Cà kê dê ngỗng, nói cho ra chuyện "con tằm nó ăn lá dâu", thì, là thế này. Hồi đó, lão có viết vài chương trình nho nhỏ, chủ yếu thiên về kết nối PC với thiết bị bên ngoài, qua cổng COM. Rồi một công ty tin học quen biết nhờ lão sửa một chương trình, vốn được lão viết để quản lý việc xuất nhập nguyên vật liệu cho một nhà máy bằng cách đọc dữ liệu trực tiếp từ cầu cân, thành một chương trình bán hàng. Và cài đặt cho một cửa hàng bán rau sạch, cửa hàng đầu tiên thuộc loại này ở ĐN, nay đã không còn hoạt động nữa. Lý do là cần đọc barcode.
Công việc không có gì đáng nói. Cậu nhân viên bên công ty tin học nọ rủ lão tham dự những buổi gặp mặt nho nhỏ với một chú "Việt kiều". Chỉ đơn giản "tám" về một số đề tài kỹ thuật. Cuối mỗi buổi, chú tặng mỗi người $5, vì "làm mất thời gian của các anh". Rồi một lần, chú cao hứng (có mục đích) đưa ra 3 đề toán và hứa thưởng $100 cho ai giải ra đầu tiên.
Lúc đầu, lão chỉ ngồi nghe những vấn đề thú vị. Sau lại thành người nói nhiều hơn cả. $100 kia đã về tay lão, mặc dù lão đã cố tình ngồi im để cơ hội cho các bạn trẻ. Một trong 3 bài toán thế này:
Chia một miếng bánh hình tròn bằng những nhát dao cắt ngang, sao cho mỗi nhát cắt tạo ra nhiều miếng nhất có thể. Hỏi sau n nhát cắt được bao nhiêu miếng bánh?
Sau khi lão nhận $100, chú hỏi có ai có kết quả của bài toán như trên, nhưng với cái bánh hình cầu (3D). Một bạn trẻ đưa ra một kết quả và ngay lập tức bị chú nói sai, mặc dù cương quyết không thèm nghe bạn kia trình bày lời giải. Khiến bạn kia tức tưởng ứa nước mắt. Muộn hơn, chú mới giải thích rằng, lời giải của lão đã ra kết quả là một biểu thức bậc 2 của n thì lời giải bài toán 3D ắt phải tối thiểu là bậc 3 của n. Không cần giải cũng biết kết quả bậc 2 nữa là sai.
Cách tiếp cận vấn đề của chú đã khiến nhiều bạn trẻ bị sốc. Rốt cuộc thì chỉ còn một mình lão làm việc cùng chú. Và, có lần, chính lão cũng được nếm mùi kiểu suy luận này. Lần đó, lão test một library trên mạng, và cho rằng có một tính năng không thực hiện được. Chú khẳng định, phải được, vì "nếu không, họ không thể đưa lên mạng".
Với tư duy này, lão từng khiến nhiều bạn trẻ ngạc nhiên, "sao anh không làm mà cũng biết?".
***
Nay, chuyện ở trạm mới, lão biết có một số sai sót kỹ thuật. Bởi, lão đã có điều kiện liệng qua liệng lại lúc lắp đặt. Và, chứng kiến, một cách làm việc dường như không thể tệ hơn. Cái xui xẻo của các bạn trẻ, là, tiếp nhận những tài liệu kỹ thuật không đầy đủ thiếu rõ ràng. Nhưng lướt sơ qua vài nét, lão thấy ngay nhiều mâu thuẫn cùng đáng ngờ.
Tuy nhiên, lão chỉ biết cảnh báo rồi ... im. Bởi vì, nếu mọi người đều thấy ok, thì, vị tất xới lên làm gì (có ai cần đâu?). Thêm nữa, dù sai, mà không có nhu cầu sửa (hoặc không có khả năng sửa), thì, làm ầm ĩ ích gì. Lúc nào cũng chỉ nghe thấy những bình thường ...
Có câu, mất bò mới lo làm chuồng ...
Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Đúng rồi. Lối tư duy quan trọng lắm. Bạn chứng kiến hằng ngày :|
:-)
Đăng nhận xét