Chép từ Fb Anh Son Tran Duc.
ĐỌC SỬ TRONG DỊP 30/4
Hàng năm, cứ đến ngày 30/4 là dân tình lại chộn rộn, và nhiều người lại trích dẫn câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói vào năm 2005: “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” để luận bàn về “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”.
Tôi cũng có đôi lần bày tỏ quan điểm và cảm xúc của mình về ngày này trong những status viết vào dịp 30/4 những năm trước. Nhưng năm nay, tôi sẽ “kể” vắn tắt về cách hành xử của một “bên thắng cuộc” khác, diễn ra cách đây đúng 220 năm, dựa trên những sử liệu do TS. Nguyễn Duy Chính vừa công bố trong một biên khảo của ông mà tôi hân hạnh là người biên tập cho một tạp chí ở Huế.
Bài viết này sẽ được in vào số tới, dài tới 40 trang A4, nhưng ở đây tôi chỉ trích những đoạn chính yếu để bàn về thái độ của “bên thắng cuộc” [Nguyễn Ánh - Gia Long] với “bên thua cuộc” [Tây Sơn].
Dưới đây là những trích đoạn trong bài khảo cứu công phu của TS. Nguyễn Duy Chính:
* Khi viết về giai đoạn giao thoa cuối Tây Sơn, đầu Nguyễn, các tác giả thường nhấn mạnh vào việc trả thù của tân triều và vai trò của người cũ cũng chấm dứt khi vua Gia Long làm chủ đất nước. Thực tế không hẳn như vậy, phần đông giới nho gia đất bắc, kể cả quan chức cũ của Tây Sơn cũng được dùng lại, tuy không trọng dụng nhưng cũng không bị ngược đãi.
Theo “Quốc sử di biên” [của Phan Thúc Trực], nhiều quan chức cũ của triều đình Tây Sơn đã được cho giữ các chức trợ giáo, đốc học, hiệp trấn… Một số khác cũng được làm tri phủ, tham tri, đại học sĩ và các chức tại phủ huyện. Trường hợp một số quan lại bị đánh roi ở Văn Miếu là hình phạt đặc biệt, có tính răn đe, sỉ nhục hơn là thực sự xâm phạm đến thân thể như các hình án đời xưa.
Vì nhu cầu liên lạc với nhà Thanh nên vua Gia Long vẫn phải sử dụng những người từng đảm trách việc bang giao trong thời Tây Sơn. Chỉ đến khi có sự tham gia của Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm thì mọi việc mới được khai thông và một chương trình có lớp lang, thích hợp được tiến hành. Chúng ta thấy Nguyễn Đăng Sở, chánh sứ triều Bảo Hưng [Nguyễn Quang Toản] lại có mặt khi tham gia vào việc bàn nghị về tân quốc hiệu và thể thức cầu phong, Ngô Thì Nhậm cũng đã được hỏi ý có nên làm lễ nhận phong vương ở Nam Quan và Phan Huy Ích thì đóng một vai trò rất tích cực, dù không lộ liễu. Theo di văn, chúng ta thấy họ Phan đã tham gia các lễ nghi và thư từ qua lại trong suốt đời Gia Long và sang cả đời Minh Mạng đến khi ông qua đời. Một cách thẳng thắn, việc sĩ phu ra cộng tác với tân triều cũng lề lối lớp lang, tuy không hẳn là tự nguyện nhưng cũng có chỗ cho họ quyết định chứ không theo cách “anh không theo bắt em đem ra chém” như của Tây Sơn.
Cũng nhờ có một số cựu thần, việc giao thiệp với Trung Hoa tương đối suôn sẻ, tiếp tục và kế thừa mọi chính sách cũ nên ngay từ khi vua Gia Long vừa đặt chân ra bắc, ông đã giữ riêng họ ra một nơi để “phòng khi hỏi đến”.
* Vua Gia Long cũng thả về những quân lính Tây Sơn bị bắt đồng thời công bố cho dân Bắc Hà việc đem quân ra bắc:
“Nghĩa của Xuân Thu không gì lớn bằng phục thù. Quân của bậc vương giả, trước hết phải trừ loạn, Từ khi Tây Sơn nổi dậy, từ các xứ Thuận Quảng trở về bắc dân chúng phải chịu khốn khổ đã lâu.
Trẫm nay dốc sức phục thù, chỉ cốt một lòng cứu dân phạt tội. Trước đã ra quân lệnh nghiêm minh, không cho phạm vào một mảy, sợ rằng có kẻ giả danh trộm chữ, ức hiếp dân lành, lộng hành không khuôn phép nên đặc biệt dụ này.
Các ngươi hãy trao đổi với nhau rằng ai tuân theo sẽ được hậu thưởng, ai vi phạm sẽ bị tru lục.
- Hào mục nào đánh phá đồn giặc, bắt được đảng giặc sẽ tuỳ theo công trạng mà thưởng, kẻ nào có lòng quay về, đến nơi quân doanh ứng nghĩa thì sẽ tuỳ theo tài năng mà thu dụng…
- Người Thuận Quảng cũng là con đỏ của triều đình bị giặc Tây ép bức xua ra miền bắc làm lính thú nếu trốn tránh ở xứ nào thì nơi đó phải giữ lại nuôi nấng, đưa đến nạp trước quân sẽ được xem xét tưởng thưởng. Còn như nếu vẫn trả thù thảm cảnh việc giặc đã chém giết năm Bính Ngọ ở Phú Xuân mà tự ý sát thương hay đem giấu đi không giao nạp thì đều bị trị tội nặng…”.
* Vua Gia Long cũng dụ cho quân tướng của ông như sau:
“Đạo dùng binh cốt nhất là bình định yên ổn. Trước đây đã ban bố quân chính, nghiêm cấm, răn dạy. Nay trẫm đích thân đốc thúc tướng sĩ thẳng tiến ra Bắc Hà tiễu trừ giặc Tây nên phải minh định hiệu lệnh để cho quân đi được nghiêm chỉnh. Tướng sĩ các ngươi hãy nhất thiết tuân theo.
- Đại binh đi đến dùng lửa làm hiệu, thì phải ở nơi rừng rú rộng rãi mà đốt lửa. Nếu như đốt nhầm nhà của dân chúng thì sẽ bị trị theo quân luật.
- Kho đụn giấy tờ không được đốt hay cướp, nếu có thu được văn thư của giặc trong đó có những việc quan yếu thì lập tức đưa lên thống tướng trình lên xem để mà thưởng cấp.
- Đại binh tiến quân cốt ở thần tốc, nếu ai bị bệnh không đi được thì để lại cho dân chúng ở trên đường đưa đi, còn lại không được quấy nhiễu.
- Đại binh dừng lại đóng quân phải theo thứ tự không được thiện tiện vào trong nhà dân. Đạo quân nào vận chuyển lương thực chưa đủ thì lấy lương thực của dân chúng mà phát nhưng phải để lại dấu vết để sau theo đó mà khấu trừ.
- Hào mục ở địa phương nếu đến thành tâm xin được điều động thì đều do thống tướng tâu lên, tuỳ theo việc mà sai khiến, không được tự tiện cấp văn bằng chiêu mộ binh lương gây ra phiền nhiễu. Chỉ có dân trong làng nếu xin được chiêu an, xem xét thấy quả thực như thế thì cấp bằng để khỏi rối loạn.
- Chư quân đến địa phương nào không được cướp bóc tài sản, gian dâm phụ nữ, kẻ nào phạm vào sẽ bị trị tội nặng”.
* Ngày 21 tháng Sáu, vua Gia Long đến thành Thăng Long. Để ổn định tình hình, vua Gia Long cũng xuống chiếu ra lệnh cho tiếp tục áp dụng hình luật Hồng Đức là bộ luật vẫn còn sử dụng ở miền bắc.
Chiếu rằng: “… Tiến lấy Bắc thành, thiết lập quan chức, còn điều luật tố tụng thì chưa san định được. Vậy soạn đại thể 15 điều để cho quan liêu nội ngoại theo đó mà tuân thủ. Còn như việc xét đoán mọi việc thì nên tham chước quốc triều hình luật Hồng Đức nhà Lê trước mà thi hành, đợi sau khi bàn nghị sẽ định sau”.
Để được hưởng sự khoan hồng của triều đình, những người làm quan cho Tây Sơn phải ra đầu thú trong hạn ba hay năm ngày tuỳ theo gần xa. Sách “Đại Nam thực lục” chép: “… thượng thư giặc là Ngô [Thì] Nhậm, Nguyễn Gia Phan, Phan Huy Ích đến hành tại chịu tội. Vua thấy sắp có việc bang giao mà bọn Nhậm vốn là cựu thần nhà Lê, sành sỏi việc cũ. Huy Ích lại từng làm sứ thần cho giặc [chỉ nhà Tây Sơn] sang nhà Thanh nên mới ra lệnh ở bên ngoài phòng khi cần hỏi đến”.
Theo như thế, ngay khi vua Gia Long vừa vào Thăng Long thì chúng ta đã thấy các ông Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan xuất hiện, đến hành tại là nơi vua ở để xin chịu tội. Việc này rất cấp bách trong hạn “gần thì ba ngày, xa thì năm ngày” được chép trong các việc xảy ra tháng Sáu năm Nhâm Tuất (1802) và được tha về trong tư thế chờ lệnh nếu cần sẽ gọi vào để hỏi việc.
Việc bảo vệ những người đó hầu như không bao giờ được nhắc tới, nhưng cũng còn một hai câu trong sử triều Nguyễn nói phớt qua cho thấy quả thực họ được dùng như những cố vấn ngoại giao trong thời kỳ đầu và sau đó tham gia trực tiếp vào việc lễ nghi chứ không phải hoàn toàn đứng ngoài sinh hoạt triều đình.
* Theo “Đại Nam thực lục”, quyển XVIII, tr. 6 thì: “… Vua thấy giặc Tây Sơn đã bị diệt rồi nên ra lệnh gửi thư sang tổng đốc Lưỡng Quảng nhà Thanh hỏi về việc bang giao, sai thiêm sự bộ Lại Lê Chính Lộ, thiêm sự bộ Binh Trần Minh Nghĩa hầu mệnh ở Nam Quan. Lại thấy rằng quốc gia mới dựng muốn lên cửa quan tiếp đón sứ thần nhà Thanh làm lễ tuyên phong cho giảm bớt phiền phức, phí tổn. Vua đem ra hỏi. Ngô Nhậm và Phan Huy Ích đều nói là việc đó trước nay chưa từng nghe đến. Vì thế mới thôi”.
Việc này xảy ra trong khoảng tháng Bảy năm Nhâm Tuất (1802) nghĩa là rất sớm, ngay khi vua Gia Long đến Thăng Long và hai ông Phan, Ngô cũng ra trình diện như “Phan gia thế tự lục” đã chép.
Tuy nhiên có người không ưa Ngô Thì Nhậm, có lẽ từ những ân oán thời Lê - Trịnh và đầu đời Tây Sơn nên vua Gia Long phải đưa hai ông vào giữ trong quân, vừa giam lỏng để hỏi về thể thức giao thiệp với Trung Hoa, vừa bảo vệ cho họ khỏi những bất trắc. Thời nhiễu nhương, việc có kẻ lợi dụng buổi giao thời đền ơn trả oán là chuyện rất bình thường.
* Những chi tiết trên là trích từ sử triều Nguyễn tức quan điểm của triều đình. Thế nhưng chúng ta cũng còn những chi tiết từ chính Phan Huy Ích viết về hoàn cảnh lúc đó trong “Dật thi lược toản”, quyển V, bộ “Dụ Am ngâm tập” như sau:
“Tháng quí hạ (tháng Sáu), triều đại mới tiến binh ra bắc, một trận phong ba.
Ngày 21, nhà vua đến Bắc thành, trước hết ban chiếu văn: Phàm ngụy quan [chỉ quan lại triều Tây Sơn] hàng thuận, đều được tha thứ. Ta cùng với Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thế Lịch lần lượt đến yết kiến xin hàng, nhận được chỉ phải ở trong thành chờ khi hỏi đến.
Thượng tuần tháng Tám, triều đình bàn luận rằng vì là ngụy quan bị người ta tố cáo cần xử lại, nên tống giam vào trong quân đợi hoàng thượng phán xét khi đó sẽ thi hành. Tuy bị câu thúc lâu ngày nhưng xem ra cũng có chút đường sống…
Hạ tuần tháng quí thu (tháng Chín), ngày tốt ngự giá trở về Phú Xuân, hạ lệnh cho cấm vệ đưa ba người bị giam đóng gông đi trước bằng xe nhưng không bị áp bức, ngày 23 khởi hành …
Cuối năm bị giam nghĩ cũng buồn. Mạnh đông (tháng Mười) đến kinh đô Phú Xuân, tất cả bị giam vào trong trại quân cấm vệ.
Trọng đông (tháng Một) mọi việc xong. Bộ Hình tâu lên về việc các can phạm đang bị giam được ngự bút khuyên đỏ trên đầu tên ba người dụ ra lệnh tha cho.
Từ đó về sau [trong kinh đô] ngày nào cũng tiệc mừng, hát xướng, không ai còn phải đợi chỉ [quyết định về bản án] nhưng vẫn bị giam tại cấm vệ. Tuy người coi phòng giam đã mở các hình cụ nhưng chưa được đi ra ngoài.
Đêm trừ tịch, nghe xa xa có tiếng nhạc và diễn tuồng trong cung, nằm ngủ không yên…
Ngày mồng ba tháng Giêng năm Quí Hợi hoàng thượng dụ rằng: Bắc thành sai người là Tuyển Võ hầu đòi ba người đang bị giam, trẫm đã chuẩn tha cho nay đưa trở về thành để tùy theo tổng trấn phân xử.
Ngày mồng 4 từ kinh đô theo viên chức kia lên đường…
Thượng tuần tháng Giêng nhuận đến Bắc thành, bị giam ở trại tiền quân.
Ngày 12 tháng Hai, hiệp nghị chỉ cảnh cáo nhẹ rồi tha về. Ta ra khỏi thành ở tại phố Thụy Chương, đoàn tụ với thân quyến” [NDC dịch từ “Dật thi lược toản”].
* Theo Phan Huy Ích, các ông Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch ra cộng tác với tân triều [nhà Nguyễn] cũng không khác gì những nhà nho khác làm việc với Tây Sơn. Mà không phải chỉ có ba ông, hầu như toàn bộ văn quan cựu triều đều ra trình diện để được bổ dụng. Tiếp đó, tuy cũng có đôi chút câu thúc vì bị người khác tố cáo, nhưng vì ba ông đang được tân triều sử dụng trong công tác giao thiệp với nhà Thanh, nên được đưa về Phú Xuân như một hình thức bảo đảm an toàn. Mọi việc chỉ có thế vì chính vua Gia Long khuyên đỏ ân xá cho ba người. Việc tha tội đó không thuần tuý vì quá trình làm việc với Tây Sơn [tất cả những ai ra trình diện đúng thời hạn đều đã được tha thứ và dùng lại] mà là tha những tội mà người Bắc Hà tố cáo, có tính thù hằn cá nhân.
Sau khi về lại Bắc Thành, ba ông bị đưa ra xử án theo kiểu thẩm tra nội bộ [do Nguyễn Văn Thành chủ trì] đưa đến bản án “bạc cảnh” tức cảnh cáo nhẹ, có lẽ chỉ hạn chế trong trách cứ dè bỉu bằng lời nói. Việc đưa ra Văn Miếu đánh đòn không biết có thực hay không vì không thấy Phan Huy Ích nhắc tới, mặc dù mọi việc được ông ghi lại rất đầy đủ và chi tiết. Nhục hình đó cũng không thấy Phan Thúc Trực chép đến dù thời điểm thu thập tài liệu cách đó không xa, chỉ nhắc đến hai ông bị đánh khi đại quân mới đến Bắc Hà, nhưng đó là lúc hỗn quân hỗn quan chứ từ khi có lệnh của triều đình tha cho người ra trình diện thì không ai còn dám vi phạm nữa.
Chính vì thế, việc đánh roi ở Văn Miếu có thể cũng là truyền ngôn từ chuyện này đổi sang chuyện khác, việc trước thành việc sau, nhất là sử triều Nguyễn [viết đời Minh Mạng về sau] cố tình che dấu việc vua Gia Long phải nhờ đến tài ngoại giao của quan lại cũ nên không chép những việc cho rằng có hại đến uy tín tiên vương. Có lẽ vua Gia Long cũng không ngờ đời sau lại miêu tả sự việc sai lạc đi khiến nhiều người kết án ông tàn nhẫn mà thực sự thì không phải đã xảy ra như vậy.
***
Trên đây là những gì tôi đọc được từ bài khảo cứu công phu của TS. Nguyễn Duy Chính, và trích lượt lại những đoạn mà theo tôi là đã phản ánh cách hành xử của một “bên thắng cuộc” khác rất xa cách hành xử của một “bên thắng cuộc” khác, cũng diễn ra trên cõi Việt này hơn 1,5 thế kỷ sau đó.
Phu chữ NGƯỜI NƯỚC HUỆ (@ Đà thành, Quảng Nam quốc)
* Chân dung vua Gia Long trong cuốn sách "Việt Nam ngoại giao sử" của Ưng Trình (Sài Gòn, 1970), tr. 22.