"Nhung xấu xí" là tiêu đề một bài viết của Joe (Ruelle), tức Mr Dâu Tây, anh chàng người Canada "Tây viết hay hơn ta" (lời đạo diễn Lê Hoàng). Dĩ nhiên, viết tiếng Việt. Mình hay đọc anh ta từ thời còn mồ ma Yahoo 360, ít đọc hơn thời câu chuyện thứ Sáu hàng tuần trên (hình như là) Dân trí.
Nhung xấu xí, là tên mà Joe đề nghị gọi phiên bản tiếng Việt của phim Ugly Betty. Lý do cái tên Nhung nghe cũng êm ái, và cũng phổ biến như cái tên Betty ở Mỹ vậy. Dĩ nhiên (mà lẽ ra không có gì dĩ nhiên), bị phản đối, vì khán giả sẽ không hiểu, và các cô tên Nhung nữa thì sao, vân vân và vân vân ...
Câu chuyện đề nghị này (có thể hoặc cũng dĩ nhiên) là giả tưởng. Cũng như Joe (giả tưởng) đề nghị, lần này dịch ngược từ tiếng Việt, phim Cánh đồng bất tận, Endless Fields, vừa sát nghĩa vừa sát ý. Cũng phản đối (giả tưởng), lý do tương tự.
Thực tế, ta đã được xem phim Cô gái xấu xí, Tây cũng đã được xem phim Floating Lives. Vấn đề là khi chưa đọc truyện hay xem phim Cánh đồng bất tận, mấy ai biết truyện hoặc phim nói về cái gì? Đọc rồi, xem rồi mới thở ra, hóa ra là thế. Ý Joe nói, độc giả, khán giả của bản dịch đã bị tước mất quyền "hóa ra" ấy ...
Mình đã đọc bài viết Nhung xấu xí ở đâu đó lâu lắm rồi. Nay gặp lại trong Ngược chiều vun vút. Lúc mua sách mình cũng thắc mắc, tại sao lại là Ngược chiều vun vút? Mặc dù tác giả có giải thích ngay ở đầu sách, nhưng khi đọc qua dăm chuyện thì mình mới mỉm cười, hóa ra là thế.
Hóa ra là tác giả "đá đểu", ngược chiều, đúng là ngược chiều. Lại còn vun vút ...
Nói một cách hàn lâm, là phản biện. Mà phản biện ở xứ ta là phải cẩn thận lắm. Một là "thuốc đắng" khó nuốt. Hai là, tệ hại hơn, nhiều người chẳng hề muốn giã tật.
Nhân đọc Joe, mình muốn viết vài dòng, rồi lại nghĩ tới chuyện ồn ào quanh những chiếc B52 bị bắn rơi cách nay đã 40 năm.
Phi công R có thể là người đầu tiên bắn trúng B52, nhưng chiếc B52 đó chỉ bị thương chứ không "bốc cháy và rơi ngay tại chỗ". Mặc dù B52 phải hạ cánh khẩn cấp và mất giá trị sử dụng, người bắn (nhưng không cháy) nó vẫn bị kết án "không dũng cảm" (sao không bắn rơi?!).
Sau đó, phi công T được cho là cũng đã bắn rơi một B52, dù những bằng chứng được xem là phải có thì không ai tìm thấy.
Sau T một ngày, nhiều nguồn tin nói phi công Th hy sinh cùng cả một B52 và một chiếc Mig. Vấn đề rắc rối là anh hy sinh hay cảm tử, theo lệnh hay chống lệnh?
Lịch sử đưa T thành anh hùng, là người đầu tiên bắn rơi B52, hai người kia hầu như bị lãng quên. Không ít ý kiến cho rằng thủ đoạn chính trị là cần thiết để chiến thắng.
Sau 40 năm, nhiều người muốn tìm ra sự thật. Lại có người che giấu sự thật. Và không ít người thậm chí tỏ ra chẳng cần quan tâm đến sự thật.
Cái câu "chiến thắng bằng mọi giá" có thật sự là có giá?
Sống với sự dối trá có bao giờ dễ dàng? Thậm chí đến cả sám hối cũng không dám.
Chẳng phải sự thối nát của một xã hội là có nguồn gốc cả hay sao?