Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

Hoa ban

Được khích lệ bởi sự dũng cảm của nhiều người tuy dốt mà vẫn nói chữ, lão quyết định viết về hehe ... hoa.

Chả là mùa xuân đến hoa lá tốt tươi, cây bên đường trong vườn nở đầy hoa tím mà người gọi bằng lăng người lại bảo hoa ban. Với lão, hoa tím bằng lăng dừng lại trong những câu cải lương xứ nam bộ, còn hoa ban trắng hoa ban đỏ là chuyện của miền tây bắc khi người ta nhắc đến chiến thắng Điện biên chấn động địa cầu hihi.

Hai loại hoa trên không phải là một loại, nếu không muốn nói ... khác nhau xa chừng. Có giống nhau chăng, nghe đồn rằng, chỉ ở màu hoa tim tím (dĩ nhiên, với loại hoa ban ... màu tím). Cây hoa tím đang nở đầy phố phường các thành phố miền trung trong những ngày này vốn chẳng xa lạ gì với người dân địa phương ... dưới cái tên hoa móng bò. Tên này, được gọi không phải theo hoa, mà theo ... lá, những chiếc lá đôi như hình dạng móng bò. Dường như thời cơ cực đã qua, nay người ta bỗng muốn ... mỹ miều hơn.

Nhưng, hoá ra cái tên dân dã ấy lại chính là cái tên khoa học. Móng bò là tên của hẳn một chi (genus) với hơn 200 loài (thực vật có hoa), thuộc phân họ (subfamilia) Vang (Caesalpinioideae) của một họ (familia) lớn là họ Đậu (Fabaceae). Chắc vì vậy mà chúng có quả giống quả ... đậu. Tuy nhiên, mấy thứ phân loại này hại hết cả não. Vài mục chính như sau:


Túm lại cái tên móng bò tầm thường đại diện cho một chi - genus, Bauhinia. Bauhinia, tên tiếng Anh là Camel's foot - móng lạc đà, tư tưởng lớn gặp nhau, không cần quá hoa lệ. Trên dải đất hình chữ S, ở đâu đó chúng cũng được gọi tên là ... móng ngựa, không quá ngạc nhiên haha.

Bauhinia, hay (giống) Móng bò, như đã nói ở trên, có đến hơn 200 loài. Liệt kê ra e hơi nhiều, nhắc một vài loài tiêu biểu cũng đã là nhiều. Nói rằng, ở Việt nam có trên 40 loài, có loài thân gỗ, có loài cây bụi và có loài cây leo. Móng bò thân gỗ ở Việt nam có 2 loài (có thể nhiều hơn?), được gọi là Móng bò tím (Bauhinia purpurea) và Móng bò sọc (Bauhinia variegata). Cũng nói rằng, móng bò sọc còn được gọi là, đoán xem, ... hoa ban hihi. Phân biệt 2 loài này không khó, mặc dù chúng rất giống nhau. Tuy nhiên, chuyện đó, nhẽ, để lại cho các nhà khoa học. Bật mí một tý, có thể căn cứ trên số lượng gân lá và số lượng nhị hoa cũng như độ dài cuống lá.

Theo một số nguồn, người ta dịch Bauhinia variegata là ban trắng, nhưng cái tên variegata dường như phù hợp với nhiều màu hơn (ban trắng, hồng, đỏ, tím). Cũng có nơi gọi móng bò tím là ban tím. Nên, nói chung, gọi những cây hoa tím rực đường kia là hoa ban chắc chẳng mấy sai (?!, được cái mỹ miều, dù, gọi móng bò là chính xác nhất) hehe.

Hoa ban, quen thuộc xưa nay, mọc nhiều (thành rừng?) ở vùng tây bắc, nơi có khí hậu cận ôn đới, đông về rụng lá, sang xuân hoa nở thành vòm rực rỡ (các chuyên gia cây cảnh, đặc biệt hoa Tết, hẳn dễ dàng lý giải điều này?). Và, hẳn, vì thế nên nổi tiếng.

Móng bò tím có cuống lá dài hơn, lá ít gân hơn và nhị hoa cũng ít hơn. Không biết tự bao giờ, được trồng dọc các con đường ở các phố biển miền trung, dù là móng bò tím hay sọc, nay bắt đầu được gọi là hoa ban, không rụng hết lá bởi thời tiết, nên có thể ra hoa trang điểm quanh năm. Và, những ngày Tết này, dường như, cũng không kém phần rực rỡ.

Tình cờ làm sao, khi đang gõ những dòng này, thì, thấy trên Fb của người chị họ ở Nha trang có đăng bức hình với status "Hoa ban nơi phố biển":


Có vẻ như là một loài cây bụi? Song có thể thấy rõ chiếc lá đặc trưng hình móng bò phía dưới bông hoa tím phớt đỏ hồng 5 cánh.



Chuyện nói thêm. Trong nhiều loài móng bò (ban), nghe nói có loài đặc biệt được trồng dọc đường ở Ban mê thuột (ban đơn hùng), lại có loài được gọi tên móng ngựa, chân trâu, tai voi ... (nhắm chừng đều theo dạng lá cả?).

Đáng nói nữa là, ở Trung quốc, chúng thường được gọi là ... lan. Trong đó, có lẽ nổi tiếng nhất là lan Hongkong, được lấy làm biểu tượng in trên lá cờ của xứ Cảng thơm này. Lan Hongkong, tên khoa học là Bauhinia Blakeana (Móng bò, vốn được đặt tên theo nhà khoa học Bauhin, và lan Hongkong, theo tên vị thống đốc Hongkong là Blake). Tên tiếng Hoa của loài hoa này là 洋紫荊 - dương tử kinh.


Khi đọc được điều này, lão hơi giật mình. Truyền thuyết về hoa tử kinh, tươi tốt khi anh em trong một nhà hoà thuận, và héo úa khi anh em xa nhau.

Nhà thơ Quách Tấn kể khi ông làm bài thơ Nhớ em

Thiêm thiếp lòng mong đợi
Vùng nghe chim tích linh
Vội vàng xô gối dậy
Đầy thềm hoa tử kinh

Có người bạn của ông đọc được chê rằng, người ta nói Mộng Ngân Sơn "điền thư", Quách Tấn bụng đầy điển tích quả không sai. Bài thơ chỉ có 4 câu, 20 chữ nói về tình anh em mà đã chứa đến 2 tích liên quan là chim tích linh và hoa tử kinh vậy.

Nhà thơ cũng phải công nhận nhưng nói rằng quả thực ông không cố ý dụng công. Nếu đúng là vô ý tức cảnh sinh tình thì trước nhà ông hẳn có cây hoa này?


Hoa ban - dương tử kinh đúng là một chăng? Được thế, loài hoa làm đẹp phố phường rừng núi lại tượng trưng cho tình người hoà thuận chẳng phải thú vị sao ...

Không có nhận xét nào: