Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Lo lắng

Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền. Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra trị. Nhậm bắt được Chỉnh đem giết.

Nhậm lo toan dẹp các phe cánh Bắc Hà. Xung đột với Ngô Văn Sở. Sở ngầm báo Huệ nói Nhậm âm mưu làm phản.

Huệ đang mâu thuẫn với Nhạc. Suýt đánh nhau to. Huệ không tin Nhậm vì Nhậm là con rể Nhạc.


Huệ hành binh thần tốc ra Bắc. Cho bắt Nhậm. Nhậm kêu oan. Huệ nói:

"Ta không biết ngươi có tội hay không. Nhưng ngươi khiến ta lo lắng. Ấy là tội của ngươi rồi."



Huệ giết Nhậm rồi lui về Phú Xuân, giao cho Sở coi Bắc Hà ...

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Cáp điện

Từ ngày có quyết định trở thành khu du lịch, đường lên núi có thêm hàng cột đèn ven đường.

Lên xuống thường xuyên nên hắn chứng kiến quá trình thi công. Dọc theo lề đường người ta chôn sẵn ống luồn cáp điện đến chân từng cột đèn. Xong xuôi nhìn cũng đẹp lắm.


Vina xứ có câu: tốt khoe xấu che ... Thường khắp nơi nhìn đẹp vậy chưa chắc bên trong thế nào. Là dân kỹ thuật hắn không thích lối ấy, vì công năng bất tiện.


Được một thời gian thấy xuất hiện các sợi dây cáp điện lòng thòng đánh đu từ cột đèn này sang cột đèn khác. Đằng sau sự che đậy đẹp đẽ kia, khi bị hư hỏng, rất khó sửa chữa. Cuối cùng, cái xấu, dù bị cố gắng che đi, vẫn thắng.

Chỉ tại vì, xấu thực mà đẹp hư ...



Hôm nay, bọn hắn phải hoãn một buổi tự huấn luyện. Vì phải tập trung may đo đồng phục.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Thói quen

Hắn rất thích câu: hành động tạo thói quen, thói quen tạo tính cách, tính cách tạo số phận.

Lại cũng có câu: giang sơn dễ đổi bản tính khó dời.


Nhớ đâu đó từ lâu lắm rồi, có người kể chuyện công ty nọ khi tuyển nhân viên mới yêu cầu: phải quên hết những gì học được từ trước đến nay.

Gần đây nghe câu chuyện tương tự trên báo vina, rằng thì là cần 2 năm để "tẩy não" chi chi đó. Thấy tranh cãi về một lối nói thậm xưng thật là vô duyên.

Song nói lên một sự thật là tính ì quá cao. Và nền giáo dục đại học mà thiếu tư duy trầm trọng.



Klq, tự nhiên nghĩ đến tt đương nhiệm của Philippines. Không bình luận về chính sách với lại phát ngôn của ổng đúng sai tốt xấu có lợi cho ổng cho dân tộc ổng hay không. Chỉ là giết nhiều người và nói linh tinh thì không nhân bản tí nào. Không nhân bản tất không có kết cục gì tốt đẹp. Hoặc giả đạt vài thành công trước mắt thời cái giá phải trả về sau thế nào ...

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Jackson Pollock

Trong phim The Accountant (2016) có một bức tranh của Jackson Pollock.

Dĩ nhiên hiểu được chết liền. Cũng không biết tên. Mà cũng không nhớ nổi.

Hôm nay lại gặp trong Ex Machina (2015) ... Jackson Pollock. Huhu.

The Accountant (2016)

Trước đây hắn không nghĩ rằng Ben Afleck là một ngôi sao phim hành động. Nhưng sau trận chiến của Batman với Superman, và bây giờ là The Accountant, hắn thực sự mong những nhân vật này tiếp tục tái ngộ khán giả, hihi.

Một cậu bé bị tự kỷ nặng đã được bố huấn luyện khá khắc nghiệt, vì con khác biệt thì phải chuẩn bị cho một cuộc sống khác biệt.

Năng lực tính toán thiên tài có được một phần do sự tập trung cao độ. Mặt trái là sự trầm cảm khủng khiếp khi công việc không được hoàn thành.


Phải chăng thế giới này cần được tự kỷ như vậy ...

Bẩn

Cuối cùng có vẻ như chẳng có nước mắm nào (truyền thống hay công nghiệp) là bẩn cả.

Nhưng chắc chắn có truyền thông (báo chí) bẩn.

Và cái hiệp hội nào đó (vinastas) hẳn quá bẩn?

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

Chi phí

Hắn đi xe buýt từ Đà Nẵng vào Hội An.

Có anh kia hỏi trạm dừng xuống bệnh viện 600 giường. Phụ xe hướng dẫn và thu tiền vé. Hành khách chung quanh nhất loạt cũng đưa tiền khiến phụ xe phải kêu lên: bà con từ từ thôi, để thu cho mấy người đi gần xuống xe đã.

Cô bé con phía sau hỏi gì đó hắn nghe không rõ. Người đàn ông ngồi cạnh cười lớn: thu tiền làm gì à? để đổ xăng, nộp phạt, đưa cho công an, trả lương lái xe.


Hắn không khỏi phì cười. Có thể ông khách không biết đến khấu hao với chi phí quản lý, nhưng những chi phí ông kể ra thật tiêu biểu. Và dường cũng đúng thứ tự, hihi.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

(Vô đề)

Hắn từng nhiều lần nhận xét rằng, cuộc đời một người Việt chỉ được đánh giá cao qua các kỳ thi, giải thưởng này nọ. Còn thực sự có làm được gì hữu ích cho đời hay không thì chẳng mấy ai để ý.

Gọi là trọng hư khinh thực vậy.


Mà không chỉ ngày nay suy đồi mới thế. Vốn lối ấy đã có tự ngàn xưa.

Bảng vàng ghi danh chả thiếu gì tiến sĩ trạng nguyên thám hoa bảng nhãn. Rút cục dân tộc không quá mấy chữ "luôn phụ thuộc người".



Hắn đọc sách sử thấy các danh nhân danh tiếng lẫy lừng học vấn uyên thâm cũng không hẳn được như những gì những kẻ thích tung hô xưng tụng.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: vua quở trách Lương Thế Vinh về việc học hành không tấn tới. Ông này chắc sau khi thi đỗ chỉ hưởng lương bổng để vui chơi?

Trường hợp Lê Quý Đôn thì hắn để ý có lưu lại vài tác phẩm, đối với sự học nghèo nàn của nước nhà ấy là điều quý. Cũng có hơi thắc mắc ông sống vào thời chúa Trịnh chèn ép vua Lê sao không lên tiếng? Song tự biện hộ ờ thì là nhà khoa học mà thôi. Nay đọc Taylor mới biết hoá ra Lê Quý Đôn rất giỏi "làm kinh tế". Nhiều lần được chúa Trịnh tin cậy giao phó mảng khai thác tài nguyên. Và không khác gì quan lại ngày nay, ông ta cũng giỏi câu kết với những kẻ quyền thế, tham nhũng không ít.


Việc đặt tên các trường học ngày nay vốn đã bị áp đảo bởi mục đích chính trị tầm thường, chỉ còn lại vài cái tên để học sinh khả dĩ học tập thì hoá ra lại cũng không được sáng. (Nhưng nói ra là thành "xét lại" đây, biết lấy gì đặng còn bấu víu huhu).

Nên, chớ vội trách học sinh không biết về danh nhân trường mình mang tên. Vì thầy cô của chúng liệu đã ...

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Trên đường giao ca sáng nay tình cờ thấy 2 cảnh cô đơn não nùng.


Đầu tiên là một bông hoa mua to và đẹp lạ thường. Đó là lúc xe đã đến gần. Hắn thấy đốm tím sáng bừng một đoạn đường ấy từ xa.

Hai bên đường quãng ấy vốn nhiều mua và sim. Nhưng sáng nay, dường như chỉ có một bông hoa duy nhất?! Duy nhất trên cây và duy nhất một khoảng rừng.

Hay tại các bông hoa khác bị chìm vào màu xám ảm đạm của những lùm cây dưới cơn mưa và làn sương mù giăng phủ?

Cũng có thể vì chỉ có một đôi mắt dõi theo vệt rừng mưa buồn bên ngoài cửa xe bám đầy những giọt nước mưa to tướng.


Qua một khúc cua lại đập vào mắt hắn hình ảnh thứ 2. Con khỉ xám to (hắn tưởng tượng là rất già?!) ngồi bên vệ đường chỉ đưa mắt nhìn mà không thèm nhúc nhích khi xe chạy ngang.



Có lẽ có những khoảnh khắc như thế, thời gian ngừng chảy mây ngừng trôi ...

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Đầu tư

Công ty (tổng công ty) hắn là một công ty nhà nước điển hình. Mà nhà nước ở đây lại là một nhà nước đang cố cưỡng lại quy luật tự nhiên. Vì thế thật không sai khi nói rằng, công ty hắn là một trong những tàn dư cuối cùng của CNXH.

Dễ hiểu khi trong một công ty như thế sẽ không có khái niệm đầu tư. Dù cho 2 chữ này nằm thường xuyên trên cửa miệng các cấp quản lý. Một kiểu đầu môi chót lưỡi đúng nghĩa.

Người ta hí hửng khoe "đầu tư" được một hệ thống rẻ hơn hệ thống cũ. Và im lặng khi chỉ sau 1 năm sử dụng cộng chi phí đã đội lên thành đắt hơn. Sau 10 năm thì tìm cách thay thế trong khi hệ thống cũ hơn 20 năm vẫn chạy tốt. Tất cả đều đúng quy trình.


Nhớ lại hồi hắn tham gia giai đoạn cuối một công trình được công ty "đầu tư". Hắn có hỏi sao không áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng? Câu trả lời không chính thức, nhưng tưởng không thể rõ ràng hơn. Ban quản lý dự án chỉ chịu trách nhiệm tổng số vốn "đầu tư" sao cho rẻ, còn việc quản lý khai thác sẽ chuyển giao cho một công ty con (cũng của tổng công ty). Lúc đó chi phí tốn kém thế nào không còn là trách nhiệm của những nhà "đầu tư" nữa.

Những con số xuất hiện sau nhiều năm sử dụng dĩ nhiên luôn có ở đâu đó. Nhưng không bao giờ được công khai, không bao giờ được phân tích. Trong khi những "đầu tư" mới vẫn tiếp tục ...

Ngồi bên ấm trà, anh trưởng ban tài chính khề khà. Biết rằng trâu của các chú mua rẻ, cày khoẻ, ăn ít cỏ. Nhưng ...

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Ngon

Nghe về cháo mắng bún chửi của xứ kinh kỳ đã lâu nhưng hắn không để tâm lắm. Nay có phải tại mấy ông tây lắm chuyện ở CNN mà đại danh lại dậy sóng như cồn chăng?

Cá nhân hắn cho rằng đó chỉ là chuyện "có gì đâu mà rộn". Nói theo kiểu thời thượng đương đại thì là "chẳng việc gì phải xoắn".


Ông cha có câu "nhà sạch thì mát bát sạch ngon cơm". Nay cháu con ở bẩn nhưng lắp máy lạnh, chén bát nhôm nhoam vẫn khen ngon nhồm nhoàm thì âu cũng là tự do cá nhân thôi vậy.

Chả như món có nguy cơ mất vệ sinh cao là tiết canh vẫn được cho là ăn ngon nhất phải ngồi chồm hổm vỉa hè đấy thôi. (Mà chắc vỉa hè phải đầy bụi rác có cống rãnh chảy ngay cạnh thì mới được gọi là đúng kiểu?).

Nên, có người bảo: bún chửi đông khách vì nó ngon (cho dù có không thích bị chửi lắm!?).



Hắn chịu. Ngon dở của hắn không vượt quá rau muống luộc và thịt kho. Nhớ ngày chị hắn còn, những lúc rảnh rỗi lại thích tụ tập nấu nướng. Hắn, chẳng thà khuất mắt thì thôi, cứ chứng kiến nấu càng cầu kỳ là thấy miệng càng nhạt. Thôi thì tật mình thế biết làm sao.

Có lần (một lần duy nhất), thím hắn nhất định mời ăn cho được phở (hiệu gì đó chả nhớ) mệnh danh ngon nhất Hà Nội. Đến bây giờ mùi vị phở đó như thế nào hắn vẫn chịu, nhưng nhớ không thể nào quên cảnh thím hắn tả xung hữu đột tìm được chỗ ngồi giữa chốn chen chúc. Và trong khi đang húp phở thì có mấy anh chị cô bác bưng tô phở nóng đứng sau lưng chờ hắn ăn xong đặng có chỗ an toạ. Nếu không vì nể công nhiệt tình vất vả của bà thím thì hắn thà không đụng đũa mà trả tiền đi về còn cảm thấy ngon hơn.

Nay thì chỉ cần nghe phải ra xứ ngàn năm văn vật là hắn đã rùng hết cả mình chứ chưa nói đến chuyện ẩm thực ngoài đó. (Ấy là hắn rất hợp khẩu vị ăn uống bình dân xứ bắc kỳ cơ đấy!).



Nói gần nói xa chẳng qua thắc mắc thế nào là ngon?

Con người ta có lục giác quan nhãn-nhĩ-tỷ-thiệt-thân-ý (mắt-tai-mũi-lưỡi-da-ý, nếu ai cãi chỉ ngũ giác quan thôi thì bỏ cái cuối đi). Nhận biết được sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp (nôm na mắt thấy-tai nghe- mũi-ngửi-lưỡi nếm-da sờ-ý nghĩ).

Rút cục món ăn đạt bao nhiêu trên 6 thì gọi là ngon? Bao nhiêu trên 6 thậm chí âm (ngược lại) mà vẫn ... ngon? Hẳn tuỳ người vậy.

Hắn đọc sách bày uống rượu vang, để lạnh ra sao, rót ra cốc như thế nào. Ngắm màu rượu, cụng ly một tiếng keng, lắc nhẹ ly đưa lên mũi ngửi, khẽ nếm vị trước khi nuốt, thế là có sắc thanh hương vị. Tưởng cũng hơi cầu kỳ?!


Vậy người lại khác người ư? Khác chăng, một chữ nhã ...

Lộ

Các báo đều viết: ... phó giám đốc bị kỷ luật vì để lộ clip sex với nữ kế toán ...

Vậy, lý do bị kỷ luật là vì để lộ?

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

Nước mắm

Than ôi Bách Việt giang san
Văn minh đã sẵn khôn ngoan có thừa
...

Lắm lúc, về chiều, ngồi nghĩ quẩn nghĩ quanh, tủi tủi là. Vốn trí tuệ tự thấy chẳng kém gì ai, lịch sử cũng mấy ngàn năm có lẻ, mà sao nhìn quanh, từ máy móc hiện đại tới đôi dép cái áo cái quần miếng ăn thức uống thảy đều vay mượn từ người ta hết cả. Không cống hỉ thầy tàu xách sang thì cũng mercy quan tây đem tới. Rồi ráng nghĩ xem ta có gì mà khả dĩ thiên hạ không có.

Bánh chưng chăng? Maybe, vì không biết có dân tộc nào ăn nữa không? Đến ta còn chỉ ăn chủ yếu dăm ngày lễ tết đã ngán thấy bà. Mà gói nấu mất cả ngày, lại chẳng bỏ công bóc ...

Nước mắm chăng? Có thể à nha, dân ta ưa các thức để chua lên men (dưa, mắm, ...) hơn tươi sống. Hoặc giả do nghèo quá có miếng ăn muốn để lâu (tủ lạnh thì chắc chắn không nghĩ ra rồi huhu). Chắc các dân khác học mình không chừng, có đâu ăn nhiều như mình đâu ...



Hôm nay đọc được bài này. Thôi thế thì thôi chán ơi là chán ...

Tượng đài

Nhân ồn ào chuyện ngành truyền tải điện muốn xây dựng tượng đài vinh danh những người xây dựng đường dây 500kV (108 tỷ vnđ), nhớ lại chuyện cũ:

Ngành hắn cũng từng tưng bừng kỷ niệm 10 năm (15 năm, 20 năm) ngày giành lại FIR này nọ (chắc khối vnđ). Hắn cười mỉa. Sếp bảo: mày không nên tiêu cực thế, dù gì cũng là thành tích đạt được. Vâng, đạt được, nhưng với giá như thế nào? Hiệu quả chăng?


Chuyện ngoài lề, có người nói, đi giám sát đổ móng bê tông một trụ 500kV hồi đó về mua được chiếc xe máy. Nghe đó biết đó.

Chuyện ai cũng biết nữa, là sau đó bộ trưởng đã phải đi tù.


Ờ, thì chuyện tượng đài, xứ này, đại loại thế cả ...

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Đất

Hôm qua hắn mới đọc truyện ngắn mới của Tư. Đất.

Hắn không ngờ mất nhiều thời gian đến thế khi lặn ngụp trong những dòng chữ ngồn ngộn của Tư, dường như quá dài để có thể gọi là truyện ngắn.

Hay không thực sự quá dài, nhưng những ngổn ngang cuồn cuộn cuốn chảy đổ vào một mảnh đất khiến người đọc thấy ngợp?


Mảnh đất đã thành một tấm gương in dấu bao đời người. Cố cược nó với số phận. Nội tưới đẫm nước mắt mồ hôi. Con cháu đổ vào đó cơ man những máu.

Hoặc không phải là một tấm gương. Vì không sáng và trong cho người đời soi vào dễ thấy. Đất lặng lẽ thấm đỏ những máu. Không, những máu ấy cũng đã bầm đen.

Bây giờ đất đen bị nhốt trong ngục tù thiên đường cao ngất. Đến ngày cũng bị cắt ngắn đầu chặt bớt đuôi. Ánh nắng cũng bị bắt đem đi nơi khác.



Những tấm thân phụ nữ trần truồng ôm lấy đất, những cái đầu vỡ toác vì lao vào xe ủi đã không thể ngăn được mồ mả xương cốt mồ hôi nước mắt máu mủ ruột rà bị lũ cướp ngày đoạt mất hôm nay ...

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Một câu chuyện không nhất thiết phải không có thật ...

       Gã nhảy xuống xe, xốc lại ba-lô, kéo cái mũ như muốn đội chặt hơn và cả quyết lách qua đám đông sải bước về hướng một con phố nhỏ. Bỏ lại sau lưng những lời chèo kéo, những cái níu tay như tuyệt vọng của các bác xe ôm trong những bộ đồ xanh phảng phất dấu hiệu đồng phục. Vòng vây bên ngoài thưa hơn, của những bộ đồng phục thực sự sơ mi trắng cà vạt vàng. Quê gã đã có những hãng tắc-xi. Một vài bác xe đạp thồ rụt rè đứng xa hơn, đưa ánh mắt mời chào với vẻ cam chịu.

       Nắng chiều vừa nhạt. Đường về nhà không gần không xa. Chỉ là bỗng nhiên gã muốn đi bộ. Quá gầy để có nhu cầu tiêu mỡ bụng. Chẳng có gì vội vàng. Mẹ gã vẫn bảo, những kẻ có bàn chân nhỏ như gã là giỏi đi bộ lắm. Ba của gã, ngày trước, bàn chân có nhỏ đâu. Mà thời đó biết đi bằng gì nếu không đi bộ. Gã nhớ cái cảnh phải chạy gằn theo những bước chân dài của ông để tránh như bị nắm tay lôi đi trên phố. Có điều, những dịp như thế cũng thực sự hiếm hoi.

       Con phố cũng không có gì hấp dẫn. Chẳng có gì để ngắm nhìn, dù cả năm trời gã mới qua một lần, mà thường là vèo xe máy. Mặt đường nay đã trải nhựa, không lo giẫm giày vào bùn đất như xưa nhưng hầm hập hơi nóng. Nhà cửa nhỏ to đã san sát kín hai bên, không còn nhìn thấy những thửa ruộng hay bãi cỏ nữa.


       Nói rằng phố thật cũ kỹ chán nhàm, song khó tìm ra dấu vết gì có thể gợi cho gã nhớ những ngày xưa ấy. Đã 40 năm. Mấy đứa trẻ tuổi 9, 10 lếch thếch đi bộ dọc con đường nắng bụi mưa bùn sang xã bên học toán nay chẳng còn ai ở quê. Cái thời đi bộ mà bụng đói gối mỏi chân đau. Cái thời đi bộ mà thèm muốn được người lớn đèo trên một chiếc xe đạp. Được ngồi sau yên một chiếc Honda ngỡ hầu chỉ là giấc mơ ...

       Mẹ gã đang ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp nhìn ra cổng. Bằng cách nào đó mẹ đã biết gã về dù gã không hề báo. Vừa vào nhà, gã nghe mẹ lẩm bẩm nói một mình, để hâm lại nồi canh cho nóng. Bữa cơm tối chỉ hai mẹ con trôi qua hầu như trong im lặng. Đường đời không dạy cho gã biết nói nhiều, lại quá sợ những điều lời nói gió bay đem lại ...

       - Đám tang cô Huê chắc đông lắm?

       Mẹ gã như hỏi như nói bâng quơ. Mẹ biết gã về làm gì. Cậu học sinh giỏi toán xưa ít khi làm gì đi đâu mà không có lý do. (còn tiếp)


Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Hơn thua

Dạo này trên xe giao ca các bác tài hay mở đài tiếng nói vn.

Bữa trước nghe trúng chương trình thiếu nhi. Đồng nghiệp cùng tuổi bảo răng vẫn giống y như ngày xưa ri. Hắn cười, may mà tụi nhỏ không thèm nghe ...

Hôm nay nghe mấy nhà văn (trẻ?!) ba hoa, nào những gì là không hề thua kém thế giới.



Câu ấy ở xứ này cũng xưa không kém gì quả đất.

Ngành nghề nào lĩnh vực gì cũng tự thấy không thua kém ai. Nhưng trong khi người ta làm ra để lại hàng bao nhiêu thứ thì dân tộc mình cứ một số không tròn trĩnh.

Haizzz ...