ...


Có lẽ, đó sẽ là một câu chuyện dài khác ...

Không có nhận xét nào: