Nhớ thuở còn bé tí học nấu cơm. Đong gạo, đong nước, nhóm lửa. Cơm sôi, cơm cạn.
Lại còn phải vo gạo, đãi sạn.
Đôi lúc hơi thắc mắc, sao gạo nhiều sạn thế? Người lớn giải thích, rằng gạo bị đổ xuống đất, hốt lại nên lẫn nhiều sạn. Thuở đó "tuyệt đối tin tưởng" nên không hỏi thêm. Nhưng vẫn ấm ức, sao nhà mình toàn phải ăn gạo bị đổ?
Sau lớn đi đây đi đó mới đọc được nhiều. Đại loại, anh lái xe chở 100 kg gạo, xúc bớt 1 kg đem về nhà cho vợ. Để khỏi bị phát hiện, anh trộn vào gạo 1 kg đá vụn. Chị thủ kho cũng xúc về cho chồng 1 kg gạo, và trộn vào 1 kg gạch vụn.
Tài sản "xã hội chủ nghĩa" không hề bị hao hụt. Vẫn nguyên vẹn 100 kg. Thế mới tài.
Sạn trong gạo, phải dùng nước đãi để loại bỏ trước khi nấu cơm. Tiếc rằng, ở đời, nào chỉ có sạn trong gạo!
Hắn biết một cô bạn, ngoài giờ đi làm thường dạy thêm cho trẻ em quanh xóm. Và viết những bức xúc của mình lên mạng xã hội. Cô viết, rằng nhiều phụ huynh không hài lòng với các thầy cô giáo. Nhưng không dám nói gì, sợ ảnh hưởng con em mình.
Vậy đó. Có những loại sạn không phải không thấy, song không dám loại bỏ. Mà, sạn ấy mỗi ngày mỗi lớn. Sạn sinh ra sạn. Sinh ra những bậc thầy của anh lái xe chị thủ kho nói trên.
Sạn, không thể loại bỏ bằng nước, lại còn gây nguy cho Nước ...
Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét