Nền văn hoá Ấn Độ là một nền văn hoá vĩ đại. Không chỉ với những di sản kỳ vĩ mà nó đã xây dựng được, vật chất cũng như phi vật chất, mà còn với hằng hà sa số các đường nét tinh tế đó đây trong cuộc sống, đặc biệt trong từng con người.
Lạ là, xã hội Ấn Độ lại vô cùng phức tạp. Nổi bật nhất là tính phân chia ra quá nhiều giai tầng giai cấp. Liệu có thể nói, chính sự mâu thuẫn, khác biệt vốn chia nhỏ xã hội là yếu tố kích thích sự sâu sắc, đa dạng của nền văn hoá?
Tiếc là không phải dân tộc nào cũng có thể làm được như vậy. Khoảng cách giữa các cá thể là điều hiện diện trong mọi xã hội, nhưng không nhiều cá thể có thể tự phát triển một triết lý sống cho mình.
Về khoảng cách, người Trung Hoa cổ đại than "đắc nhất tri kỷ khả dĩ bất hận", người phương Tây ví von "người ta phải to tiếng với nhau là bởi vì trái tim ở quá xa nhau". Thực tế chứng tỏ rằng, thảng hoặc lắm mới có kẻ gặp được người tri âm tri kỷ, và, thảng hoặc lắm, mới có được hai trái tim gần nhau đến độ không cần tiếng nói nữa.
Thường thì, người này không hài lòng về người kia, chỉ vì những khoảng cách giữa họ. Nếu giữ được tỉnh táo, người ta sẽ hiểu rằng, vì chính những khoảng cách này, người kia cũng sẽ không hài lòng về mình y hệt như vậy. Trong đa số các xã hội, con người chỉ có thể tạm thời giấu đi các khoảng cách này. Hoặc giả vờ như không nhìn thấy chúng (tục gọi là tế nhị haha), hoặc thoả thuận tránh chúng trong một thời gian. Nếu không có đủ những khoảng thời gian riêng tư để bộc lộ chúng, không ai có thể che giấu mãi được.
Có vẻ như người phương Tây làm điều này tốt hơn, vì mỗi cá nhân có tính độc lập cao hơn. Ngoài ra, chỉ còn một yếu tố giữ được người ta ở lại với nhau, cùng khoảng cách giữa họ, đó là tình yêu. Những thứ định thay thế, như thể chế, hay truyền thống, chưa bao giờ là những yếu tố bền vững.
Nhưng, tình yêu, mà phải làm điều này, thì, cũng đau đớn lắm ...
Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét