Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Lụt

Mùa lụt nói chuyện lụt.

Thực ra thì bắc miền Trung đang lụt. Lụt chồng lụt. Nhưng không chắc nay có còn cái gọi là mùa lụt nữa hay không (?!).


Nhớ thuở còn thơ, quê hắn mùa khô nắng cháy mùa mưa bão lụt. Mùa khô, trên trời nắng chói chang dưới cát trắng bỏng chân giữa gió Lào thổi. Gió thổi chạm da nghe như muốn bỏng, cây cối héo queo. Sáng sớm dậy nhà nhà thổi cơm, vì trưa cấm nấu ăn. Sợ cháy. Làng xóm nghèo bao đời vách đất mái tranh.

Kịp đến mùa mưa nước ngập triền sông đường sá lầy lội. Con nít ra đường thi nhau vồ ếch, người lớn sang sông năm nào cũng có người chết đuối. Người lớn đố con nít: cái chi to thì vô mà nhỏ lại không vô?


Dòng sông Thạch Hãn chảy đến làng hắn thì chia làm hai nhánh. Năm ấy hàng vạn thanh niên sinh viên (trong đó có chị của hắn) đã được huy động đến đắp nên con mương dẫn nước từ đập tràn trên núi về tưới cho ruộng đồng nhiều xã trong huyện. Đoạn mương chạy qua làng hắn cắt ngang một nhánh sông như một con đê sừng sững.

Từ đó làng hắn năm nào nước lụt cũng vô nhà. Trong khi làng bên kia con mương không chút nước ngập. Rồi một năm con mương-đê đó bị vỡ. Ngay chỗ phía bên kia là nhà ông Thụng Ước. Vườn nhà ổng có cây mít to lắm. Sau thì cả vườn và nhà biến thành một cái ao to sâu hoắm. Bên làng hắn nước rút nhanh đến độ kéo sập nhà cửa. Có 2 bà già kia - 2 chị em bị nước cuốn cố níu vào nhà mà vẫn không thoát chết. Nhà o hắn trôi hết đồ đạc, mấy tuần sau tìm được vali quần áo bị trôi xuống tận xã dưới.


Không biết bao nhiêu năm sau người ta mới làm cái siphon - ống dẫn nước qua sông thay vì lấp cả nhánh sông. Dân quê quen với từ ngoại "xi-phông" và quên dần nước lụt.

Có câu triết lý rằng không bao giờ có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông. Đôi khi con người biến các đận lụt xưa vốn hiền hoà chở nặng phù sa thành những dòng nước hung hãn cuốn phăng bao thứ (thậm chí từ ngày có thuỷ điện phù sa cũng chẳng còn). Nhớ lúc trước bước sang tháng 9 âm lịch là người lớn mới thở phào gạt bớt nỗi lo lụt bão. Nay thì ... ?!?!?!


Bởi vậy bọn Tây lông (tiên sư bọn giãy chết í) cứ suốt ngày lo lắng những gì mà biến đổi khí hậu toàn cầu ...

Xứ thiên đường của hắn vẫn lạc quan bất tận. Ngày chưa có cái siphon, có năm nước vào nhà hắn ngập cửa ra vào. Cái sập trống không nổi lềnh bềnh đồ đạc bên trên không dằn xuống nổi. Ba hắn nhào tới chọn ôm thùng phi đựng lúa nhìn tủ sách đổ ụp xuống nước. Lúc ấy ở trường hắn đang say sưa học bài thuỷ điện vừa cung cấp điện vừa điều tiết nước mùa khô tưới tiêu mùa mưa ngăn lụt.

Bài ấy thế này: hồ thuỷ điện tích nước. Mùa khô sông cạn, hồ xả nước cho bà con nông dân tưới ruộng đồng. Mùa mưa lũ tràn về, hồ giữ nước lại giảm ngập lụt cho hạ lưu ...


Liền sau khi "phong trào" thuỷ điện hình thành, hắn đọc báo Tuổi trẻ cười thấy bức biếm hoạ ông kia quỳ lạy "Lạy trời mưa xuống cho con có ... điện !?!". Các dòng sông hiền hoà làng quê nằm trơ đáy, mà thuỷ điện cũng phải chạy cầm chừng ... chờ nước. Từ ấy, có giọt nước nào thuỷ điện giữ bằng hết (các cụ có chuyện "thượng điền tích thuỷ hạ điền khan" huhu).

Khi mưa lũ tràn về, không ai ước lượng thống kê đo đạc gì được về lưu lượng nước. Thế là mới đầu cứ mạnh ai nấy ghim nước. Đến lúc hoảng hồn sợ vỡ đập thì xả hết tốc lực. Đáng gọi là lũ trong lũ mà lụt trong lụt vậy.

Bài học năm xưa nghe chừng sáng sủa mà sao áp dụng ở xứ lúa nước nó cứ xám xịt mịt mù.


Dân đen chỉ biết kêu trời "chửi ông thuỷ điện". Nào biết thuỷ điện chẳng phải là "ông". Là tâm là tầm của con người thôi vậy ...



P/S: Nói chuyện thuỷ điện, thì chuyện đường giao thông mương thuỷ lợi thành đê ngăn nước, chuyện quy hoạch thành phố cũ nông thôn mới lấn sông lấn biển lấp ao hồ cho đến chuyện phá rừng trồng rừng, tất cả cùng một lối tiến lên chủ nghĩa xã hội như nhau cả. Thế mà ngồi vào mâm vẫn mãi cãi nhau tại anh tại ả chẳng khác gì các Táo trong Gặp nhau cuối năm. Ôi.

Không có nhận xét nào: