Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Sự trớ trêu của nghệ thuật nịnh nọt

 Hình thức càng thô thiển thì nội dung càng hiệu quả. (Nịnh mà khéo quá, không ai biết đó là nịnh thì chẳng phải ... vô ích sao?).

Đám đông càng khinh bỉ kẻ nịnh nọt thì người được nịnh nọt càng thăng hoa. (Ai cũng tán đồng thì được nịnh cũng ... nhàm chán!).


Vấn đề còn lại là, kẻ được nịnh nọt bằng miệng lưỡi của một kẻ nịnh nọt tầm thường thì liệu có ... quá tầm thường? (Có câu, tớ nào chủ nấy).

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Covid

Nguyễn Thế Hoàng Linh 

Nếu Covid giết được anh

Thì anh xin phép trở thành nothing
Dù bị trích dẫn linh tinh
Thì anh đâu thể phê bình nữa đâu
Anh nghe Covid đã lâu
Mà chưa được gặp ở sâu phổi mình
Nếu Covid đến tử hình
Thì anh chỉ dám trách mình chủ quan
Anh mong Covid sớm ngoan
Đầu hàng và trả an toàn cho dân
Nếu không dân vẫn sẽ dần
Tìm ra cách tiếp tục nhân loại này

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Soi sách

 Tuỳ Viên kể chuyện, năm Đinh Mùi gặp nhà sư Mặc Mặc tuổi ngoài 90. Đến năm Tân Mùi nhà sư Mặc Mặc ra đón xa giá, tâu vua mình được 102 tuổi.

Đinh Mùi đến Tân Mùi vừa tròn 2 giáp 24 năm, hoặc nhà sư quá già mà lầm lẫn tuổi mình, đã trên 114 tuổi? Hoặc tác giả nhầm, gặp nhà sư khi nhà sư chưa đầy 80? Hoặc nữa là sách chép nhầm một trong 2 năm Mùi nói trên là năm Kỷ Mùi chăng?

Ấy đọc sách văn thơ nói nhảm cho vui, chứ nếu rảnh muốn tra sử thì tra niên đại Càn Long hoặc tiểu sử Viên Mai chắc cũng ra chỗ nhầm lẫn.

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Dễ, khó

 Tuỳ Viên dẫn câu thơ được dân gian ưa thích:

Dị cầu vô giá bảo

Nan đắc hữu tình lang

(Dễ cầu viên ngọc quý, khó được bạn chung tình)

Tự nhiên nghĩ, sao không đảo hai chữ dễ, khó ra cuối câu?

Cầu vô giá bảo dị

Đắc hữu tình lang nan

Nhưng thế nghe lại giống câu:

Hoành qua đương hổ dị

Đối diện bà vương nan

(Múa giáo chống hổ dễ, giáp mặt vua bà khó).

Nay say rượu mai hết tiền

 Kim triêu hữu tửu kim triêu tuý

Minh nhật vô tiền minh nhật sầu

(La Ẩn)

Sáng nay có rượu cứ say

Ngày mai tiền hết mai ngày buồn sau


Hỏi

 26/3 sinh nhật bạn già. Nhưng ghét tiệc tùng ngại ngùng chúc tụng nên như thường khi, im lặng.

Mấy cô cậu từ choai choai đến sồn sồn khoác lên mình tấm áo xanh hát hò inh ỏi. Hát rằng đừng hỏi Tổ quốc ... hãy hỏi ...

Ai hỏi ai cái gì là chuyện của người ta, khuyên người khác như vậy là có ý gì? Rất mùi xui nguyên giục bị!

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Trầm cảm

 Hoa hậu nhân ái tự kết thúc cuộc đời ở tuổi 33 vì trầm cảm.

Chẳng phải đó là một biểu hiện "nhỏ" của xã hội chưa bao giờ tốt đẹp như hôm nay sao?

Định kiến

 Định kiến là điều những đứa ngu sử dụng làm lý lẽ.

------------
Prejudices are what fools use for reason.
(Voltaire)

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Bất hội tác thiên mạc tác thiên

 Hahahuhu từ xưa đã có kẻ chán đời mà chửi trời như vậy thì mình nay chưa là cái gì ...

Si hán thiên kỵ tuấn mã tẩu

Xảo thê thường bạn chuyết phu miên

Thế gian đa thiểu bất bình sự

Bất hội tác thiên mạc tác thiên

(Tạ Tại Hàn)

Hỏi thưa


Chùm bao ghé đến hỏi Hồng

Các nàng xinh thế sao không ai cười?

Thưa rằng lúc héo lúc tươi

Lúc mưa lúc nắng ai người biết cho ...

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Xoá

 Mới ngày nào Google quảng cáo đầy hãnh diện, 15GB miễn phí cho gmail, "bạn không bao giờ phải xoá email nữa!".

Hôm nay nhận thông báo gần đầy, 92% của 17GB miễn phí. Mua thêm hay xoá?

Xoá. Bắt đầu từ những email cũ nhất.

Đầu tiên là những email làm việc với chú. Nhiều, sau thưa dần. Một phần cũng bởi sau này làm việc qua chat và thoại nhiều hơn. Nhưng nay thì đã dứt hẳn. Xoá.

Tiếp theo là thời uniLab. Cũng nhiều. Dĩ vãng nhạt nhoà. Xoá.

Rồi thời trạm ST làm việc qua email. Nhìn địa chỉ thấy hết sếp này sang đến sếp khác. Rồi thưa dần, nhờ văn phòng điện tử và Zalo. Chọn lọc giữ lại ít ít quan trọng và mới nhất. Còn nhiều năm trước, xoá.

Xen vào còn có FabLab. Không ít. Xoá.

Về sau thêm nhiều nhóm khác. Mới, tạm giữ. Cũ, xoá.


Thành tích sáng nay, xoá được vài ngàn, còn lại vài trăm. Tạm ổn.

Tiếng đậu thơ bay

 Thấy bạn bè share lên Fb. Lơ mơ cũng chẳng để ý. Đoán, chắc lại thi thố gì đó. Thi like. Thi share.

Vidéo. Hai cô cậu chắc là học sinh. Đọc thơ. "Giữ chút gì rất Huế ..."

Thấy mở ngoặc "Tiếng đậu thơ bay". Lơ mơ chẳng hiểu cái gì. Cứ tưởng tiếng Đan Mạch. Với lại gạch củ đậu, ném vỡ đầu. (Dạo này đầu óc trần tục. Y như cuộc sống.)

Thấy nhiều lần mới láng máng, hay là, tiếng đậu lại thơ bay đi nhỉ? Như chim?

Bèn Gúc. Ra toàn Tào Thực. Tử Kiến đi 7 bước làm 7 câu thơ. Về tình anh em.

Trong những ngày này lại nhớ Nguyễn Huy Thiệp. Câu chuyện về mấy ông thợ "kéo cưa lừa xẻ". Nhưng biết thơ.

Củi đậu nấu hạt đậu

Hạt đậu khóc hu hu

Cùng sinh ra một gốc

Thui nhau nỡ thế ru?




Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Không có vua

 Không có vua. Tiền là vua.

Xã hội là bánh xe bát quái xoay vần. Quẻ có, quẻ không, quẻ lạc.

Có nhân dân lao động bần hàn. Có trẻ ranh ăn chơi trộm cắp. Có trí thức lưu manh giáo dục. Có hào hiệp bế tắc cục cằn.

Không có vua

 NGUYỄN HUY THIỆP



I. Gia cảnh


Cô Sinh về làm dâu nhà lão Kiền đã mấy năm nay. Khi về, cô Sinh mang theo bốn bộ quần áo mỏng, một áo dạ mặc rét, hai áo len, một vỏ chăn hoa, bốn cái xoong nhôm một cái xoong bột, một cái phích hai lít rưỡi, một cái chậu tắm, một tá khăn bông, tóm lại là một đống tiền, nói như bà mẹ cô Sinh làm nghề buôn gạo ở chợ Xanh. 


Cậu Cấn chồng cô Sinh là thương binh. Họ quen biết nhau trong dịp tình cờ. Hai người cùng trú dưới hiên nhà trong một trận mưa. Chuyện này đã có người viết (thế mới biết nhà văn ở ta xông xáo!) Theo đồn đại, đại để đấy là một xen (scène) về tình yêu giản dị, trong sáng, không vụ lợi cuộc sống là duy vật biện chứng, hài hòa, đẹp, đáng yêu, v.v.... 


Cấn là con trưởng. Dưới Cấn có bốn em trai, chênh nhau một, hai tuổi. Đoài là công chức ngành giáo dục, Khiêm là nhân viên lò mổ thuộc Công ty thực phẩm, Khảm là sinh viên đại học, Tốn, con út bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng. 


Nhà lão Kiền sáu người. Toàn đàn ông. Bà Nhớn, vợ lão Kiền, mất đã mười một năm, lúc đó lão Kiền năm mươi ba tuổi, cái tuổi oái ăm, lấy vợ nữa cùng dở, không lấy vợ nừa cũng dở. Lão Kiền chọn cái dở ít hơn, ở vậy... Nhà lão Kiền trông ra mặt đường. Lão làm nghề chữa xe đạp. Cấn làm nghề cắt tóc (khi mới quen Sinh, anh nói làm nghề dịch vụ). Được tiếp thu một nền giáo dục gia đình bình dân (cha dạy học, mẹ buôn gạo), Sinh không phải là người có nhiều định kiến hẹp hòi. Hơn nữa, trong tính cách, thậm chí ở cô có phần phóng túng. Trình độ văn hóa hạn chế (Sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở) nhưng điều đó không can hệ gì. Với phụ nữ, học vấn giữ vai trò thứ yếu tạo nên sức mạnh thần thánh ở họ, điều này không phải chứng minh. Về làm dâu, lúc đầu Sinh khá ngỡ ngàng với không khí tự do trong nhà. ăn cơm chẳng ai mời ai, sáu người đàn ông, ai cũng cởi trần, mặc quần đùi cười nói thản nhiên, chan chan húp húp như rồng cuốn. Sinh phục vụ cơm nước ba lần một ngày. Được cái việc nặng Sinh không phải làm, có Tốn giúp đỡ. Tốn suốt ngày lau nhà, giặt giũ. Nó không có khả năng làm việc gì khác. Cứ cái xô nhựa với tấm giẻ lau, khoảng vài tiếng nó lại lau nhà một lần. Nó không chịu được bẩn. Quần áo ai thay ra, nó cũng giặt mà giặt rất sạch, phơi phóng cẩn thận. Tốn ít nói, nếu ai hỏi gì, chỉ cười bẽn lẽn, trả lời nhát gừng. Vừa làm, nó vừa ti tỉ hát, không hiểu học được khi nào bài hát của bọn bợm rượu:


A ha... Không có vua

Sớm đến chiều say sưa

Tháng với ngày thoi đưa

Tớ với mình dây dưa,

Tình với tính hay chưa


Tốn hay giúp đỡ Sinh, nó cư xử với Sinh bằng lòng tốt vô bờ bến. Những ý thích nhỏ nhặt của cô, nó thực hiện với lòng tận tụy cầm thú. Nửa đêm, nếu Sinh buột miệng "có ô mai thì thích" là sẽ có ngay ô mai. Không biết Tốn lấy tiền ở đâu, đi mua lúc nào, chuyện này chịu. 


Ở trong nhà Sinh hãi nhất lão Kiền, sau đến Khiêm. Lão Kiền suốt ngày cau có. Mọi người không ai thích lão. Lão kiếm ra tiền, lão cãi nhau với mọi người như cơm bữa, lời lẽ độc địa. Như với Đoài, lão bảo: "Mày ấy à? Công chức gì mặt mày? Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét!" Hay với Khảm, cậu sinh viên năm thứ hai: "Đồ ruồi nhặng! Học với chả hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi." Với Cấn, lão có đỡ hơn, thỉnh thoảng cũng khen, nhưng lời khen lại quá lời chửi: "Hay thật, cái nghề cạo râu ngoáy tai của mày, nhục thì nhục nhưng hái ra tiền." Riêng với Khiêm, lão ít gây sự.


Khiêm to lớn, lừng lững, tính nóng nẩy. Hàng ngày đi làm về (Khiêm hay làm ca đêm), Khiêm đều mang về khi cân thịt, khi bộ lòng. Ít hôm Khiêm về không. Đoài hay nói (cũng là nói sau lưng Khiêm): "Trước sau cũng vào tù thôi. Cái thằng ấy tôi đã thấy trước tương lai của nó. Ít cũng sáu năm tù. Kể cũng lạ. Một năm nó ăn cắp đến nửa tấn thịt mà người ta để yên cho nó." 


Khiêm có vẻ khinh hai ông anh. Với Cấn, nếu Khiêm cắt tóc bao giờ Khiêm cũng trả tiền. Khiêm bảo: "Anh đừng làm bộ với tôi. Tôi bắt anh phục vụ tôi có quyền trả tiền. Cấn nhăn nhó: "Chú làm anh như người ngoài ấy". Khiêm bảo: "Không phải người ngoài, anh không nhận thì thôi, tôi đi hàng khác, tôi bắt thằng khác ngoáy tai cho tôi. Kìa, cẩn thận con dao. Đừng cạo của tôi bộ ria mép đấy". Cấn chẳng biết trả lời ra sao, phải nhận tiền. Sinh bảo chồng: "Anh nhận tiền chú ấy khinh cho". Cấn bảo: "Tôi là anh cả, nó khinh tôi thế nào được".


Với Đoài, Khiêm coi như kẻ thù. Nhưng Đoài khôn, Khiêm không nói gì được. Khi đi làm, Đoài bao giờ cũng lấy cơm vào cặp lồng, cho vào mấy miếng thịt, mấy miếng lòng. Đoài bảo: "Có chút đạm này là đủ hai nghìn calo để làm việc cả ngày đây Cũng là nhờ chú Khiêm nhà mình vừa khéo vừa nhanh". Khiêm hỏi: "Khéo với nhanh cái gì?" Đoài bảo: "Ấy là tôi nói chú khéo xử sự với người, mà nhanh xử sự với lợn". Khiêm tức nghẹn họng, sùi bọt mép.


Sinh lọt vào gia đình nhà này tựa như cơn mưa rơi xuống đất nẻ. Không khí dịu lại. Vài tháng đầu, lão Kiền không gây sự gì với con cái. Cấn là người hạnh phúc nhất. Anh cầm kéo cắt tanh tách, đối xử với khách hết sức nhã nhặn. Cấn quyết định nâng giá cắt tóc từ ba chục lên năm chục, ngoáy tai từ một chục lên hai chục, gội đầu từ hai chục lên ba chục, cạo râu từ một chục lên hai chục. Doanh thu tăng vọt. Mức chi tiêu gia đình chủ yếu do Cấn cầm cân nảy mực có phần rộng rãi. Đoài thấy mức chi tiêu tăng lên, ban đầu hoảng sợ nhưng không thấy ai hỏi han gì về khoản đóng góp thường lệ của mình nên bình tâm hơn. Còn Khiêm, vẫn y như tháng trước, tháng trước nữa, không chi ra một hào nhưng đều đặn góp vào mỗi hôm một cỗ lòng hoặc một hai cân thịt. Ăn lòng lợn hơn chục hôm liền, Sinh phát sợ, bảo chồng: "Mai chú Khiêm có mang lòng về thì tôi đưa ra chợ để đổi thứ khác đấy". Cấn cười, mắt ve vuốt thân hình mềm mại của vợ, bảo rằng: "Tùy ái khanh".



II. Buổi sáng


Thường thường, ở nhà thì Khiêm là người hay dậy sớm nhất. Khiêm để đồng hồ báo thức một giờ sáng. Khi chuông reo, Khiêm dậy ngay, đánh răng súc miệng rồi dắt xe đi. Tốn ra khóa cửa. Đoài bị mất ngủ, càu nhàu: "Thật là giờ làm việc của quân đạo tặc". Ba giờ sáng, lão Kiền dậy, cắm bếp điện đun nước pha chè. Cái ổ cắm bếp điện bị hở, chữa nhiều lần nhưng cứ ít hôm lại có người bị điện giật đến thót, lão Kiền bị điện giật, bèn chửi: "Cha chúng mày, chúng mày ám hại ông. Chúng mày mong ông chết, nhưng trời có mắt, ông còn sống lâu". Đoài nằm trong giường nói vọng ra: "Ở đâu không biết, chứ ở nhà này thì lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống là chuyện thường tình". Lão Kiền chửi: "Mẹ cha mày, mày ăn nói với bố thế à? Tao không hiểu thế nào người ta lại cho mày làm việc ở Bộ giáo dục." Đoài cười: "Họ xét lý lịch, họ thấy nhà mình truyền thống, ba đời trong sạch như gương". Lão Kiền lẩm bẩm: "Chứ không à? Chúng mày thì tao không biết, nhưng từ tao ngược lên, nhà này chưa có ai làm gì thất đức". Đoài bảo: "Phải rồi. Một miếng vá xăm đáng một chục nhưng tương lên ba chục thì có đức đấy". Lão Kiền bảo: "Mẹ cha mày, thế mày nâng bát cơm lên miệng hàng ngày mày có nghĩ không?" Khảm rên rỉ: "Thôi thôi, anh Đoài ơi anh thương em với, hôm nay em phải thi vấn đáp môn triết học đấy". Đoài bảo: "Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách. Chú có thấy cái chuỗi hạt nhựa đeo cổ của chị Sinh không. Nó là triết học đấy" Khảm không trả lời. Căn nhà lặng im được độ một tiếng đồng hồ thì lại nhộn nhịp. Đấy là bốn rưỡi sáng, Sinh dậy nấu cơm. 


Sinh dậy nấu cơm, lấy sáu bò rưỡi gạo. Cấn lúi húi nhặt rau. Khảm bảo: "Đẹp đôi thật. Có việc gì để em làm giúp". Sinh bảo: "Chỗ mỡ lòng hôm qua đầy kiến, chú làm sao chắt được hết kiến thì làm". Khảm bảo: "Ở nước mình, mật độ lòng lợn trên đầu người thì nhà mình là nhất. Em đã thử thống kê, một năm anh Khiêm mang về hai trăm sáu mươi bộ lòng". Đoài bảo: "Em giai ơi, thằng ấy là phúc thiện tinh của nhà mình đấy. Nói không phải, cái nghề đồ tể của nó giá trị gấp mười lần cái bằng đại học của tao với mày. Lão Kiền mở cửa hàng. Một bà cắp thúng xôi đi qua ngó vào: "Mời bác xơi quà sáng". 


Lão Kiền xua tay quầy quậy: "Giời ơi, nhà làm ăn, mới sáng ra đàn bà con gái đã ám thế này thì làm ăn gì. Bà bán xôi bảo: "Chẳng bao giờ tôi bán được một hào xôi cho lão già này". Cấn cầm dao mài soàn soạt vào miếng da bò, lẩm bẩm: "Hôm nay cắt được chục cái đầu thì hay". 


Cơm dọn ra, Sinh với Khảm ngồi hai đầu nồi. Khảm xới cơm, Sinh bảo: "Cơm nóng, chú lèn thế thì ai ăn được?" Khảm bảo: "Chị đừng lo. Họ Sĩ nhà này toàn miệng gang miệng thép". Sinh bảo: "Mời bố ăn cơm, mời anh Cấn và các chú ăn cơm". Đoài bảo: "Nhập gia tùy tục, ở nhà này không có lệ mời. Khảm xới tao một bát." Khảm bảo: "Ăn nhanh thế, em mới được hai và". Đoài bảo: "Tao ăn cơm tập thể từ mười bốn tuổi, ăn nhanh quen rồi. Hồi học đại học, có thằng bạn ăn sáu bát cơm trong một phút rưỡi. Thế có kinh không?" Lão Kiền bảo: "Quân trí thức bây giờ toàn phường phàm phu tục tử" Khảm cười: "Các cụ ngày xưa chẳng dạy: "Có thực mới vực được đạo" là gì?" Lão Kiền hỏi: "Bọn chúng mày bây giờ thì vực đạo gì?" Đoài ăn xong đứng lên vươn vai: "Cái này phải tranh luận đấy. Tôi đang ngờ cái ông ngày xưa nói ra câu ấy chẳng hiểu quái gì về đạo. Đáng ra phải nói "Có thực mới vực được tình". Tức là tình người đấy, đồng bào ạ". Cấn cười tủm tỉm: "Chú thì lắm tình lắm". Đoài nhìn chăm chú vào khoảng lõm ở ngực chị dâu, nơi chiếc khuy bấm vừa tuột ra, bâng quơ: "Tình ơi tình, mình ơi mình, tình hở hang lắm cho mình ngẩn ngơ". Sinh đỏ mặt, một lát sau lén cài khuy áo. 


Sinh dọn mâm bát. Lão Kiền ngồi uống nước. Khảm mặc quần áo, quần bò, áo phông, trên áo có ghi dòng chữ "Walt Disney Productions". Khảm bảo: "Anh Cấn ơi, anh cho em năm chục". Cấn bảo: "Tiền đâu mà cho" Khảm bảo: "Bố cho con năm chục". Lão Kiền bảo: "Mày ngồi vá cho tao cái xăm để góc kia kìa, rồi tao cho tiền". Khảm nhăn nhó: "Thế thì muộn giờ học còn gì". Lão Kiền không trả lời, mở tủ đồ nghề lúi húi làm việc. Khảm dắt xe ra cửa, nghĩ thế nào lại dựng xe ôm cặp vào nhà. Khảm mở cửa buồng, trông trước trông sau không thấy ai, mở thùng gạo xúc ra bò rưỡi vào cặp rồi lẻn đi ra.


Sinh cất nồi dưới bếp. Đoài đi theo, lấy cơm vào cặp lồng. Đoài đưa tay chạm vào lưng Sinh, Đoài bảo: "Người chị tôi cứ mềm như bún". Sinh lùi lại, hốt hoảng: "Chết, chú Đoài, sao lại thế" Đoài bảo: "Gớm, đùa một tý đã run bắn người". Nói xong đi lên nhà. 


Tốn xách xô nước, cặm cụi lau sàn, ti tỉ hát: "A ha... không có vua... " Có người đến cắt tóc, Cấn hỏi: "Bác cắt tóc kiểu gì?" Khách bảo: "Chú cắt thấp cho tôi. Cẩn thận, tôi mọc cái đầu đanh gần chỗ đỉnh đầu".


Đoài mặc xong quần áo, dắt xe đi. Đoài đến cửa quay lại bảo Cấn: "Ngày kia giỗ mẹ, anh Cấn bảo chú Khiêm mai kiếm cho được cân thịt ngon ngon. Em đưa chị Sinh một trăm rồi đấy!!" Cấn bảo: "Nhớ rồi".



III. Ngày giỗ 


Giỗ bà Nhớn, lão Kiền làm năm mâm. Bên ngoại có ông Vỹ, em ruột bà Nhớn ở Phúc Yên về dự. Ông Vỹ là công chức về hưu, hưởng lương chuyên viên ba một trăm phần trăm. Ông Vỹ đông con, nhà nghèo, về mang theo mỗi chục quả tai chua với chai rượu trắng làm quà. Trên phố xuống có vợ chồng cô em gái lão Kiền, bà này bán hàng khô, chồng tên là Hiển, làm thợ thiếc. Ông Hiển có năm đứa con vừa trai vừa gái. Khách dự có anh Minh, trưởng phòng, cùng cơ quan với Đoài. Khảm dẫn về ba bạn học cùng lớp, một cô tên là My Lan, một cô tên là Mỹ Trinh. Cậu con trai tên là Việt Hùng, đeo kính trắng, có đôi môi đỏ như môi con gái. Khoảng mười giờ, khách đến đông dủ. Cấn bưng một mâm đặt trước bàn thờ, thắp ba nén hương rồi quay ra bảo: "Bố vào cúng". Lão Kiền mặc quần bảo hộ lao động, áo cộc tay trắng ba túi, đầu chải nước lã rất mượt, ra trước bàn thờ chắp tay, lầm rầm khấn: "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm thứ... Lạy Trời, lạy Phật, lạy tổ, lạy tiên, lạy vợ tôi là Ngô Thị Nhớn. Mời tất cả chư vị về dự cơm nhạt với tôi. Tôi, Nguyễn Sĩ Kiền, sáu mươi tư tuổi, ngụ ở 129 phố... Các con trai là Cấn, Đoài, Khiêm, Khảm, Tốn. Con dâu là Sinh. Tất cả đều lòng thành, xin chư vị phù hộ độ trì, cho sức khỏe dồi dào, làm ăn tấn tới." Cúng xong, lão Kiền quay ra bảo ông Vỹ: "Cậu vào lạy chị cậu một cái. Ông Vỹ mặc áo đại cán kiểu Tôn Trung Sơn, cài khuy đến cổ, trông rất trịnh trọng. Ông Vỹ bảo: "Cán bộ chúng em vô thần. Bốn chục năm nay em theo cách mạng, nhà không có bàn thờ, chẳng biết khấn vái thế nào". Lão Kiền im lặng, mắt đỏ hoe. Ông Vỹ đến trước bàn thờ, đứng nghiêm, gục đầu như mặc niệm. Lão Kiền lau mắt, bảo: "Bây giờ thứ tự, người nào vào cúng thì cúng". Bà Hiển bày lên bàn thờ năm trăm vàng, một xếp tiền âm phủ, một bộ quần áo giấy rồi quỳ thụp xuống, chống. tay, lạy ba lạy, đầu chạm sát dất. Ông Hiển đến trước bàn thờ vái ba vái. Cấn cũng vái ba vái. Cấn bảo: "Chú Đoài vào lễ đi". Đoài đang chặt thịt gà, tay đầy mỡ, cứ để thế không rửa tay, chạy lại bàn thờ vái lia lịa. Đoài bảo: "Lạy mẹ, mẹ phù hộ cho con đi học nước ngoài, kiếm cái xe Cub". Ông Vỹ cười: "Cháu đi nước nào?" Đoài bảo: "Cái đấy còn phụ thuộc cái ông để ria mép mặc áo ca rô kia kìa". Anh Minh nghe thấy bảo: "Đi hay không sao lại phụ thuộc vào tôi?" Đoài bảo: "Gì thì gì, anh là sếp trực tiếp, anh quay lưng lại thì em rồi đời". Anh Minh bảo: "Cậu cứ làm việc cho tốt. Tớ ủng hộ". Đoài bảo: "Công việc nhà nước biết thế nào là tốt xấu? Chỉ xin anh nhớ thằng Đoài lúc nào cũng tốt với anh". 


Sinh lúi húi dưới bếp. Trong buồng Sinh, Khảm đang giới thiệu với ba người bạn tập anbum có chụp những ảnh của Khảm, có cả ảnh hồi bé tập lẫy. Cô My Lan bảo: "Anh Khảm hồi bé bụ ghê". Khảm bảo: "Con anh sau này cũng bụ thế, nhưng xinh hơn, có cái nốt ruồi ở cằm". My Lan đỏ mặt, sờ vào cái nốt ruồi ở cằm mình, đấm thùm thụp vào lưng Khảm. Việt Hùng hỏi: "Ảnh này chụp hồi đi thực tập phải không?" Khảm bảo: "Ừ!" Việt Hùng khen: "Nét lắm". My Lan hỏi: "Có phải hồi ấy anh ăn trộm khoai, bị dân quân bắt không?" Khảm đỏ mặt bảo: "Toàn nói lăng nhăng, mắc tội nói xấu đồng đội. Thế nào tớ cũng bắt đền". My Lan hỏi: "Bắt đền gì?" Khảm bảo: "Đợi tối thì biết". Mọi người cười.


Đoài ngó vào, vẫy tay gọi Khảm. Đoài bảo: "Dọn mâm". Khảm hỏi: "Ăn rồi à?" Đoài không trả lời Khảm đi theo Đoài xuống bếp. Đoài hỏi: "Cô có cái nốt ruồi là người yêu mày đấy à?" Khảm bảo: "Vâng". Đoài hỏi: "Thế cái vị anh hùng thơm nức kia là thế nào?" Khảm cười: "Đấy là Mỹ Trinh, bố cô ấy là ông ánh sáng ban ngày, chủ hiệu điện". Đoài hỏi: "Thằng kia với nó thế nào?" Khảm bảo: "Chưa có gì". Đoài bảo: "Tao chim nó đấy". Khảm bê mâm, Sinh bảo: "Thiếu cái gì thì gọi". Đợi Khảm đi khuất, Đoài bảo: "Thiếu một tý tình thôi, Sinh cho tôi xin một tý tình". Sinh bảo: "Nỡm. Lên nhà trên mà bảo hai cô bạn của chú Khảm ấy" Đoài bảo: "Hai con ôn vật ấy bằng thế nào được Sinh". Sinh bảo: "Đi ra đi". Đoài bảo: "Cái lão Cấn của Sinh như con cua bấy mà lại hách dịch". Sinh bảo: "Tôi mách anh Cấn đấy". Đoài bảo: "Đây chẳng sợ". Nói rồi xán lại, hôn chút lên má Sinh. Sinh đẩy ra, Đoài hổn hển: "Tôi nói trước, thế nào tôi cũng ngủ được với Sinh một lần". Nói xong đi ra, Sinh bật khóc.


Cấn đi vào, thấy mắt vợ đỏ hoe, hỏi: "Sao thế?" Sinh bảo: "Tại cái bếp nhà mình khốn nạn quá." Cấn bảo: "Cô cho mấy ấm nước lên đi, trên nhà hết cả nước sôi". Sinh bảo: "Tôi có ba đầu sáu tay đâu?" Cấn trừng mắt: "Nói năng thế à? Nhà này không có lệ thế! Mấy cái bát này sao chưa rửa?" Nói rồi, xô chồng bát, đi ra. Chồng bát vỡ. Sinh khóc òa lên. Ăn đợt đầu ba mâm. Ăn xong khách ra về. Lại ăn đợt sau hai mâm. Lúc ấy cũng hơn hai giờ chiều. Đang ăn, Khiêm đi làm về, lầm lầm lì lì chẳng chào hỏi ai. Khảm bảo: "Anh Khiêm ngồi cùng mâm với chúng em cho vui". Hai cô My Lan, Mỹ Trinh cũng ríu rít mời. Cả mâm chống đũa chờ.


Lão Kiền say rượu, nằm ngủ lơ mơ trên giường, nước dãi đọng trên chiếu. Đoài chào mọi người để đưa ông Vỹ ra bến ô tô cho kịp chuyến xe Phúc Yên buổi chiều. Khiêm hỏi: "Thằng Tốn đâu?" Khảm bảo: "Nó loanh quanh đâu đấy, anh ra ăn cơm, chúng em chờ". Khiêm bảo: "Cứ ăn đi". Khảm bảo: "Ta ăn thôi. Ông ấy khó tính bỏ mẹ". Cô Mỹ Trinh bảo: "Anh ấy trông như Tácdăng". 


Khiêm xuống bếp hỏi Sinh: "Thằng Tốn đâu?" Sinh bảo: "Tôi bận bịu từ tờ mờ sáng cũng quên khuấy. Không biết chú ấy đâu?" Khiêm vứt vào chạn bát một bao tải nặng. Sinh hỏi: "Lại lòng à?" Khiêm không trả lời, đi lên nhà, ngó vào buồng Sinh thấy Cấn đang ngáy khò khò. Khiêm xô cửa bước vào hỏi Cấn: "Thằng Tốn đâu?" Cấn ngồi dậy hỏi: "Mấy giờ rồi?"


Khiêm hỏi: "Thằng Tốn đâu?" Cấn bảo: 'Nhà có việc, để nó ra vào bất tiện. Tôi nhốt nó trong cái buồng ở cạnh nhà xí". Khiêm cầm cái gạt tàn thuốc lá trên bàn ném vào mặt Cấn. Cấn kêu "ối" một tiếng rồi ngã lăn ra. Khiêm xô vào đạp túi bụi. Khảm chạy vào đẩy Khiêm ra. Sinh chạy lên hốt hoảng nói: "Sao lại thế?" Khiêm gạt Sinh ra.


Căn phòng cạnh nhà xí trước là chuồng lợn, nay để than củi. Cánh cửa bằng gỗ thùng đóng ghép. Có ai mới làm thêm chiếc khóa bên ngoài, hôm qua chưa có. Khiêm giật khóa, không được. Khiêm cầm xà beng phá khóa. Cửa mở ra. Tốn chân tay mặt mũi đen nhẻm đang nhe răng cười. Khiêm quát: "Đi ra". Tốn lết đôi chân què đi lên nhà. Thấy nhà bẩn, nó xách ngay cái xô nước với tấm giẻ lau. 


Mấy người bạn của Khảm chào lí nhí rồi về, Khảm dắt xe ra theo. Trước khi đi, Khảm rút vội mấy điếu thuốc lá trên bàn cho vào túi áo. Lão Kiền tỉnh rượu, thấy nhà vắng tanh, hỏi: "Chúng mày đâu cả?" Sinh lấy miến cho Tốn ăn. Tốn đói, ăn ba bốn bát liền, sợi miến lòng thòn vương ra đất. Khiêm dắt xe ra cửa, không ăn uống gì. Cấn ôm ngực ho sù sụ, nhổ ra một chiếc răng gãy, máu dây bên khóe mép. Cấn giơ nắm đấm trước mặt bố, bảo rằng: "Ông liệu tống thằng ấy ra khỏi nhà này, không tôi giết nó". Lão Kiền bảo: "Chúng mày cứ giết nhau đi, tao càng mừng". Nói rồi cầm chiếc khóa hỏng trên tay, lẩm bẩm: "Mất cả sáng lắp được chiếc khóa. Thế là toi trăm bạc".



IV. Buổi chiều


Sinh rửa mâm bát xong thì ba giờ chiều. Sinh lên buồng lấy quần áo tắm. Bỗng Sinh hốt hoảng gọi Cấn. Cấn hỏi: "Cái gì? Sinh bảo: "Buổi sáng, tôi bỏ cái nhẫn vào hộp kim chỉ, anh có cầm không?" Cấn bảo: "Không". 


Sinh hỏi: "Có ai vào buồng này?" Cấn bảo: "Không". Đoài dắt xe về nhà, thấy đồ đạc lung tung hỏi: "Chuyện gì thế?" Cấn cau có: "Chú có vào trong buồng này không?" Đoài bảo: "Không". Cấn bảo: "Chị Sinh mất cái nhẫn". Đoài bảo: "Hỏi bố xem". Lão Kiền chửi: "Mẹ cha mày. Thế mày nghi tao lấy cắp chứ gì?" Đoài im, nghĩ một lát rồi bảo: "Buổi sáng thằng Khảm với ba đứa bạn ngồi trong phòng này. Tôi ngờ cái thằng đeo kính, môi đỏ như son. Mắt nó rất gian".


Vừa may lúc Khảm về. Cấn bảo: "Thằng bạn mày lấy cắp nhẫn của chị Sinh". Khảm tái mặt hỏi: "Ai bảo thế?" Cấn bảo: "Mắt tao trông thấy". Khảm bảo: "Sao không bắt ngay? Vừa rồi đi chơi nó cứ nằng nặc đòi về. Phải đến nhà nó mà đòi. Không trả thì đánh bỏ mẹ nó đi". Cấn bảo: "Tao đi với mày". Hai người dắt xe đi. Lão Kiền bảo: "Mang theo cái búa! Đừng đánh vào đầu. Nó chết thì tù mọt gông". Đoài lên giường giở báo ra đọc. Sinh dọn dẹp một lúc rồi xuống đi tắm. Sinh xách hai xô nước vào trong buồng tắm, khép cửa lại. 


Lão Kiền loay hoay dưới bếp, nghe tiếng dội nước ở trong buồng tắm, thở dài, bỏ lên nhà. Đi vài bước, lão Kiền quay lại, vào trong bếp, bắc chiếc ghế đẩu, trèo lên nín thở ngó sang buồng tắm. Trong buồng tắm, Sinh đứng khỏa thân. 


Đoài đang lim dim ngủ, thấy Tốn giật áo ngồi dậy hỏi: "Cái gì?" Tốn xua tay, dắt Đoài xuống bếp, chỉ lão Kiền đang đứng kiễng chân ở trên ghế đẩu. Đoài cau mặt tát Tốn rất đau. Tốn ngã vập mặt xuống cái xô đựng nước, trên có tấm giẻ lau. Lão Kiền vội tụt xuống ghế, nép ở cánh cửa, lát sau chạy ra hỏi: "Sao đánh nó?" Đoài bảo: "Nó vô giáo dục thì đánh". Lão Kiền chửi: "Thế mày có giáo dục à?" Đoài nghiến răng nói khẽ: "Tôi cũng vô giáo dục nhưng không nhìn trộm phụ nữ cởi truồng". Lão Kiền im. 


Đoài lên nhà, rót rượu uống. Lão Kiền đỡ Tốn dậy. Tốn xách xô nước, ngồi thụp xuống lau nhà. Lão Kiền đi lên bảo Đoài: "Rót tao một cốc. Uống cạn cốc rượu lão Kiền bảo: "Mày có học mà tệ. Bây giờ tao nói chuyện đàn ông với mày". Đoài bảo: "Tôi không tha thứ đâu". Lão Kiền bảo: "Tao chẳng cần. Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b..." Đoài ngồi im, uống thêm một cốc rượu nữa, rồi bỗng thở dài: "Kể cũng phải". Lão Kiền bảo: "Làm người nhục lắm". Đoài hỏi: "Thế sao không lấy vợ lẽ?" Lão Kiền chửi: "Mẹ cha mày, tao chỉ nghĩ thân tao, thì lũ chúng mày được thế này à?" Đoài rót ra một cốc rượu nữa, tần ngần: "Bố uống rượu nữa không?" Lão Kiền quay mặt về phía bóng tối, lắc đầu. Đoài nói: "Con xin lỗi bố". Lão Kiền bảo: "Bây giờ mày như đào kép diễn trên tivi". 


Tốn lau nhà, thấy cái nhẫn rơi dưới gầm tủ bèn đưa cho Sinh. Sinh mừng quá. Đoài cầm chiếc nhẫn soi ra ánh đèn, bảo: "Được độ nửa chỉ là cùng". Sinh bảo: "Đây là của hồi môn mẹ tôi dành dụm vất vả cả đời người đấy". Lão Kiền bảo: "Chết thật, chỉ sợ thằng Cấn gây sự với nhà người ta thì xấu cả mặt". Chập tối, Cấn với Khảm về. Cả hai trông như hai thằng móc dưới cống lên, nhếch nhác bẩn thỉu. Đoài cười: "Chắc ăn đòn hả?" Cấn không trả lời. Khảm bảo: "Nhà ấy nuôi hai con chó bécgiê không sao vào được". Đoài bảo: "Cho chết, ai bắt chưa chi đã định giở thói côn đồ. Lão Kiền bảo: "Tìm thấy nhẫn rồi. Cấn hỏi: "Ở đâu?" Lão Kiền bảo. "Vợ mày giấu trong cặp quần chứ đâu". Cấn bảo: "Đồ khốn nạn". Nói rồi tát Sinh một cái nảy đom đóm mắt. Cấn định đánh thêm, Đoài xô Cấn ra, đứng chắn ở trước mặt Sinh, tay cầm con dao lăm lăm rít khẽ: "Cút đi! Anh mà đụng vào cô ấy là tôi chém liền!" Sinh úp mặt vào thành giường, khóc nức nở: "Trời ơi... Sao cái thân tôi nhục nhã thế này?"


Lão Kiền hỏi Khảm: "Có mang búa về không?" Khảm cáu : "Tí nữa mất mạng với hai con chó bécgiê còn búa với lại kìm gì?" Lão Kiền bảo: "Thế lại toi trăm bạc".



V. Ngày tết


Thấm thoắt đến Tết. Rằm tháng Chạp, lão Kiền đi ngân hàng rút lãi tiết kiệm được tám nghìn đồng. Lão Kiền mua cho Tốn cái áo sơ mi, mua cho Sinh đôi bít tất, còn lại tiền đưa cả cho Cấn. Khảm bảo: "Bố chỉ quý con dâu, con út".


Khiêm phải theo xe đi các tỉnh mua lợn, vắng nhà mấy ngày liền. Công việc chắc vất vả , hôm nào Khiêm cũng đi làm từ mười một giờ đêm đến trưa hôm sau mới về, người toàn mùi phân lợn. Về nhà vật ra ngủ liền, thế mà mắt cứ lõm sâu vào, vằn tia máu đỏ.


Cấn cũng đông khách. Từ sáu giờ sáng đến mười giờ đêm lúc nào cũng có người chờ cắt tóc. Buổi trưa Cấn ngủ, Khảm ra cắt tóc thay anh. Hôm đầu chưa quen, Khảm cắt phải tai một ông khảch làm chảy máu. Ông này tức, tiền cắt tóc hết bảy mươi đồng chỉ trả có hai mươi đồng. Cấn lấy bút chì ghi tiền làm được hàng ngày vào một cuốn sổ, một trăm đồng thì ghi dấu cộng, hai trăm đồng dấu khuyên tròn, lại vẽ những hình tam giác trong chấm một cái chẳng biết là ký hiệu gì. Đoài bảo: "Sổ sách kế toán của ông này thật như gián điệp". Ngày 23 tháng Chạp ăn Tết ông Táo lên trời. Sinh nấu miến, mọi người ăn no căng bụng. Khảm hỏi : "Sao gọi là ông Táo?" Đoài bảo: "Chuyện thế này. Ông Táo là ba ông đầu rau. Ngày xưa có hai anh em cùng lấy một vợ. Người này một hôm ngủ với anh, một hôm ngủ với em . Khi họ chết, Ngọc Hoàng cảm động mối tình khăng khít của họ, biến mỗi người thành một ông đầu rau để lúc nào cũng gần gặn. Ta gọi là thần Bếp, hay ông Táo."


Sinh bưng mâm xuống bếp. Khảm bảo : "Ngày xưa được phong thần dễ nhỉ?" Lão Kiền bảo : "Đừng nghe nó". Đoài bảo: "Lại có chuyện thế này. Nhà kia có cô con dâu, bố chồng bóp vú cô ta. Đứa con trai hỏi: " Sao ông bóp vú vợ tôi?" Ông bố bảo : "Để trừ nợ. Thế hồi xưa sao mày bóp vú vợ tao? Nghe nói những người này cũng được phong thần". Cấn bảo: "Chuyện của chú, tôi chẳng hiểu gì" . Lão Kiền bảo: Đừng nghe nó".


Ngày 27, lão Kiền gói bánh chưng. Gói một yến rưỡi nếp, được hăm tám chiếc bánh. Bánh có hai loại, loại nhân đỗ, loại nhân đường, loại nhân đường đánh dấu bằng sợi lạt nhuộm phẩm đỏ. 


Sinh luộc bánh chưng. Đoài quanh quẩn ở bếp. Đoài hỏi : "Sinh biết nhà này tương lai thuộc về ai không?" Sinh bảo: "Không". Đoài cười: "Về tôi". Sinh hỏi: "Sao thế ?" Đoài bảo: "Bố già bố chết. Thằng Khiêm trước sau cũng vào tù. Thằng Khảm ra trường không đi Tây Bắc thì cũng Tây Nguyên. Thằng Tốn không nói làm gì, vô tích sự". Sinh hỏi: "Thế còn anh Cấn?" Đoài bảo: "Phụ thuộc vào Sinh. Nến Sinh yêu tôi, tôi sẽ gây sự tống cổ ra đường". Sinh bảo: "Dễ thế?" Đoài bảo: "Sinh còn quyến luyến cái gì? Lão Cấn vừa ngu vừa hèn, lại yếu, bác sĩ bảo bị lãnh tinh, lấy Sinh hai năm mà có con cái gì đâu?" Sinh ngồi yên, nồi bánh chưng sôi sùng sục. 


Đoài bảo: "Tối nay tôi vào buồng Sinh nhé!" 


Sinh vớ con dao, nói khẽ: "Cút đi. Anh đến gần đây là tôi giết đấy!" Đoài cười nhạt, đi giật lùi, bỏ lên nhà, vừa đi vừa lẩm bẩm: "Đàn bà là giống ác quỷ". 


Hai chín Tết, lão Kiền đi chợ mua về một cành hoa đào. Đến chiều ba mươi, Khiêm mang về một chậu quất to ba tầng quả với bánh pháo cối dài sáu mét. Khảm bảo: "Chơi sang quá đấy." Đoài bảo: "Nó cậy lắm tiền". Khảm bảo: "Hai anh em mình mang tiếng có học mà Tết nhất đến, một bộ quần áo hẳn hoi không có". Đoài bảo: "Chỉ có con đường lấy vợ giàu thôi. Tối nay mày đưa tao đến con ông ánh sáng ban ngày đấy nhé". Khảm bảo: "Được thôi. Nếu anh tán được thưởng em cái gì? Đoài bảo: "Thưởng cái đồng hồ". Khảm bảo: "Được rồi. Anh ghi cho em mấy chữ làm bằng". Đoài hỏi: "Không tin tao à?" Khảm bảo: "Không". Đoài ghi vào giấy: "Ngủ được với Mỹ Trinh, thưởng một đồng hồ trị giá ba nghìn dồng. Lấy Mỹ Trinh, thưởng 5% của hồi môn. Ngày... tháng... năm... Nguyễn Sĩ Đoài". Khảm cười cất mảnh giấy vào túi rồi nói: "Cám ơn".


Khảm bảo: "Hôm qua em nghe anh Khiêm kể chuyện, thế là đến tối gặp phải giấc mơ kinh quá". Đoài hỏi: "Chuyện gì?" Khảm bảo: "Anh Khiêm kể về công việc giết lợn. Hai tay cầm hai cực điện dí vào thái dương từng con. "Éc" phát là chết. Bị mất điện, anh Khiêm phải dùng xà beng quật vào gáy lợn. Gặp con lợn khỏe, quật chục cái không chết, gáy toét cả ra, buồn ngủ quá, anh Khiêm quật cả vào chân. Một ca anh Khiêm giết được hơn nghìn con lợn, được khen thưởng". Đoài hỏi: "Thế giấc mơ gì?" Khảm bảo: "Em mơ thấy đi giết lợn, giết mãi không chết, con lợn cứ nhe răng cười, thế là bị đuổi đi dọn cả một bể cứt. Bể cứt xây xi măng, kích thước 10 x 6 x 1,5 mét, dung tích 90 khối. Mưa bão đến, bể cứt trôi phăng phăng, em ngập trong ấy, cứt vào cả mồm, cả lỗ tai". Đoài bảo: "Giấc mơ tốt đấy còn công việc để ý làm gì. Mà y chơi xổ số đi, thế nào cũng trúng. Các cụ bảo giẫm vào cứt là có lộc về. Mày chìm cả người trong bể cứt, có khi mày trúng xổ số độc đắc cũng nên". Khảm bảo: "Ừ nhỉ. Anh không nói thì em không biết". Nói rồi hớn hở chạy ra phố.


Lúc giao thừa, ở nhà khi ấy chỉ có Khiêm, Tốn với Sinh. Ông bà Hiển cho con rể đi xe máy xuống mời lão Kiền với Cấn lên phố chơi từ chập tối, chắc uống rượu say chưa về được. Đoài với Khảm dẫn hai cô Mỹ Trinh và My Lan đi chùa Ngọc Sơn hái lộc.


Khiêm bày lên bàn thờ con gà mái tơ Sinh luộc từ chiều, mỏ ngậm một bông hoa hồng. Lại mở hộp mứt, lấy rượu rót ra ba cốc, pha một ấm chè, bày cả lên đấy. Khiêm bảo: "Chị Sinh ra lễ". Sinh thoa tí son, mặc quần côn, áo len dài bên trong, bên ngoài khoác áo len cộc đan kiểu gilê, không cài khuy, cổ choàng một chiếc voan mỏng màu hoàng yến, trông khác hẳn ngày thường vẫn mặc bộ đồ trong nhà. Sinh bảo: "Chú lễ đi. Tôi đàn bà con gái biết khấn thế nào". Khiêm bảo: "Chị là bề trên, chị cứ vái ba vái trước còn đâu tôi khấn". Sinh bảo: "Cũng được". Nói rồi ra trước bàn thờ vái ba vái, đứng lẩm nhẩm một lúc, lại vái ba vái nữa, không phải là người không biết nghi thức. 


Khiêm bảo Tốn: "Tao treo bánh pháo ở cửa, lúc nào tao khấn xong thì châm lửa đốt". Nói rồi châm điếu thuốc đầu lọc cắm vào miệng Tốn. Khiêm bảo: " Cầm điếu thuốc dí thế này này". Tốn gật đầu.


Khiêm vái ba vái, nói: " Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm thứ..." Tốn đốt pháo. Cả ba nét mặt rạng rỡ. Trời đất giao hòa, lòng người cảm động.


Khiêm bảo: "Năm mới, chúc chị Sinh sức khỏe, may mắn. Mừng tuổi chị một nghìn, chị cầm lấy để cho có lộc". Sinh rớm nước mắt: Cho tôi nhiều thế Tôi cũng chúc chú mạnh khỏe, bằng năm bằng mười năm ngoái. Anh Cấn giữ hết cả tiền, tôi chẳng có gì mừng tuổi cho chú. Chị mừng tuổi Tốn một trăm. Đây là lộc của chú Khiêm". Tốn cầm tiền giơ lên ánh đèn, hỏi: "Tiền à?" Khiêm bảo: "Ừ" Tốn hỏi: "Tiền là gì?" Khiêm bảo: "Là vua".


Một giờ sáng lão Kiền với Cấn về. Một lúc sau, Đoài với Khảm cũng về. Cả nhà ngồi ăn uống đến ba giờ, chợp mắt được nửa tiếng, lại lục đục dậy làm cỗ, khấn vái qua loa, lại ăn uống. Đến tám giờ, lão Kiền bảo: "Tao đi chúc Tết hàng xóm, vợ chồng thằng Cấn đi theo tao. Khiêm ơi, mày cho bố ít tiền để đi mừng tuổi".


Lão Kiền và vợ chồng Cấn đi chúc Tết. Lão Kiền mặc quần bảo hộ lao động, áo dạ len, đội mũ len trùm đầu. Cấn mặc bộ quần áo may kiểu quân phục cấp úy, bộ quần áo này mua trên chợ Giời, có một vết thủng ở ống tay áo do tàn thuốc rơi vào. Sinh mặc quần bò nhung, áo lông Đức. Khảm bảo: "Chị Sinh trông như Hoàng hậu". 


Nhà hàng xóm sang chúc Tết, Đoài ra tiếp. Chúc mừng xong xuôi ngồi uống nước nói chuyện phiếm. Đoài bảo: "Xin lỗi bác, cháu chẳng biết nhà bác có bao nhiêu người, tên là gì? " Ông hàng xóm cười: "Thì tôi cũng thế". Đoài bảo: "Ngày xưa bọn ăn trộm có luật chia ra bốn loại mà chúng không lấy: một là nhà hàng xóm, hai là nhà bạn bè, ba là nhà đang có chuyện buồn, bốn là nhà đang có chuyện vui. Cứ thế này, cháu đi ăn trộm, lơ mơ phạm luật". Ông hàng xóm cười: "Thì các con tôi cũng thế". Uống nước xong, mọi người ra về. Đứa con ông hàng xóm bảo: "Cái tay Đoài có học mà ăn nói linh tinh". Ông hàng xóm bảo: "Loạn". 


Ba ngày Tết trôi qua, lòng đường đầy xác pháo. Ai cũng có cảm giác ngày Tết trôi nhanh! Ngày nào mà chẳng trôi nhanh, hở giời?



VI. Buổi tối


Cuối tháng ba, Sinh tắt kinh, thèm ăn của chua, thỉnh thoảng lại nôn oẹ, người cứng đơ, triệu chứng có thai.


Tháng năm xảy ra việc lão Kiền ốm, đầu tiên tưởng nhẹ, ai ngờ cứ nặng dần. Đầu tiên lão Kiền chỉ hoa mắt, nhìn một hóa hai, cửa không đi cứ đâm sầm vào tường. Cả nhà lo sợ, đưa đi bệnh viện Tây y. Bác sĩ chẩn đoán rối loạn chức năng thần kinh, cho uống B6. Bác sĩ bảo: "Đây này, dây thần kinh thế này, hai dây chập vào nhau, thế là trông một thành hai, trông gà hóa cuốc." Cấn hỏi: "Thưa bác sĩ, vậy làm thế nào?" Bác sĩ bảo: "Y học đang nghiên cứu". Nằm một tuần, mắt lão Kiền mờ đi. Đoài bảo: "Tôi ngờ đoán nhầm bệnh" Đoài sang nhờ người quen ở bệnh viện Đông y. Người này bảo: "Tây y ra quái gì. Chú về đưa ông cụ đến đây". Đoài về, xin cho lão Kiền chuyển viện. Bác sĩ bảo: "Đi là không trở lại đâu nhé."


Lão Kiền điều trị Đông y, không khỏi, người rạc đi, đầu đau nhức. Đến tháng mười phát hiện tháy có u não. Bác sĩ bảo: "Để thì chết, mổ may ra cứu được". Cấn về họp gia đình, Cấn bảo: "Làm thế nào? Từ khi bố ốm nhà mình tiêu nhiều tiền lắm. Cấn giở quyển sổ kế toán ra đọc: "Chú Khiêm đưa một lần một nghìn, một lần tám nghìn, một lần năm nghìn. Chú Đoài đưa một lần một trăm, một lần sáu chục, một lần một nghìn mốt. Chú Khảm đưa một lần ba trăm nhưng hôm tôi đưa một nghìn đi lấy thuốc ông lang Toại, chú Khảm mua hết có năm trăm, còn năm trăm vẫn cầm. Tiền thức ăn thế này... thế này... Ai chi gì tôi ghi cả". 


Đoài bảo: "Tôi nghĩ bố già rồi, mổ cũng thế, cứ để chết là hơn". Tốn khóc hu hu. Cấn hỏi: "Ý chú Khảm thế nào?" Khảm bảo: "Các anh thế nào thì em thế". Cấn hỏi: "Chú Khiêm sao im thế?" Khiêm hỏi: "Anh định thế nào?" Cấn bảo: "Tôi đang nghĩ." Đoài bảo: "Mất thì giờ bỏ mẹ. Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé".


Hôm lão Kiền mổ não, trừ Sinh với Tốn, mấy anh em đều kéo nhau lên bệnh viện. Ca mổ kéo dàì bốn mươi hai phút. Ngồi ngoài phòng chờ, Đoài bảo Khảm: "Ông cụ không viết di chúc mới gay, sau này tài sản biết chia thế nào?" Khảm bảo: "Lão Cấn tham lắm, anh em mình rồi ra đường thôi". Đoài bảo: "Sang năm tao cưới Mỹ Trinh, ông ánh sáng ban ngày hứa cho một cây. Mày bảo một cây mua nổi nhà không? Khảm bảo: "Vào tay em, em nhân nó lên vài cây ngay". Đoài bảo: "Có năng khiếu kinh doanh thích thật, còn các năng khiếu như văn chương, nghệ thuật, v. v... đều vô dụng cả." 


Cấn vào gặp bác sĩ. Một lúc sau đi ra lắc đầu: "Bác sĩ bảo khoảng một tháng nữa thì đưa bố về". Hôm đưa lão Kiền về, lão Kiền đầu quấn băng, hỏi gì cũng không nói, mắt lờ đờ. Vào trong nhà, Sinh tháo gỡ băng ra. Đầu lão Kiền trọc lốc, nổi lện một khối u to như. quả trứng gà. Nửa tháng sau, khối u này to bằng nửa quả bưởi, lấy ngón tay ấn vào thấy như có chứa bã dậu ở trong, ấn mạnh thì lõm sâu, ấn nhẹ thì lõm ít. Sinh phục vụ, săn sóc, rất khổ sở.


Khảm hỏi Đoài: "Bệnh này có lây không?" Đoài bảo: "Có kiêng có lành. Tao khuyên mày cẩn thận. Vợ chồng lão Cấn còn có tiền. Thằng Khiêm còn có tiền. Tao với mày lỡ bệnh, tiền đâu mà chữa?" ít lâu sau, lão Kiền mê sảng, cứ rên rỉ: "Cho tôi chết đi, đau đớn lắm". Không khí trong nhà u ám, ai cũng buồn rầu. Đến ngay Tốn cũng bỏ lau nhà, suốt ngày ngồi thu lu trong cái buồng vẫn để than củi cạnh nhà xí.


Bà Hiển trên phố xuống, thấy anh mình vật vã đau đớn, khóc: "Anh ơi, tiền oan nghiệp chướng gì mà anh chết khổ, chết sở thế này". Bà Hiển bảo: "Chúng mày xem thế nào chứ? Để thế này à?" Cấn bảo: "Cô bảo làm thế nào nữa?" Bà Hiển bảo. "Cô có người bạn, bà ấy có bài kinh Vô thường, bây giờ xin chép về đọc, may ra ông ấy sẽ đi yên ổn". Đoài bảo: "Lại thế nữa".


Bà Hiển bắt Khiêm đèo lên phố, đến nhà bà bạn để chép kinh Vô thường. Khiêm mang về bảo Đoài: "Anh giỏi chữ, anh đọc đi". Đoài cầm tờ giấy, xoay ngang xoay dọc rồi lắc đầu: "Chữ nghĩa chú viết thế này thì tôi xin chịu, thật quá sổ sách kế toán ông Cấn". 


Khiêm vào đọc kinh. Lúc ấy là chập tối. Bà Hiển thắp hương ngồi cạnh. Lão Kiền lúc đầu vật vã, rồi nằm yên. Mười một giờ đêm, mọi người đi ngủ. Khiêm vẫn ngồi đọc. Đọc đi rồi lại đọc lại. Đại ý bài kinh xin đức Phật giải tội cho người sắp chết, để nghiệp chướng cho người sống chịu, lời lẽ khó hiểu. Suốt đêm Khiêm ngồi đọc, lạc cả giọng. Đến bốn giờ sáng hôm sau, lão Kiền tắt thở, trên môi thấp thoáng nụ cười, trông rất hiền lành, trung hậu. Khiêm vuốt mắt bố rồi vào gọi Cấn. Cả nhà dậy. Đoài bảo: "Ông cụ đi rồi. Thật may quá. Bây giờ tôi đi mua quan tài".



VII. Ngày thường


Sau hôm giỗ lão Kiền một trăm ngày, Sinh đẻ con gái. Đón Sinh về, mọi người làm tiệc mừng. Cấn với Khảm đi chợ. Khiêm nấu nướng. Đoài với Tốn dọn nhà. Hai cô My Lan và Mỹ Trinh đến dự, mua cả hoa. 


Vào tiệc, mọi người để Sinh ngồi giữa, hai cô My Lan và Mỹ Trinh ngồi hai bên. Sinh đẹp lộng ìẫy Đoài rót rượu ra cốc, đứng lên nói: "Cốc rượu này tôi dâng cuộc sống. Rượu vừa ngọt vừa cay. Ai chấp nhận cuộc snng thì cầm lên cho. Cuộc sống dù khỉ gió nhưng đẹp tuyệt vời. Vì đứa trẻ mới sinh ra kia, vì tương lai của nó". Mọi người nâng cốc, Đoài bảo: "Khoan đã. Nhưng nó tên gì nhỉ?" Mọi người cười. Cùng uống rượu vui, Khiêm bảo: "Chị Sinh ơi về làm dâu họ Sĩ nhà này chị có khổ không?" Khảm bảo: "Chị phải nói thế nào cho hai cô My Lan, Mỹ Trinh khỏi sợ". Sinh cười: "Cứ thế này thì không thấy khổ". Cấn hỏi: "Thế ngày thường thì thấy khổ à?" Sinh bảo: "Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm". Tốn mỉm cười ngô nghê nhắc lại: "Thương lắm!" 


Người đưa thư qua cửa ngó vào: "Nhà 129 phải không? Có điện đấy". Cấn ra nhận điện, bảo: "Cậu Vỹ ở Phúc Yên mất lúc tám giờ sáng hêm qua". Đoài bảo: "Cứ gác lại đã. Các bác già chết đi có gì là lạ? Tiếp tục cuộc vui đi. Nào, xin mời chư tướng!"


Hết




Nước mắt & phim ảnh

 Ghét nước mắt. Càng ghét hơn nước mắt giả dối. Nên, rất ghét nước mắt trên phim ảnh.

Phim vn quá nhiều nước mắt. Và, theo thời gian, càng ngày càng giả dối.

Phim vn thời nay mặc định hài (kể cả khi đó không phải là ý định của cả ê-kíp làm phim). Thậm chí, hài nhảm. Càng đảm bảo hơn khi đạo diễn kiêm diễn viên chính là TT.

Vậy mà, cứ nghe mọi người "khen" bộ phim đang ăn khách Bg lấy nước mắt khán giả thì ... thật là hehe ngại quá ...

Nàng và không chỉ nàng

Là người yêu ghét rõ ràng

Thì anh chẳng thể có nàng được đâu

Vì nàng đáng yêu lúc đầu
Về sau đáng ghét anh hầu ra sao
Anh ra kéo nàng ra bao
Vậy anh rửa bát làm sao thế này
Anh ra búa nàng ra tay
Khiến cho nhiều vật thể bay trong nhà
Nguyễn Thế Hoàng Linh

Nói lái

 Khoá học online = Khoá hại ong non

(Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Online offline


 

Khung cửa kính nhìn ra khoảng vườn. Nhiều hôm ngủ trưa nghe cứ như có ai đang gõ cửa. Một chú chim nhỏ lao vào kính dường nhầm lối vào nhà. Nhưng chắc không, hẳn chú ta chỉ bị lẫn lộn ảo ảnh vì hình phản chiếu trong gương.

Vật liệu kính, là một thứ giúp con người "thủ dâm" thị giác, nhưng lại đánh mất hoàn toàn một giác quan khác, ấy là xúc giác. Để đến nỗi phải sống cùng "hiệu ứng nhà kính".

Cùng một lối như say sưa online với tận đẩu tận đâu mà lạnh lùng offline với người ngay cạnh. Tuy xa tưởng gần mà thực là gần hoá xa vậy.

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Đam mỹ

 Sống ở xứ Quảng Nôm hay nói lái, nên khi nghe thấy từ "đam mỹ" thì lại nghĩ đến "đĩ nam" hehe.

Nói giỡn, nhỡ các cháu nhỏ nghe được cũng hơi bất nhẫn.

Nghĩ cho cùng, đẹp và thích đẹp, có hại gì?

Vô sự & tuổi thọ

 Vô sự thử tĩnh toạ

Nhất nhật như lưỡng nhật

Nhược hoạt thất thập niên

Tiện thị bách tứ thập

Tô Đông Pha

Rảnh việc ngồi nghỉ chơi, một ngày dài bằng hai, nếu sống bảy mươi tuổi, khác gì trăm bốn mươi.



 

 Vô sự thử tĩnh ngoạ

Ngoạ khởi nhật tương ngọ

Nhược hoạt thất thập niên

Chỉ toán tam thập ngũ

Lý Doanh

Rảnh việc nằm ngủ chơi, ngủ dậy hết nửa ngày, nếu sống bảy mươi tuổi, xem như chỉ ba lăm.

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Ngày gì

 Ngày gì mà giữa mùa COVID dân tộc anh hùng đổ xô đi buôn thần bán thánh ở chốn gọi là "chùa" của Phật quốc doanh thế nhỉ?

LONDON BOYS


Có bạn bình luận sau khi xem clip này, rằng nó làm cho bạn muốn nhảy (dance) ngay cả khi bạn chưa từng nhảy bao giờ.

Lão không biết về band nhạc này ở cái "thời" của lão, mặc dù họ hoạt động chính ở cái thời đó (1986 - 1996).

Tò mò tìm hiểu thì được biết 2 chàng trai sinh cùng năm 1959, và ... chết thậm chí cùng ngày, 21 Jan 1996. Quá trẻ, và đầy sức sống.

Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

Bình thơ

 Viên Mai bình thơ:


Mạc bằng vô quỷ luận

Chung phụ thác cô tâm

đau đớn


Thăng trầm các hạ ý

Thuỳ đạo tại thương thương

cứng rắn


Tri thân mỗi tương kiến

Đa tại tướng môn tiền

mỉa mai, khinh bạc



Lãng mạn

 Tướng sắp xuất binh, khi được hỏi trên chiếu rượu bèn ngâm 2 câu thơ:

Quy lai bất nguyện phong hầu ấn

Chỉ hướng quân vương mịch ái khanh

(Khi trở về không mong ấn phong hầu, chỉ xin nhà vua ban cho "ái khanh")

Chữ nghĩa thơ văn đến như Tuỳ Viên cũng bình là chưa rõ ý, còn nói rằng không ai biết dùng điển tích gì.


Nhưng, có vẻ là xin một người đẹp nào đó thay cho mọi chức tước? Tướng đánh trận mà như vậy, không lãng mạn sao?

Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

Đại biểu

 Một đại biểu quốc hội (trẻ), sau những phát biểu "làm nóng nghị trường" khoá vừa rồi, sẽ không "ứng cử" (ứng cử kiểu vn) khoá tới (Whiskey Tango Foxtrot?!).

Trường hợp tích cực là, chính đại biểu đó thấy vô nghĩa. Nghĩa là "tích cực" cũng "tiêu cực" thấy mệ nội.

Còn trường hợp tiêu cực?

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

ỷ lan

 Đọc Tuỳ Viên thi thoại, nhiều lần gặp 2 chữ "ỷ lan", nghĩa là dựa ... lan can (chữ lan bộ môn, hoặc cũng viết bộ mộc). Hai chữ lan can xưa cũng có nghĩa ngang dọc, bừa bãi. Có lẽ từ nghĩa này mà xuất hiện tên gọi cái lan can (làm bằng các thanh gỗ ngang dọc).

Vấn đề là 2 chữ ỷ lan khiến ta nhớ đến một bà hoàng nổi tiếng trong sử Việt, nguyên phi Ỷ Lan. Bà này tên thật không rõ là gì, mỗi sách ghi mỗi khác, âu cũng là sự thường của sử Việt. Song các sách đều gọi bà là Ỷ Lan, với "truyền thuyết" về người con gái dựa ... cây lan (chữ lan bộ thảo).

Lão già lười trốn nơi núi cao kia rừng thẳm nọ yêu cây thích hoa nhưng thắc mắc không biết ngày ấy bà kia dựa ... cây lan gì?

!

 Ngã hữu nhất ngôn quân ưng ký

 Thế gian tự thủ khổ nhân đa

(Bạch Cư Dị)

Tôi có một câu anh nên nhớ

Tự làm mình khổ thế gian nhiều


Đối thoại

 - Cô chẳng làm điều gì sai cả!

 + Phải, nhưng cũng chẳng làm được điều gì đúng.




Hoàng gia

 Mới sáng sớm đã thấy mấy bạn "cuồng" Nữ hoàng Anh.

Nhưng không rõ lắm mấy bạn "cuồng" điều gì? Vì bà quá khôn ngoan (trong trả lời báo chí), hay vì bà quá nhân hậu?

Trường hợp thứ nhất thì chẳng khác gì "khen phò mã tốt áo". Hoàng gia, nếu tầm thường, đâu có duy trì được hàng bao nhiêu năm qua? Vả lại, dân đen mà cứ hâm mộ mấy phát ngôn khôn khéo của các chính trị gia thì chỉ trở thành giả dối mà thôi.

Trường hợp thứ hai thực chất hơn, nếu cho rằng Nữ hoàng có trái tim nhân hậu bao dung. Tiếc rằng, điều đó không dễ đánh giá như thế. Thêm vào đó, lại dễ dàng quay sang chỉ trích cặp đôi H và M.


Tất nhiên, người vn thường không biết một điều rằng, dù có sống trong một đế chế tuyệt vời đến nhường nào thì người ta vẫn không bị bắt buộc phải hạnh phúc. Tự do có cái giá của nó.

Cho nên, mọi sự ồn ào đều ẩn chứa trong lòng những đau đớn khó nói ra. Đó mới là điều đáng nói.

Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Tự kỷ

 Tri kỷ, thời chẳng cần phải bàn nữa rườm lời, cùng nói chuyện mở mang nhiều điều, mà còn đem lại niềm vui thích.

Nói chuyện với những người thông minh, dẫu chẳng vui thì cũng học được, có thể tôn làm thầy vậy.

Bạn bè, có thể mỗi người mỗi khác, tranh cãi đôi khi chẳng đi đến đâu, nhưng làm giàu cuộc sống.

Người thân, lấy chân thành làm trọng, giúp cuộc sống thêm nhẹ nhàng.


Hạng quen biết, nói khách sáo không thực lòng, cần tranh luận thường tỏ ra lầy lội, sĩ diện, hoặc lảng tránh. Đã mất thời gian thì chớ, lại rước thêm bực mình.

Con người ta, sống giữa những người thân, ngao du với bạn bè, tìm thầy theo học. Ngoài ra, nếu không gặp được tri kỷ, chẳng thà tự kỷ cho xong.

Nhạc

 Anh cựu cán bộ đoàn thanh niên, đương phạm nhân, mang tên một nốt nhạc, than phiền bản cáo trạng như một bài hát dở. Dở, vì chỉ bao gồm mỗi một nốt.

Muốn hay, chắc ý ảnh phải đưa vào tù cả một dàn giao hưởng, và chắc phải bao gồm, dĩ nhiên, nhạc trưởng?

Thơ buồn

 Bần qui cố lý sinh vô kế

Bệnh ngoạ tha hương tử diệc nan

Phóng nhãn cổ kim đa thiểu hận

Khả lân thân hậu thức Phương Can


Phương Can, có tài, lúc sống không được dùng, chết mới được truy phong. Tuỳ Viên than hổ thẹn vì cũng chỉ biết đến Phương Can sau khi đã chết.

Thông tin

 Tuy không rảnh lắm nhưng vẫn nhảm chơi.

Nhảm về chuyện thông tin.

Thông tin nói đến ở đây hôm nay là chuyện đang hót hòn họt trên mạng xã hội. Chuyện vắc-xin phòng cúm Tàu aka covid-19.

Chả là dân xứ lúa nước, tất nhiên mới chỉ những thành phần chưa hẳn đã là "dân", bắt đầu được tiêm chủng vắc-xin trong cơn đại dịch này.

Nhờ ơn, theo nền truyền thông chính thống, công ty cổ phần VNVC nhập khẩu về được hơn trăm ngàn liều đầu tiên.

Thế nhưng trên mạng lại có kẻ nói rằng, lượng vắc-xin ấy về đến được xứ lúa nước là nhờ chương trình COVAX. Theo tin trên báo chí Đức.

Báo chí Đức hiển nhiên không phải thánh, nhưng là báo chí. Xứ lúa nước, tiếc thay, không có báo chí. Cái gọi là báo chí ở xứ lúa nước chỉ là tuyên truyền, theo chính họ nhiều lần tự khẳng định, rằng nhiệm vụ của họ là "định hướng dư luận".

Không biết lần này, "hướng" mà họ muốn "định" là gì? Có vẻ, không phải COVAX?

COVAX chỉ là một chương trình của bọn "Tây", (trong đó có WHO với lại UNICEF), nhằm phân phối sao cho đồng đều lượng vắc-xin ít ỏi thế giới mới sản xuất được. Cung chưa đủ cầu.

Ai muốn nói tốt đẹp nhân đạo công bằng gì gì đó thì tuỳ, lão chỉ bảo, dịch tễ nó vậy. Anh giàu anh mạnh anh phòng anh chống bệnh cho anh, thiên hạ xung quanh chết cả anh chơi với ai?

Nhưng, ngoài phạm vi đó ra, thằng nào nó giàu nó mạnh nó có thế, chưa kể nó giỏi do nó làm ra thì tranh giành với nó cũng không phải dễ.


Nên, tin COVAX cũng được mà tin VNVC cũng xong. Tuỳ.


Thông tin ở xứ lúa nước, ngoài chuyện nói theo định hướng, còn có một sức mạnh nữa không kém phần đáng sợ, là định hướng ... không nói.

Xứ lúa nước, vốn đã triển khai việc tiêm chủng vắc-xin phòng các bệnh quen thuộc (bại liệt bạch hầu uốn ván ho gà ... và ...) một cách đại trà từ lâu. Nhưng, những ai từng có con nhỏ hầu như đều nếm đoạn trường chầu chực chờ đợi vắc-xin, sao cho đủ liều, sao cho đúng hạn.

Cho đến khi, cách đây dăm năm, xuất hiện VNVC, cam kết đúng hạn đủ liều, mới biết không phải dạng vừa đâu.

Nên, ông kễnh ông kẹ có làm được điều nọ điều kia thì không hẳn phải xoắn. Chỉ là, không lên sàn như anh Vượng chị Thảo nên bàn dân thiên hạ không biết tên biết mặt mà thôi.


Có điều, đôi khi, vẫn xoắn. Nhà nước quản lý, điều tiết, cấp phép trong lĩnh vực dược phẩm ra sao? Có hiện tượng độc quyền hay không? Rồi đánh mù sang mưa giữa "nhà nước" và "xã hội hoá"?

Ah, chuyện ... thông tin.

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Tháng 3 ngày 8

 Hôm nay ngày 9 tháng 3, chép lại bài đăng ngày 8 tháng 3. Nhà văn PTH bàn về "ngôn ngữ".


Trong vòng ba năm qua, mỗi lần thả hai chữ 'đảm đang' vào ứng dụng dịch thuật của Google tôi đều nhận được một kết quả không thay đổi, theo đó 'đảm đang' trong tiếng Anh là 'guaranteed'. Máy dịch Google mà tôi ngưỡng mộ như một đồng nghiệp lớn, tuyệt đối hào phóng, vô tư, cầu thị và ngày càng giỏi nghề, vẫn bất lực dài trước 'đảm đang', vẫn tưởng đó là một dạng 'đảm bảo'. Và như mọi trí tuệ nhân tạo, luôn tính đến mọi phương án, nó hồn nhiên gợi ý rằng có một từ khác gần với 'đảm đang' là 'dâm đãng' mà nó dịch là 'erotic'.
Bất lực là phải. 'Đảm đang' là một trong những trường hợp điển hình khi bối cảnh sinh ra một khái niệm không còn hoặc không còn thống trị và khái niệm đó sống tiếp một đời sống xã hội khác. 'Đảm đang' thuộc di sản ngôn ngữ của ông Hồ Chí Minh, cha đẻ của hàng loạt từ ngữ, khái niệm trong kho tàng tiếng Việt, tất cả đều xuất phát từ bối cảnh chính trị ở miền Bắc Việt Nam thời cộng sản và chiến tranh kề vai tri kỷ. Cụ thể, ngày 22-3-1965, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động một phong trào mang tên "Ba đảm nhiệm", gồm đảm nhiệm sản xuất và công tác, đảm nhiệm gia đình, đảm nhiệm chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhưng Hồ Chủ tịch không ưng 'đảm nhiệm' nên chuyển thành 'đảm đang' và chính thức phát động phong trào "Ba đảm đang" trong "Lời kêu gọi nhân ngày 20-7-1965". Từ đó và chỉ từ đó, phụ nữ Việt Nam được gắn với 'đảm đang'.
Các nhà nghiên cứu "Tư tưởng Hồ Chí Minh" cho rằng đó là sáng tạo ngôn ngữ độc đáo của "Bác", chỉ thay đổi một chữ mà phản ánh được đúng bản chất, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gian khó và tạo nên dấu ấn đặc biệt cho phong trào phụ nữ Việt Nam. Gò ép như thế dĩ nhiên là vô nghĩa, 'đảm đang' chẳng qua là cách phát âm khác của 'đảm đương', mà cả 'đảm đương' lẫn 'đảm nhiệm' đều không bị một giới tính nào ràng buộc. Nhưng ông Hồ quả nhiên nhạy về âm vần và là một nhà tuyên truyền cự phách: "Phụ nữ Việt Nam trung hậu đảm đang" dễ lan tỏa hơn "Phụ nữ Việt Nam trung hậu đảm đương", và hơn đứt "Phụ nữ Việt Nam trung hậu đảm nhiệm". Đồng thời, ông biến động từ 'đảm đương' thành tính từ 'đảm đang', một pha hãn hữu trong tiếng Việt vốn không có biến cách. Đến đây thì đồng nghiệp Google đáng kính của tôi chịu thua. Làm sao có thể dịch "đường cày đảm đang"? May là "đường đạn đảm đang" không thấy xuất hiện ở thời "vững tay cày, hay tay súng" đó.
Sau một nửa thế kỷ, ba đảm đang rút lại còn một, chỉ còn là gánh vác việc nhà, rồi một lúc nào đó rút hẳn vào bếp. Các trường mở khóa học nấu ăn "Nàng dâu đảm đang". Các cửa hàng khuyến mại "Ngày thứ Năm đảm đang" hạ giá xoong nồi và máy làm bếp. Thương hiệu Đảm Đang bán muối ớt, muối tôm, bánh tráng. Các ngôi sao đảm đang khoe tài – và quan trọng hơn: khoe đam mê nấu nướng – lăn vào bếp như đặc ân chỉ dành cho phụ nữ. Trẻ nhỏ sớm học bài "Bé đảm đang" phụ bếp, và chị em đảm đang chia sẻ bí quyết tôm rang hành mỡ.
Tôi không can ai nuôi chí đảm đang tôm rang hành mỡ, chỉ xin tiết lộ là trong nhà tôi, ngôi đảm đang số một hiện nay thuộc về chiếc lò hấp nướng đa năng Miele. Nàng là người mẹ, người vợ và nàng dâu lý tưởng. Sau biết bao tìm tòi hăng máu và khổ sở mệt mỏi và miệt mài học hỏi từ mọi diễn đàn nội trợ và YouTube, chưa bao giờ tôi được toại nguyện như thế với món thịt quay giòn bì do nàng Miele đảm đang thao tác, việc của tôi chỉ là vài cái chạm tay vào màn hình. Hôm nay tôi giao cho nàng nhiệm vụ nướng bánh. Bánh mỳ Việt Nam ruột xốp vỏ giòn tan. Nàng OK thật ngoan, lặng lẽ 'đảm đương', rồi một lúc nào đó khẽ khàng thưa em xong rồi ạ. Với mọi phụ nữ ở Việt Nam, những người muốn thoát khỏi cái "truyền thống đảm đang" – như nêu trên, đó chỉ là một "truyền thống" chưa đầy 56 năm – và cả những người muốn được giầm chân trong đó, rồi công nghệ sẽ đến, từng bước tiến hành công cuộc giải phóng của nó tùy trình độ tiến bộ và phát triển của xã hội. Càng nghèo khó lạc hậu, càng thủ cựu tăm tối, càng cần phụ nữ đảm đang.
8/3/2021

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

Tử hình

 Ở đời, kẻ làm chính trị, tốt thì vì lý tưởng, xấu thì vì quyền lực.

Có xứ kia xem chính trị là một nghề kiếm sống, thì chỉ có 1 đường, là biến quyền lực thành tiền bạc.

Nói thẳng là bảo kê cho tay chân.

Lối này, dù ở thể chế nào, cũng đều là phạm pháp. Nhưng, xử như thế nào thì là bản chất thể chế vậy.


Có người phát hiện ra rằng, từ đầu đợt đốt lò, đến nay có trường hợp đầu tiên "đối diện" (mới chỉ đối diện) án tử.

Nhưng vẫn chỉ là dạng tay chân chứ vẫn chưa phải cái đầu. Nghĩa là chặt tay chân chứ chưa phải tử hình thật sự.

Thanh củi chỉ mới cháy sém chứ còn lâu mới thành than ...

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

khi chẳng còn chi ở khúc quanh

ta thấy tên ta những bảng đường
đời ta, sử chép cả ngàn chương
sao không, hạt cát sông Hằng ấy
còn chứa trong lòng cả đại dương

ta thấy hình ta những miếu đền
tượng thờ nghìn bệ những công viên
sao không, khói với hương sùng kính
đều ngát thơm từ huyệt lãng quên

ta thấy muôn sao đứng kín trời
chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi
sao không, một điểm lân tinh vẫn
cháy được lên từ đáy thẳm khơi

ta thấy đường ta Chúa hiện hình
vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh
sao không, tâm thức riêng bờ cõi
địa ngục ngươi là, kẻ khác ơi !

ta thấy nơi ta trục đất ngừng
và cùng một lúc trục đời ngưng
sao không, hạt bụi trong lòng trục
cũng đủ vòng quay phải đứng dừng

ta thấy ta đêm giữa sáng ngày
ta ngày giữa tối thẳm đêm dài
sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
tự thuở chim hồng rét mướt bay

ta thấy nhân gian bỗng khóc òa
nhìn hình ta khuất bóng ta xa
sao không, huyết lệ trong trời đất
là phát sinh từ huyết lệ ta

ta thấy rèm nhung khép lại rồi
hạ màn, thế kỷ hết trò chơi
sao không, quay gót, tên hề đã
chán một trò điên diễn với người

ta thấy ta treo cổ dưới cành
rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh
sao không, sao chẳng không là vậy
khi chẳng còn chi ở khúc quanh

Mai Thảo
(Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền-1989)