Người ta vẫn có thói quen dùng lịch sử như một công cụ chính trị. Có lẽ chính vì thế mà lịch sử ... thường bị bẻ cong bóp méo.
Chính trị là thứ bẩn thỉu.
(Câu này lão nghe nhiều hồi còn học đại học bên Tiệp).
Người Tàu cũng biện minh:
Binh bất yếm trá.
Lão già lười nơi núi kia từng bình luận: những kẻ làm chính trị cứ muốn chiến thắng bằng mọi giá, thắng bất chấp thủ đoạn, quên rằng, "thắng" rồi thì tiếp tục như thế nào ...
Số phận mấy ông vua triều Nguyễn, mặc dù gần đây nhất nhưng đều bị phủ sương mờ ảo cả, tuỳ thuộc việc có lợi dụng được hay không.
Cụ Vương nói chuyện vua Khải Định ghé thăm Sài gòn trước khi đi Pháp. Sau ở Pháp về thì không ghé nữa, do người Pháp sợ khêu gợi tình cảm người dân. Chuyến đi Pháp này hình như cũng chẳng thành công gì cho lắm. Ông vua không được đẹp mã, lại ứng xử kém cỏi. "Sử" còn bôi xấu ổng nhiều, bởi không thấy ổng chống Pháp. Cụ Vương viết ông này trước khi lên làm vua vốn rất nghèo. Song có những giai thoại về tài "sửa" câu đối của ổng thời đó khiến người đời sau thắc mắc, bởi làm được thế khí độ không phải loại thường?
Người Pháp hẳn cũng phí công lo dân Nam bộ thấy ông mà nhớ chế độ quân chủ. Dường dân Nam là giống mau quên, sau dăm năm làm dân thuộc địa đã coi mấy ông vua cũ như người ngoài. Vua Thành Thái, chẳng biết ổng yêu nước đến đâu, đương thời làm vua chẳng thấy ổng làm được gì mấy, nhưng đời sau khen ổng nhiều ... do ổng bị người Pháp phế? Cuối đời ổng về sống ngay Sài gòn nhưng xem ra người ta chỉ kể về ông qua những giai thoại ... trớt quớt?
Cụ Vương, với thân phận là thơ ký ở dinh thống đốc Nam kỳ nên được chứng kiến, khen vua Bảo Đại có khí chất. Từ "long nhan" cho đến nền giáo dục mà ông được thụ hưởng ở Pháp. Tất nhiên, "sử", không nói tốt về ông vua cuối cùng này.
Nói nốt, vì cụ Vương có nhắc đến vua Cao Miên (Sihanouk?), lúc đến thăm Sài gòn hình như đang là thái tử. Ông này chịu đựng số phận nghiệt ngã, và, không biết có phải vì thế, ổng có tác phong hết sức bình dân, thân thiện.
Chỉ vài nét chấm phá về các vị vua một thời đã qua, gợi suy nghĩ cho người đọc sách ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét