Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

70

 Nhiều người quen, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, ... của lão, dịp này, đang nói với nhau về kỷ niệm ngày thành lập trường.

70 năm, không hẳn tình cờ, của cùng một lúc 2 ngôi trường cấp 3 danh tiếng đất Quảng. Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng và trường Trần Quý Cáp Hội An.

Lão, tự nhiên nghĩ bụng, nếu hợp lý, thì đâu đó trên đất Quảng, cùng thời, phải có một ngôi trường nữa, mang tên Huỳnh Thúc Kháng chứ nhỉ?


3 nhà chí sĩ lừng danh của đất Quảng. Cùng thời, và cùng là bạn bè.

Nhưng hình như không? Trường HTK ở Tiên Phước, quê hương cụ HTK, ra đời sau này.

Cụ Huỳnh, sống lâu nhất trong bộ ba, cuối đời có một thời gian ngắn làm quan với Việt minh.


Tò mò đi ngược 70 năm về trước. Hoá ra, dịp ấy, trên dải đất miền Trung, cùng lúc thành lập một loạt trường (trung học công lập), vì sự nghiệp chấn hưng nước nhà. Trường Đào Duy Từ ở Đồng hới, trường Nguyễn Hoàng ở Quảng trị, trường Phan Châu Trinh ở Đà nẵng, trường Trần Quý Cáp ở Hội an, trường Võ Tánh ở Nha trang, trường Duy Tân ở Phan rang và trường Phan Bội Châu ở Phan thiết.

Chưa có thời gian tìm hiểu hết, nhưng không phải ngôi trường nào trong số đó cũng có được số phận may mắn như 2 ngôi trường PCT ĐN và TQC HA.

Chẳng hạn, trường Đào Duy Từ ngày nay ở Quảng bình là một ngôi trường hoàn toàn khác.

Ở Quảng trị quê lão, trên mảnh đất của trường Nguyễn Hoàng xưa, nay là trường THPT Quảng trị. Một ngôi trường "khá được". Nhưng nhiều cựu học sinh của trường Nguyễn Hoàng vẫn đau đáu về một ngôi trường bị mất tên.

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người quen của lão, khi về thăm, hay nói về thành cổ Quảng trị, hầu hết không biết thành đó do ai xây. Ngày nay, người ta chỉ biết về thời đạn bom phá huỷ thành mà thôi. Còn thời Chúa Tiên đi mở đất dường như đã lùi lại quá xa, quá xa với những cái não ngắn ...




Không có nhận xét nào: