Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

Chương Dân

 Có lòng hâm mộ cụ Chương Dân nên có ý tìm kiếm cuốn Chương Dân thi thoại (Nam âm thi thoại) đã lâu mà không gặp. Thôi thì gặp được đoạn nào hay đoạn đó.


    Chức Thừa phái bây giờ mới có làm việc quan. Còn ngày xưa, Thừa phái cũng như Hành tẩu, Hậu bổ, người nào ưa hoạt động mà lại ở cái địa vị ấy thì thôi, sự bực mình không còn phải nói nữa. 

Ở Bắc Kỳ, có nhiều người truyền tụng bài ca lục bát của một ông Thừa phái huyện Hoàng Nông mà không biết họ tên. Bài hay lắm, toàn bài vận dụng một chữ "thừa" để tỏ ra cái vị trí của mình là không ăn thua vào đâu cả:

Ông là Thừa phái Hoàng Nông,

Ông ngồi ông nghĩ mình ông thật "thừa".

Thế gian người đã đủ vừa,


Cớ chi giời lại lọc lừa ra ông?

Mắt thừa ông chẳng buồn trông,

Thấy gái má hồng ông liếc ông chơi.

Tai thừa ông chẳng nghe ai,

Thấy chuyện nực cười, ông ghé thoảng qua. 

Miệng thừa ông chẳng nói ra,

Thấy chuyện mặn mà, ông nói đủ nghe. 


Tay thừa ông chẳng muốn phê,

Thấy dấu đỏ loè, ông vẽ mực đen.

Chân thừa ông chẳng muốn chen,

Thấy bước đường liền, ông bước ông đi. 

Bụng thừa ông chẳng muốn suy,

Ông cứ gan lỳ mà việc cũng xong. 

Hỏi còn thừa cái gì không?

Còn thừa một cái dấu trong đũng quần. 


Những ai lịch sự thanh tân,

Hỏi rằng có thiếu, muốn mần, ông cho.

Ngán cho cái bọn nhà nho,

Mất tiền mất bạc mà lo ông thừa!

 

Huyện Hoàng Nông, ở Bắc Kỳ hình như không nghe có cái tên huyện ấy. Người đọc cho tôi nghe là một người ở miệt Quần Phương, Hành Thiện, có lẽ là "Hoàng Long" mà đọc ra Hoàng Nông chăng. Hoàng Long là một huyện gần thành phố Hà Nội.

C. D.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 2 (8 Août 1936), tr. 10.


Không có nhận xét nào: