TRÔNG CÂY ỚT MÀ "NHẦM" CÂY TIÊU
Dù Christopher Columbus mang ớt từ châu Mỹ về châu Âu, nhưng người Bồ Đào Nha mới là những thương gia đầu tiên mang ớt đi khắp thế giới.
Nhà thám hiểm người Ý này hóa ra thích đặt tên lung tung, hết nhầm châu Mỹ thành Ấn Độ đến nhìn trái ớt của dân bản địa mà bảo là tiêu.
Công tội của Columbus trong chuyến thám hiểm Tân Thế Giới sau này được xét lại, nhưng cách (cố tình) đặt tên sai của ông ta thì mãi mãi chưa được sửa.
Trong tiếng Anh, người bản địa châu Mỹ giờ vẫn là Indian, và quả ớt (Capsicum spp.) vẫn là chili pepper, dù nó chẳng họ hàng gì với pepper chánh hiệu, tức hạt hồ tiêu (Piper nigrum).
Theo bài viết trên trang web của Bảo tàng thực phẩm Alimentarium (Thụy Sĩ), Columbus là người châu Âu đầu tiên khám phá ra quả ớt, trên hải trình "tìm ra" châu Mỹ. Ông tìm thấy loại quả này trên Hispaniola, một trong những hòn đảo lớn nhất vùng Caribê, ngày nay là Haiti và Cộng hòa Dominica.
Người bản địa lúc đó đã ăn nhiều giống ớt khác nhau, thứ mà Columbus và thủy thủ đoàn chưa thấy bao giờ. Mà quả nào cũng cay nồng. Theo Atlast Obscura, nhà thám hiểm nảy ra ý tưởng: cứ gọi cái quả lạ lùng này là một loại tiêu, thứ mà giới quý tộc châu Âu đang say mê lúc bấy giờ.
Không phải vô cớ mà ông làm vậy. Thoạt đầu, Columbus muốn tới Ấn Độ tìm tiêu (truyền thuyết kể rằng các hoàng gia Tây Ban Nha, khi tài trợ của chuyến đi, đã dặn: không có tiêu thì đừng quay về), thành ra thấy cái thứ cay cay, ông bèn gọi đó là tiêu để còn yên tâm giong buồm hồi cố quốc.
Tất nhiên dân bản địa châu Mỹ, từ Mexico đến Bolivia và Peru và vùng Amazon, đã ăn ớt từ rất lâu trước khi một gã da trắng cùng tùy tùng đổ bộ. Trong quyển The evolution of crops plants xuất bản ở Anh năm 1976, Charles Bixler Heiser cho rằng người châu Mỹ bản địa có thể đã trồng ớt từ khoảng 5200 đến 3400 TCN, và ớt là một trong những thứ do con người gieo trồng sớm nhất ở châu lục này.
Theo nghiên cứu của Đại học California, Davis (Mỹ), trong quá trình thuần hóa ớt, người xưa đã vô thức chọn hạt của những cây cho quả tốt nhất, cuối cùng hình thành nên 5 giống ớt chủ đạo có nguồn gốc châu Mỹ ngày nay: Capsicum annum, Capsicum chinense, Capsicum frutescens, Capsicum baccatum và Capsicum pubescens.
Columbus chỉ có công đưa ớt đi xa khỏi lục địa quê nhà của nó. Biết được Vua Ferrando II xứ Aragón và Nữ vương Isabel I xứ Castilla đang khao khát hạt tiêu, Columbus trổ tài bơm thổi với thứ gia vị xa lạ này.
Ông viết trong nhật ký hải trình năm 1493: thứ "tiêu" này giá trị hơn tiêu thường gấp nhiều lần (đúng chuẩn ngôn ngữ quảng cáo hiện đại - tốt hơn sản phẩm thông thường), chưa kể là dễ thu gom hơn cái thứ tiêu đen đắt đỏ kia.
Thế mà khi dâng lên cho hoàng gia thì Columbus lại bị giội gáo nước lạnh. Theo Bảo tàng Alimentarium, giới quý tộc Tây Ban Nha bấy giờ chê "tiêu" này nồng quá.
Quan trọng hơn là quả ớt sau đó dễ trồng, dễ kiếm, không phải mong mỏi đợi chờ những chuyến hàng từ xa xôi đến châu Âu qua con đường tơ lụa hay các hải trình gian nan. Dễ thế thì để cho dân đen dùng, quý tộc không chơi.
Dù Columbus mang ớt từ châu Mỹ về châu Âu, nhưng "Bồ Đào Nha mới là những thương gia đầu tiên mang ớt đi khắp thế giới", theo bài viết trên tạp chí chuyên ngành nghiên cứu quốc tế YaleGlobal Online của Đại học Yale. Sức mạnh hàng hải của Bồ Đào Nha vào cuối thế kỷ 15, với việc vượt qua mũi Hảo Vọng và tới được Ấn Độ, đã mở đường cho quả ớt đến các châu lục mới.
Tuy nhiên, bài viết lưu ý chưa rõ việc ớt có mặt ở Trung Quốc có là nhờ công người Bồ hay không. Các thương gia Ấn Độ và Ả Rập đã làm ăn buôn bán với Trung Quốc từ lâu trước khi những người châu Âu đến. Ngoài ra, các tỉnh nổi tiếng ăn cay như Hồ Nam và Tứ Xuyên thời trước kết nối với thế giới bên ngoài qua con đường tơ lụa chứ không phải các cảng biển.
Quả ớt đã lan khắp thế giới như thế, nhưng không phải ở đâu nó cũng ăn sâu vào ẩm thực bản địa. Đó lại là một vấn đề khác, một câu đố chưa thể giải hoàn toàn của các nhà khoa học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét