Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Javert or Valjean?

Có lẽ, hắn đọc Les Misérables hơi sớm so với tuổi.

Cũng chẳng trách được, thế hệ hắn có gì khác hơn để (gọi là) giải trí đâu.

Cho nên, cũng chẳng có gì là lạ, khi ngày ấy hắn nhớ thật nhiều chi tiết mà hiểu thì chỉ lơ mơ.

Và cũng như nhiều thiếu niên thời ấy, hiểu theo định hướng.


Hắn căm ghét gã Gia-ve độc ác.

Hắn thương cảm và khâm phục Giăng-Van-giăng dũng cảm và tốt bụng.

Nhưng hắn chỉ nhớ nhất những chi tiết mang tính phiêu lưu. Như Jean Valjean ẵm Cosette vượt tường cao chạy trốn, lọt vào một tu viện và gặp người đã từng được ông cứu bằng cách dùng sức mạnh vô địch của mình để nâng chiếc xe ngựa đè lên ông ta, mặc dù hành động này có thể khiến ông lộ thân phận đang lẩn trốn. Hay Jean Vajean cõng Marius đang bất tỉnh vượt hệ thống cống ngầm kỳ vĩ của Paris để cứu mạng cho anh ta.

Dĩ nhiên, hắn chỉ biết căm ghét chứ không bao giờ hiểu nổi những người như thanh tra Javert. Hắn mơ mộng về hành động cao thượng của cha xứ đã cứu Jean Valjean, nhưng dường như cách hiểu của hắn thấm đẫm kiểu suy nghĩ nguỵ quân tử.

Thực ra, điều này chỉ thể hiện nền giáo dục giáo điều mà hắn thụ hưởng. Còn điều trên có thể do lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới.


Nên, thời gian qua đi, hắn cũng quên nhiều.

Cho đến hôm qua, hắn xem bộ phim (hay đúng hơn là một vở nhạc kịch) Les Misérables (2012).

Có lẽ, chọn hình thức nhạc kịch cho một bộ phim là một phương pháp độc đáo. Hắn bỗng hiểu điều Victor Hugo muốn truyền tải.

Rõ ràng, Valjean đã vượt qua những bức tường còn cao hơn nhiều so với bức tường tu viện trong tưởng tượng của hắn thời ấu thơ. Và ông cũng đã chui qua những đường hầm dài hơn nhiều, tối tăm hơn nhiều, bẩn thỉu hơn nhiều so với cống ngầm thành Paris.

Hắn cũng hiểu, Javert là loại người không trắc ẩn, người bảo vệ trung thành của luật pháp. Đến độ trở thành nô lệ của luật pháp.


Có điều, cả Valjean lẫn Javert đều xa lạ với xã hội hắn sống hiện tại. Một xã hội không có luật pháp để có người bảo vệ hay thậm chí làm nô lệ. Một xã hội quá dễ thoả hiệp với cái xấu, đến từng cá thể, để có thể có sự sám hối chân thành, lòng cao thượng không nguỵ tạo, và lòng tin mãnh liệt như tin vào đức Chúa trời.



Vĩ thanh: Có chuyện kể rằng khi Nguyễn Văn Vĩnh dịch Les Misérables, ông đã gọi là Những kẻ khốn nạn. Sau đó ông sửa lại thành Những người khốn khổ theo góp ý của con trai là Nguyễn Nhược Pháp. Hôm nay, mình nghĩ, dù khốn nạn hay khốn khổ, thì đó đều không phải là những nhân vật trong truyện. Đó là độc giả. Neither Valjean nor Javert.




2 nhận xét:

tunrua nói...

Tunrua không được coi phim, chỉ đọc truyện mà cũng khá lâu rồi, nhưng không ghét Javert nhiều đâu, vì ấn tượng về cái chết của ông! Dù sao ông ấy cũng có trách nhiệm với chính mình.:)

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

Javert có trách nhiệm với cả xã hội, điều ở vn rất rất thiếu :-)