Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Xin


Nếu xếp theo thứ tự "tăng dần" các động từ tV, có lẽ thế này: xin - xin đểu - tống tiền - cướp đêm - cướp ngày. Đó là còn chưa kể đến "mượn không trả", cực kỳ thông dụng của ngV.

Mới thấy, "ăn mày" là hạng người tử tế nhất.

Mây

 Lại ngáp phải con ruồi 😀




ƯỚC MƠ CỦA ÔNG NỘI

 (Thuổng của bác Đỗ Trí Hùng)

1 - Đêm ấy, bố tôi mất ngủ. Người cứ đi ra đi vào, thỉnh thoảng ra phòng khách rót nước uống, rồi rít thuốc lào sòng sọc. Mẹ tôi có vẻ bực bội, tôi nghe loáng thoáng tiếng mẹ tôi “ Cứ ngủ đi, 5h dậy, để đồng hồ báo thức rồi mà”. Bố tôi bảo “ Hồi hộp quá, chỉ sợ họ lại hoãn!”
Đúng 5h sáng, tôi nghe chuông đồng hồ thánh thót, rồi tiếng bố tôi gọi:
- Dậy đi con!
Thật ra, tôi cũng hồi hộp cả đêm, có ngủ được đâu. Tôi chả hiểu vì sao hồi hộp, chỉ biết bố tôi hồi hộp thì tôi hồi hộp theo…
2 - Tôi ra ngoài, thấy bố mẹ tôi đã thắp hương trên bàn thờ ông bà nội, sì sụp khấn vái. Tôi nghe loáng thoáng bố tôi bảo “ Lần này chắc chắn rồi bố ạ! Bố vui rồi nhé!” thấy tôi ra, bố tôi bảo “ Vái ông nội đi con trai.” Tôi vái ông tôi ba vái
Mẹ tôi nấu cho bố con tôi mỗi người một bát bánh đa thịt bò bạc nhạc, to vật, bảo hai bố con ăn cho no rồi đi cho phấn khởi.
Ăn xong, bố tôi lôi trong tủ ra bộ quần áo rất đẹp, tôi nhớ bộ này ông chỉ mặc khi lễ lạt liên hoan gì đó. Mẹ tôi cũng chọn hộ tôi bộ đồ rất đẹp, bộ này tôi cũng chỉ mặc khi có dịp đi chơi đâu đó …
Xong rồi hai bố con dắt nhau ra đường bắt taixi. Mẹ tôi dặn bố:
- Nhớ chụp ảnh gửi ông, đừng mải vui rồi lại quên!
- Được rồi, tôi nhớ! Cứ yên tâm!
*
Taxi đưa chúng tôi, từ ngoại ô quận Hà đông tới trung tâm, bến tàu đường sắt trên cao tuyến Hà Đông Cát linh. Hóa ra hôm nay khai trương buổi chạy đầu tiên.
Tôi thấy người chờ khá đông, mặc dù ai nấy đều bịt mõm, nhưng ánh mắt long lanh ẩn chứa nụ cười, và, tất nhiên ai cũng mặc đẹp như đi lễ hội.
Chúng tôi được bảo vệ phát cho cái ticke nom giống cái thẻ ngân hàng, bảo thẻ đi tàu, đến bến cuối sẽ thu lại thôi, hôm nay khai trương không mất tiền…
Vì đường sắt trên cao nên chúng tôi phải đi thang máy lên sân ga. Sân ga rất đẹp, như trên phin gì của tây, nhân viên mặc đồng phục, dơ tay chào và hướng dẫn. Tôi thấy ánh mắt các cô long lanh, chắc họ cũng đang vui vẻ hạnh phúc lắm.
Tôi thấy tấm biển “ Cẩn thận lọt khe…”, chợt nhớ một lần mẹ tôi hỏi bố tôi “ Cái sịp lọt khe của em đâu?” , nhưng tôi nghĩ, cái khe này chỉ liên quan đến đường lên tàu, không liên quan cái khe của mẹ tôi.
Rốt cuộc chúng tôi lên tàu, và rốt cuộc tàu cũng chạy.
Tàu chạy êm êm, rung rinh nhè nhẹ, không nhanh lắm. Mọi người hân hoan bắt tay nhau, hớn hở, nói gì đó với nhau, tôi chỉ thấy khẩu trang phập phồng, may mà mõm bịt chứ không thì ồn ào lắm.
Tôi nhìn qua cửa kính, thấy thành phố nhà cửa lô nhô, đường xá người xe đông đúc, chen chúc….cứ trôi qua trôi qua, thì tôi đoán đi tàu nhanh hơn đi xe dưới đường.
Bố tôi đứng ngay bên tôi, mải mê dơ điện thoại bấm lia lịa, các kiểu bấm, trong khi nước mắt người tuôn lã chã. Tôi đoán bố tôi hạnh phúc quá nên khóc.
Rồi tàu cũng đến bến Cát linh. Người xuống và người lên, rộn ràng phấn khởi.
Bố con tôi dắt nhau sang bên kia, chiều về, gọi là khứ hồi. Lại lên tàu, lại êm êm rung rinh nhè nhẹ… tương tự lần trước.
Khoảng tiếng sau chúng tôi lại có mặt Hà Đông.
*
Bố tôi vẫy taxi, hai bố con chạy thẳng ra …nghĩa trang. Tôi hỏi bố, ra nghĩa trang làm gì, bố tôi bảo, thăm mộ ông nội.
- Sao bỗng dưng lại phải thăm mộ ông nội hôm nay? – Tôi lại hỏi.
Bố tôi bảo:
- Cái mẩu đường sắt ngắn như chim Hàn quốc này, khởi xây từ hồi bố đang chuẩn bị đẻ con, hồi ấy ông nội còn sống, cứ háo hức mong chờ ngày khánh thành, để được đi chuyến dối già, có chết cũng mãn nguyện, vậy mà giờ con mười tuổi rồi, còn ông thì đã về chín suối được năm năm…. bố con mình hôm nay đi tàu là để tưởng nhớ ông nghe chửa?
- Thì ra ban nãy bố khóc là vì …
- Vì thương ông, hiểu chưa, tàu chạy rồi đây mà ông ở nơi nao! Thật tôi nghiệp ông!
- Vậy… bố chụp ảnh các kiểu….
- Là để gửi xuống cho ông đấy!
*
Nghĩa trang ngày thường vắng vẻ. Mồ mả lô nhô, cũng có mả biệt thự và mả cấp bốn, các kiểu loạn xà ngầu.
Phía ngoài là khu mới, có nhà thầu qui hoạch nên nhà cửa – tức những ngôi mộ - ngăn nắp và đều tăm tắp, giá cả cũng bằng nhau như căn hộ chung cư vậy. Tôi đoán cũng có bác gì như bác thầu đất, kiểu như thầu khu đô thị, rồi xây rồi bán, khiến nghĩa trang đẹp và ngăn nắp.
Đến trước mộ ông nội, bố tôi thắp hương, đặt chiếc điện thoại Oppo made in china đã chụp cả trăm bức ảnh đường sắt trên cao, chuẩn bị hóa vàng gửi ông.
Trước cụm khói bốc lên nghi ngút, bố tôi lẩm bẩm khấn rằng:
- Khao khát cuối đời của bố chưa được thực hiện, thì hôm nay con đã thực hiện rồi nhé, con gửi ảnh với cờ nhíp xuống cho bố xem…
Bỗng có cơn gió thổi qua, đám hương bỗng bốc cháy bừng bừng. Bố tôi hốt hoảng bảo tôi:
- Ông nội về đấy, vái ông đi!
Hai bố con vái như tế sao.
Quả nhiên, nghe tiếng cười hô hố, đúng tiếng cười của ông tôi, rồi tiếng nói văng vẳng từ thinh không, nghe âm vang như tiếng từ cõi nào xa lắm:
- Mang mẹ nó điện thoại về mà dùng, đốt làm gì cho phí…. tao sang bên này, đi tàu trên cao chán ra rồi. Người ta đốt các thứ, bố đi cả Rollroyce cơ! Ơ hay, cái gì ở dương thế không làm được, thì sang cõi âm làm được hết hiểu chưa. Tao bay sang Nhật, sang Sinh, sang Châu âu…. Các kiểu đường sắt trên cao đẹp vãi ra...
Nói xong, ông tôi cười hô hố, tiếng cười xa dần, chắc ông đã thăng.
Lửa hương cũng tắt nhưng khói vẫn nghi ngút. Bố tôi quay sang tôi bảo:
- Về thôi con, may không phải đốt điện thoại mới mua hai triệu.
P/S:
Trích từ kiệt tác “ Chuyện nghiêm trọng”, vì tôi thuộc phe ủng hộ món đường sắt tốc độ cao hay cao tốc gì đó, biết đâu, khi khánh thành thằng cháu tôi sẽ dự và rồi sẽ chụp ảnh, rồi đến mộ tôi hóa vàng, chả hạnh phúc lắm ru!
Còn anh chị nào lo lãng phí, lo hiệu quả kinh tế gì gì đó ha ha ... các anh chị hâm vừa thôi, cứ làm như chỉ xây đường sắt cao tốc thì lãng phí còn các thứ khác không lãng phí không bằng...
Đèo mẹ, không xây gì, chúng anh vẫn có cách giải ngân, có cách lãng phí như thường


Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

Cầu phao

 Hôm qua mới đọc được ở đâu đó một câu, kiểu "quân đội Trung Quốc làm cầu phao hết 20 phút, quân đội Đức làm cầu phao hết 30 phút ..." Hẳn không ngoài "đá đểu" tin sẽ làm cầu phao, tạm thay thế cầu Phong Châu bị sập sau bão, nhưng mãi chưa thấy đâu.

Thì hôm nay báo chí đã đưa tin, cầu phao Phong Châu được hoàn thành sau 90 phút. Quân đội vn cũng không phải hehe loại thường đâu.

Nhưng, rõ ràng, "sợi thừng" vn mới là đáng nể, cứ gọi là lớn gấp hàng chục lần "con trâu" ...




Miền Tây @ Đà Nẵng

 Hôm trước, hơi thú vị với ví von dí dỏm của một bạn trẻ, rằng thì là Miền Tây nay đã có ở Đà Nẵng. Trong lời bình cho bức ảnh chụp mặt sông Hàn tràn ngập lục bình (bèo) trôi.

Hôm đó đi trực về lão cũng thấy cảnh ấy, nhưng không quá ngạc nhiên. Sau mấy ngày mưa, hẳn có mưa ở cả thượng nguồn, nước sông Hàn dâng cao đục đỏ và ... đầy lục bình trôi.

Hôm nay lại đi trực về, nghĩa là đã sau 10 ngày, nước sông không còn đục đỏ nhưng ... vẫn phủ kín lục bình. Nhẽ, Miền Tây ở lại hẳn với Đà Nẵng không đi?




Sếp

 Đọc câu chuyện, tự nhiên nghĩ về những người lính, những công chức viên chức đang ngày đêm miệt mài ... tuân lệnh sếp.

Tác phẩm Danaides (1903) của John William Waterhouse dựa trên một câu chuyện thần thoại Hy Lạp cổ xưa.

Danaus, vua xứ Argos, có 50 người con gái, được gọi là Danaides. Theo truyền thuyết, Danaus nhận được một lời tiên tri cảnh báo rằng các con rể của ông sẽ gây ra mối nguy hiểm cho ông. Vì vậy, ông đã ra lệnh cho các con gái mình kết hôn với 50 người con trai của em trai ông, nhưng trong đêm tân hôn, phải giết chồng để ngăn chặn lời tiên tri trở thành sự thật.
Tất cả các cô gái đều làm theo, ngoại trừ một người con gái tên Hypermnestra, người đã tha mạng cho chồng vì tình yêu. Các Danaides còn lại vì hành động của mình đã phải chịu một hình phạt vĩnh viễn ở thế giới bên kia: mãi mãi phải đổ nước vào một chiếc bình bị rò rỉ, khiến công việc của họ trở nên bất tận, không bao giờ hoàn thành.




Người đi xe

 Có lẽ bắt đầu từ người cưỡi ngựa, rồi đi xe đạp ...




Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Tu

 Từ lâu vẫn follow Fb của nhà thơ, nhà văn, dịch giả TBT. Hôm nay bỗng nhiên đọc được một status hơi hơi riêng tư, ông đưa ảnh chụp chung với một cô học trò xinh đẹp, học giỏi, tốt nghiệp xuất sắc trường Dược HN, làm cho một công ty nước ngoài lương 24tr/tháng cách đây 10 năm.

Ông cho biết cô đã đến chào ông để đi tu. Thường những trường hợp như thế ít nhiều đều nhuốm màu bi kịch. Nhưng điều khiến lão lưu tâm là ngôi chùa nơi cô đến tu, chùa Phật Quang của sư trụ trì Thích Chân Quang.

Chính ông cũng biết điều đó, nhưng nói là tôn trọng vấn đề tâm linh. Lão cũng hơi ngạc nhiên, không biết thời điểm cô học trò quy y là lúc nào? 

Ở đây dường như có một tam giác những vấn đề Tâm linh - Xã hội - Tri thức?!




Não

 



Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2024

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

Một đời người qua được mấy dòng sông

 Trích Một đời người qua được mấy dòng sông của Nguyễn Thị Hậu (Hậu khảo cổ).

Sau này lịch sử còn cho tôi biết, sông Gianh từng là nơi xảy ra nhiều trận chiến vô cùng ác liệt. Từ năm 1627 đến 1672 hai bên Trịnh–Nguyễn giao tranh liên tục ở vùng này. Tuy cùng lấy danh nghĩa "Phù Lê" nhưng sau nhiều năm giao chiến, cả hai bên đều kiệt quệ về sức người sức của nên phải chấp nhận đình chiến. Sông Gianh trở thành ranh giới chia nước Đại Việt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài trong hơn hai trăm năm sau đó.

Đại Nam liệt truyện kể rằng, sau trận chiến ác liệt kéo dài vào cuối vào năm 1672, khi chiến thuyền quân Trịnh rút lui, chúa Trịnh ra lệnh tha tất cả tù binh phe chúa Nguyễn, lại cho quần áo, ai muốn đi đâu thì đi.  Bởi vì đó là những người bị bắt đi lính, không theo bên này thì phải theo phía kia, gần như ngoài ý muốn. Còn phía chúa Nguyễn “Sau khi quân địch rút lui, phàm những quân lính Bắc Hà bị bắt, Hoàng tử Hiệp đều sai cấp cho tiền gạo quần áo, tha cho về, không giết một người nào. Lại đặt một lễ đàn trong thành Trấn Ninh tế tướng sĩ tử vong, cũng đặt một đàn ở ngoài thành Trấn Ninh để tế quân Hà Bắc chết trận”. Người chết thuộc bên này hay bên kia đều là dân nước Việt, tất cả đều xứng đáng giải oan sau cuộc “nồi da xáo thịt”.

Dòng sông nào là giới tuyến thì dù hai trăm năm hay hai mươi năm, một chuyến đò ngang cũng sẽ nối liền… Còn lòng người, lỡ cắt chia rồi thì phải bao lâu mới về một mối?



Sau này, con cháu họ vẫn tiếp tục đánh nhau. Vẫn nhiều người chết, nhiều người bị bắt. Vẫn lấy sông làm ranh giới.

Nhưng sau này, ranh giới không chỉ ở dòng sông. Vì vua chúa sau này không còn nhân nghĩa như trước ...




Cảm ơn

 



Thứ Tư, 25 tháng 9, 2024

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2024

Từ thiện

Học sinh tiểu học đóng tiền … làm từ thiện, nghe đã quá thum thủm rồi. Trường kia còn chia ra, cháu nào góp trên 100k thì được khen dưới cờ, cháu nào dưới 100k thì cô giáo sẽ khen trong lớp. Khó thế mà cũng nghĩ ra được.

Nhà báo ĐT viết chuyện này trên Fb. Nhiều người comment đầy phẫn nộ. Có ông kia, nick có vẻ ảo, comment khá từ tốn lịch sự, cho rằng chuyện ấy … thường thôi.

Lắm lúc nghĩ, không muốn nổi giận cũng khó. May có ông nọ, cũng khá nổi tiếng, viết status về đúng sự việc đó. Ông này có lối viết hơi hơi tục tĩu, nghe … thấy đã.

Đúng là đời, không chửi tục không được ✅

Sách


Cuốn sách này còn mới tinh, vừa mới mua về. Nhưng, cứ để lên bàn là vài chục phút sau bìa đã ... tự cong lên như thế này (và còn tiếp tục cuốn tiếp nếu không có gì chặn lại).

Giấy trắng, dày, bình thường. Nhẽ do in?

Sách hơn 250 trang, nội dung theo tên in trên bìa sách chỉ đúng 100 trang đầu. Phần còn lại tập hợp các bài viết về kiến trúc cổ trên nhiều miền xứ lúa nước, thậm chí chẳng liên quan gì đến Hội An.

Và 100 trang nội dung chính thì được in với chất lượng cực xấu. Kiểu photocopy từ một kích cỡ lớn hơn, nên chữ cực nhỏ, và hình ảnh thì vừa nhỏ vừa mờ vừa nhoè.

Check var, lão tìm được trên mạng bản pdf của 100 trang này. Dễ dàng để in ra cuốn sách (!?).

Bìa trước bìa sau cũng không có thông tin gì về công tác xuất bản. Trống trơn.


Từ hồi bắt đầu mua hàng online, lão đã chuẩn bị sẵn tâm lý ... có thể gặp dăm ba cú lừa. Nhưng hầu như không gặp, trừ vài trục trặc nhỏ. Lần đầu tiên gặp phải một sản phẩm nặng màu fake lại là ... một cuốn sách. Nhà sách rao bán trên Fb. Nói cho cùng, họ có thể bán sản phẩm hand made của họ? Tiếc rằng trong trường hợp này không phải "của nhà trồng được", mà là "thó" được.

Hiển nhiên, vấn nạn sách lậu không mới, bao gồm cả lậu như không lậu (do chính các nhà xuất bản thực hiện). Sách, xem chừng dễ giả hơn nhiều hàng hoá khác?

Thuận tiện

 Hay không bằng hên hehe ...



Đồng tính

 (Theo Fb Nguyen Leanh)

Xã hội không quá khắt khe thì chúng ta nhận thấy số lượng đồng tính luyến ái là không hề ít, khoảng 1%. Nếu có thêm 1 anh trai thì xác suất tăng thêm 1.5 lần, và hai anh trai là khoảng 2.25 lần.
Trong số hơn 100 vua Việt thì khả năng có 1 vị đồng tính là hợp lý. Theo dõi sử thì tất cả các vua Việt, trừ Lý Thánh Tông, đều có ghi chép về con cái rõ ràng. Vậy khả năng cao Lý Thánh Tông là đồng tính.
- Lý Thánh Tông có 2 anh trai chết yểu.
- Lý Thưởng Kiệt bị bắt vào cung phục vụ vì vẻ đẹp khôi ngô tuấn tú.
- Lý Thường Kiệt viết rõ trong bia Linh Xứng là cam phận phục vụ.
- Đánh Tống thì Lý Thường Kiệt tự đi đánh vì khi ấy Lý Thánh Tông đã chết già. Vậy Lý Thường Kiệt rất giỏi. Đánh trận đâu Lý Thánh Tông cũng đi cùng Lý Thường Kiệt.
Lý Thường Kiệt cho giết sạch toàn bộ cung tần mỹ nữ của Lý Thánh Tông thì là để bịt đầu mối lộ tin "toàn bộ cung tần mỹ nữ" này là gái chinh chứ gì nữa.
Không có bất luận một ghi chép chính thức nào, một sự kiện nào cho thấy Lý Thường Kiệt là hoạn quan. Trong khi mọi ghi chép và sự kiện đều chỉ ra Lý Thánh Tông là đồng tính. Khả năng cao Lý Nhân Tông chính là con của Lý Thường Kiệt với Ỷ Lan.
Tất cả mọi tin đồn nhảm về Lý Thường Kiệt là hoạn quan đều từ Hoàng Xuân Hãn. Ông này bịa nghĩa cho các văn bản trên bia Linh Xứng. Con tự, "tĩnh tâm" bịa thành "tịnh tâm" thế mà giới tinh hoa Việt tin sái cổ.



Thứ Hai, 23 tháng 9, 2024


 

Hơi nước

 Định thử từ steak, nhưng nghĩ sao bảo thôi thử từ steam cho nó khác một chút ...




Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

John Donne

 Hồi bé đọc Chuông nguyện hồn ai của Hemingway, rất thích mấy câu trích dẫn ở đầu sách, đến mức học thuộc và chép đi chép lại nhiều lần vào các kiểu sổ tay khác nhau.

Thế mà đến tận bây giờ mới biết đó là mấy câu thơ của John Donne ...

Vì vậy đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đấy!




Dạy

 



Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Se7en

 Khi tình cờ đọc bài giới thiệu về bộ phim Se7en, lão cứ ngờ ngợ. Xem rồi?

Phim cũ, 1995. Nhưng không nhớ gì.

Ngờ ngợ ở chỗ, 2 nhân vật chính là 2 thám tử, do Brad Pitt và Morgan Freeman thủ vai. Và không hiểu sao cứ nhớ cảnh cuối phim hình như xảy ra ở một cánh đồng rộng đầy những cột điện cao thế. Song chỉ nhớ mỗi thế, như nhớ một bức tranh chứ không phải một đoạn phim, không nhớ các nhân vật làm gì ở đó, kết thúc ra sao. Thậm chí, không chắc có đúng là phim đó hay một bộ phim nào khác.

Nhớ đúng. Đúng cảnh ấy ở cuối phim ấy. Cảnh, như một bức tranh, tĩnh, không hơn. Còn lại toàn bộ bộ phim, như xem phim mới.

Nội dung không nhớ gì đã đành, cái kết cũng không nhớ nổi. Có phải vì nó nghiệt ngã quá chăng? Tiên sư bọn đế quốc, để cho cái ác thắng. Thắng toàn diện. Không chỉ thông minh, kế hoạch sắp đặt tuyệt hảo, mà cái ác còn hoàn toàn thao túng tâm lý cái thiện, và thành công.

Unhappy ending.


Hay, cái ác đó thắng, vì đã trừng phạt 7 tội lỗi của con người?

pluttony

             greed

                      sloth

                              lust

                                    pride

                                                  envy

                                                           wrath




Nỗi khổ giáo viên


Trong vòng chưa đầy 2 tuần, lão, mềm lòng một cách đáng ngạc nhiên, nhận huấn luyện liền 2 khoá về 2 đề tài khác nhau. Thời lượng bằng nhau, tổ chức cũng khá giống nhau, mỗi khoá đều chia thành 2 lớp và "ăn gian" chỉ thực hiện trong một nửa thời gian. Khoá đầu trực tiếp còn đỡ, khoá sau trực tuyến nên ít tương tác hơn, nói nhiều đến độ ... viêm họng (nếu thực hiện đủ thời gian không biết sẽ thế nào?).

Tuy nhiên, sự thực sự mệt mỏi nằm ở hình trên, hồ sơ giấy tờ. Khoá đầu có 24 học viên, khoá sau đến 59, in hết hồ sơ trông như ... tuyển tập với toàn tập. Ký một lúc gần 200 trang muốn lỏng tay, đúng không có số làm sếp.




Trong một diễn biến khác, hôm qua mưa lạnh chống dột thế nào ... lại viêm họng (hậu covid chăng?). Quyết định súc nước muối uống nước nóng uống luôn 2 viên panadol extra và nghỉ ngơi xem phim, Se7en. 2 viên thuốc uống sớm có vẻ phát huy tác dụng.

Vừa may, chưa đến 3h sáng, chưa đến phiên "diễn" của lão, Thuận đã thức lão dậy. Radar sơ cấp cắt phát, 4 khối BPS đỏ tưng bừng trên SLG, trên mỗi khối đèn AC Input green sáng nhưng đèn DC Output (green) đều tắt. Và tràn ngập phòng radar như lũ quỷ vừa nướng bánh.

Thế mà tìm mãi không ra "mùi thơm" đến từ đâu. Khởi động máy thì không được. Báo cáo xong định để đó, nhưng đi ngủ lại cũng dở. Tuấn đi ngủ lại, lão và Thuận quyết định tháo tung ra xem. Không phát hiện được gì, ráp lại và bật máy lên thì ... ok. Thực ra khả năng 1 bộ BPS lỗi!

Hết chuyện, vừa đến giờ ăn sáng, giao ca.


Báo chí

 



Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Lan man ngày mưa

 Ngay khi nhìn thấy đường đi dự báo của (chưa thành) bão số 4, lão đã biết trước Đà nẵng sẽ trải qua những ngày mưa lớn. Áp thấp đi nhanh mưa đến sớm, phố phường đã ngập tè le phong cách thành phố lớn xứ lúa nước. Lão ngồi đỉnh núi ngập chẳng tới nơi, chỉ hưởng cảnh điện nháy liên tục của điện lực độc quyền và cảnh dột thấm cũng tè le của ngành hàng không hiện đại vô đối.

Thôi bỏ qua, ngày mưa ảm đạm nói chuyện gì vui buồn hơn xíu. À, nhân cái chết của một ai kia (sẽ nói đến sau), nhớ đến chuyện những người khác trước đã.


Hội bạn, mỗi lần gặp nhau lại cùng nhau hát hò, cũng hay chọn hát bài Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy). Lão vốn không mấy hâm mộ PD, song công nhận, trong rất nhiều những bài hát phổ nhạc bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan thì bài của ông ... sát lời nhất. Nhưng, lão không thích tất cả những bài phổ nhạc này, vì không bài nào theo kịp bài thơ. Và, (có phải vì thế?) ít người hát mà biết ... lời thơ.



Lão nghe về bài thơ này lần đầu tiên khi đang học lớp cuối phổ thông trung học. Được đọc những câu thơ ... chép tay, vì bài thơ ... bị cấm. Đọc xong, lão hỏi cô giáo dạy văn, em không hiểu vì sao bài thơ như vậy lại bị cấm. Có lẽ, ngày ấy lão đã không nhận ra sự lúng túng của cô giáo trẻ, à, khi cả dân tộc đang ra trận, sự uỷ mị là không được phép.




Nàng có 3 người anh đi bộ đội

Các em nàng, có em chưa biết nói

Khi tóc nàng xanh xanh.

Tôi người vệ quốc quân

Xa gia đình

Yêu nàng như tình yêu em gái

Thực ra nhà thơ được gia đình mời làm gia sư cho nàng, và bị cô gái nhỏ giận ... vì xem nàng ... như em gái. Gia đình nàng tương đối khá giả ở xứ Thanh, nàng được sinh ra ở trong nam nên vẫn gọi mẹ là .

Bài thơ như chỉ kể lại trung thực một câu chuyện giản dị. Rồi cô gái nhỏ lớn lên, rồi đám cưới đến ...

Ngày hợp hôn

Nàng không đòi may áo mới.

Tôi mặc đồ quân nhân

Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân

Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo

Câu chuyện thực sự đã xảy ra như vậy. Mọi người đều gọi nhà thơ là anh chồng độc đáo, vì cưới vợ trong bộ đồ lính và đôi giày bết bùn đất.

Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi.
Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại 
Lấy chồng thời chiến binh mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê...

Nhưng không chết người trai khói lửa 
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối 
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương 
tàn lạnh vây quanh

Người vợ trẻ Lê Đỗ Thị Ninh ra bến sông giặt và trượt chân chết đuối. Câu chuyện thực sự đã xảy ra như vậy. Nhưng những vần thơ nhà thơ khóc vợ thì bị các "đồng chí" đưa ra phê bình. Nhà thơ đã bỏ về nhà, một trong rất rất ít những nhà thơ vn, nếu không muốn nói là không có một nhà thơ vn nào khác, đã dám làm như vậy. Phần đời còn lại, nhà thơ phải đi đập đá để kiếm sống, vì không thể làm gì khác trong sự hành hạ của các "đồng chí". Dĩ nhiên, luôn có những người tốt "bí mật", như trong The lives of Others. Và, nhà thơ cũng dám thực hiện "tập hai" với một cô gái cũng bị xã hội đạp xuống bùn đen vì là con (bị quy) địa chủ (trong cải cách ruộng đất).




"3 người anh đi bộ đội, biết tin em gái mất trước tin em lấy chồng" không hoà thuận với người (cựu) em rể, vì "bất đồng quan điểm". 1 trong 3 người là ông Lê Đỗ Nguyên, sau này lên đến hàm trung tướng, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị, dưới cái tên Phạm Hồng Cư. Ông này có một người em cọc chèo, cũng là trung tướng, tên Phạm Hồng Sơn. Không biết chọn đặt tên kiểu gì mà khéo thế, nhưng không máu mủ gì. Ông Sơn là cháu (gọi bằng chú) của Phạm Hồng Thái "ném bom Sa diện". 2 ông trung tướng này đều là con rể của Đặng Thai Mai, một cộm cán khác của eliteV. Ông Mai còn có một con rể khác, tức cũng là cọc chèo với 2 ông trên, nhưng nổi tiếng hơn nhiều, hàm đại tướng, ông Võ Nguyên Giáp. Đại tướng, có tập một là em gái Nguyễn Thị Minh Khai, tập hai là con gái đầu của giáo sư M, bà Đặng Bích Hà, người vừa qua đời hôm qua (17/9/2024).




Biết làm sao

 Thế sự du du nại lão hà ...


Sáng lướt mạng, thấy có bạn nhắc cầu Nại hà. Cầu này, được cho rằng ở dưới âm phủ, trên trơn trượt dưới nguy hiểm đến ma còn khó qua, nên người ta mới đặt tên như vậy, nghĩa là biết làm sao.

Đời, đúng là biết làm sao. Báo chí đưa tin hàng ngàn máy nhắn tin của Hez đồng loạt phát nổ. Tổ chức này, chủ trương bạo lực, gây bạo lực nhận bạo lực, tưởng cũng thường. Nhưng nếu đúng như họ cáo buộc thì Isr cũng phải tài, mới làm được như thế.

Ah, chuyện mạng chuyện báo, sang Fb, thấy cu Mark báo ... sinh nhật. Thực ra là nhóm do nhóm bạn thời sinh viên lập ra, chọn ngày rời vn sang Sl làm ngày sinh nhật. Hồi đó, hồi hộp, mong ngóng và cả lo lắng chờ ngày ra đi, được định lịch là ngày 19/8, nhưng trục trặc, cuối cùng thành bay ngày 18/9 (1987). Bỗng nhiên dễ nhớ (do là dân học toán?!), hớp-bia-bớt-đầy lần thứ 37.

Ấy là nói chuyện ngày dương (lịch), âm lịch thì Trung thu, nghe đồn trăng siêu to cam gì đó. Hôm qua lên ca, từ Đà nẵng nắng đang đẹp nhìn về phía Sơn trà thấy một cục mây to tổ bố chụp ngay đỉnh núi. Quả nhiên lên đến nơi rúc ngay vào, nhìn ra mặt trời còn không thấy nói chi ông trăng chú Cuội chị Hằng. Sáng nay, dậy sớm ngồi diễn (ngáp) trước camera, nhìn ra trời ảm đạm mưa tầm tã buồn khôn tả. Vào Windy check var, thấy áp thấp (được đồn sẽ thành bão số 4) đi nhanh đã vào sát nách Đà nẵng, và đám mây to hơn tổ bố phủ khắp Quảng đà.




Đầy đủ

 



Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

Muốn làm thằng Cuội

 Tản Đà

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi,
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.



Trung Thu 🥮

 Đà nẵng, Sep 17, Sunset 17:47.

Moonrise 17:18. Trung Thu.

Thực tế, mặt trời còn không thấy, nói chi tới mặt trăng.


Kinh tế v n trong mắt một người t q

 CHUYÊN GIA TÀI CHÍNH TRUNG QUỐC BÀN VỀ VINFAST, VINGROUP VÀ KINH TẾ VIỆT NAM

Tác giả: FAN TONG HUANG LAO BAN
Ngày 15/8/2023, hãng ô tô Việt Nam VinFast được niêm yết tại Mỹ với giá trị vốn hóa ở mức cao nhất lên tới 200 tỷ USD.
Tuy không có danh tiếng lẫy lừng nhưng VinFast lại được nhà nhà biết đến ở Việt Nam, công ty mẹ của hãng xe này là Tập đoàn Vingroup, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Công ty này có vô số điểm tương đồng với Evergrande: ông chủ Phạm Nhật Vượng cũng là người giàu nhất giống như Hứa Gia Ấn, hoạt động kinh doanh chính của họ là bất động sản, cả hai đều thích làm bóng đá và có tư duy “cái gì ra tiền thì làm cái đó”. Nhìn tổng thể thì VinFast gần như là phiên bản Việt Nam của Evergrande.
Hiểu như thế nào về khái niệm vốn hóa thị trường 200 tỷ USD? Nếu xếp hạng thì con số này đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Tesla và Toyota. Trên thực tế, khi Phố Wall xếp hạng VinFast, đó cũng là lúc lý thuyết về sự trỗi dậy của Việt Nam đang ở vào thời đỉnh cao. Ở một mức độ nào đó, điều này phản ánh trí tưởng tượng đẹp đẽ của thế giới về việc Việt Nam sẽ thay thế vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc, ngay cả khi chưa có ai trên thế giới ngoài người Việt được chiêm ngưỡng xe của VinFast.
Vào cuối tháng 7, tôi đến TP.HCM công tác và có ghé thăm một cửa hàng VinFast. Giống như các thế lực mới trong nước, VinFast cũng mở cửa hàng trải nghiệm tại các trung tâm mua sắm cao cấp. Một người bạn Trung Quốc ở Việt Nam cùng tôi đi khảo sát cho biết, xe điện VinFast về cơ bản được lắp ráp từ linh kiện Trung Quốc: pin của Gotion High-Tech, động cơ của Dalian Haosen, radar của Shanghai Baolong và cảm biến nhiệt của Jiangsu Kingfield…
Vì vậy, chiếc xe này đem lại cảm giác có chút “giả”.
Lịch sử đã chứng minh Việt Nam không mấy phù hợp với vị trí thứ ba thế giới. VinFast nhanh chóng bị đưa trở lại giá trị thực và vốn hóa đã giảm 95% so với mức đỉnh. Tuy nhiên, khi thảo luận với người bạn Việt Nam về công ty này, chúng tôi nảy ra một câu hỏi thú vị: VinFast đã dựa vào sự thổi phồng của Phố Wall để trở thành thương hiệu Việt đầu tiên vươn tầm toàn cầu, nhưng ngoài nó ra, Việt Nam đã từng có thương hiệu đẳng cấp thế giới hay đẳng cấp châu Á nào?
Bối cảnh của câu hỏi này là: Việt Nam đã bước sang năm thứ 38 kể từ cuộc cải cách vào năm 1986, ít nhất cũng phải có một số công ty trong nước có tên tuổi.
Thế là người bạn Việt Nam của chúng tôi kể ra một loạt cái tên: Vinamilk, Viettel, VietinBank… Một người bạn Singapore cùng ngành đã làm việc ở Việt Nam hơn mười năm ngắt lời anh ấy và nói rằng, có rất ít người dân ở các nước láng giềng Đông Nam Á của Việt Nam từng nghe nói đến những thương hiệu này, chứ đừng nói đến đẳng cấp thế giới hay đẳng cấp châu Á.
Chúng ta cũng có thể đưa ra các ứng cử viên của “mô hình Đông Á” và tiến hành một so sánh thống nhất:
Với Nhật Bản, nếu bắt đầu tính từ năm 1946 thì 38 năm sau là 1984, nước này đã có các hãng lớn như Sony, Toyota, Panasonic, Toshiba… Sản phẩm của họ bán chạy trên toàn thế giới, ngay cả người Mỹ cũng hét lên rằng “Nhật Bản là số 1”.
Đài Loan bắt đầu xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu vào năm 1958. 38 năm sau, tức năm 1996, Acer, Formosa Plastics, Asus và Uni-President đã nổi tiếng khắp châu Á. Ngay cả TSMC, một doanh nghiệp mới thành lập chưa đầy 10 năm, cũng đang chuẩn bị lên sàn.
Chính phủ Park Chung-hee của Hàn Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên vào năm 1962. 38 năm sau, vào năm 2000, các doanh nghiệp chaebol như Samsung, LG, Hyundai, KIA đã trở thành tấm danh thiếp quốc gia của Hàn Quốc với danh tiếng vươn tầm thế giới.
Điều này cũng đúng với Trung Quốc đại lục. Nếu tính từ năm 1978 thì 38 năm sau, tức năm 2016, có 110 công ty Trung Quốc nằm trong top 500 công ty hàng đầu thế giới. Huawei, Haier, Lenovo, Tencent và Alibaba đã tạo dựng được danh tiếng trên toàn cầu.
Nếu nói quy mô của Trung Quốc đại lục lớn hơn Việt Nam rất nhiều và không thể so sánh thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều có cùng tầm cỡ (hoặc nhỏ hơn) với Việt Nam về cả dân số và diện tích, nhưng Việt Nam lại có khoảng cách rất lớn so với cả ba.
Nếu đặt câu hỏi này với giới tinh anh Việt Nam, chỉ cần bạn đủ khéo léo, họ sẽ không cảm thấy bị xúc phạm, mà sẽ kể với bạn không ngừng: Một số người quy cho việc chính phủ thiếu hành động, phàn nàn về việc quan chức tham nhũng; có người bàn đến thói hư tật xấu của dân tộc và việc người dân sính ngoại, chỉ yêu thích thương hiệu Nhật, Hàn; có người trách cứ các công ty không có khát vọng, chỉ biết bóc lột công nhân trong cuộc chiến giá cả rồi chuyển tài sản sang Mỹ…
Những lời này nghe có chút quen thuộc. Thậm chí, tôi còn tự hỏi liệu chúng có được trích từ một trang web tiếng Trung hay không. Tất nhiên, việc phàn nàn chỉ có thể trút bỏ cảm xúc chứ chẳng thể nào cho ra được đáp án. Vẫn cần dựa vào số liệu và thực tế để trả lời câu hỏi này: Việc Việt Nam vắng bóng thương hiệu nội địa là kết quả của sự mất cân bằng cơ cấu kinh tế trong thời gian dài, hay nói cách khác, là do sự thất bại trong việc học hỏi “mô hình Đông Á”.
Đằng sau câu hỏi này ẩn chứa sự thực về nền kinh tế Việt Nam. Chỉ khi hiểu được nó, bạn mới có thể thực sự hiểu về Việt Nam.
01.
Nhìn bề ngoài, Việt Nam là người bạn siêng năng cùng học hỏi “mô hình Đông Á” và là đại diện tiêu biểu cho việc “níu lấy Trung Quốc để qua sông”.
Nhịp độ của Việt Nam cách Trung Quốc khoảng 6 đến 10 năm: Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa từ năm 1978, Việt Nam cũng bắt đầu thực hiện cải cách đổi mới từ năm 1986; năm 1980, Trung Quốc bắt đầu thực hiện “hệ thống khoán hộ gia đình”, Việt Nam thực hiện chính sách tương tự năm 1988; năm 1982, Trung Quốc công nhận địa vị pháp lý của kinh tế tư nhân, Việt Nam thông qua Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990; Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, Việt Nam cũng gia nhập WTO năm 2007.
Chúng ta coi cuộc cải cách của hai bên làm xuất phát điểm và vẽ ra tốc độ tăng trưởng GDP của hai nước trong 20 năm qua. Có thể thấy rằng, cả Trung Quốc và Việt Nam đều trải qua hai chu kỳ tăng trưởng, nhưng tốc độ của Trung Quốc nhanh hơn. Từ năm 1978 đến năm 1998, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Trung Quốc là 9,8%, trong khi từ năm 1986 đến năm 2006, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam là 7,1%. Từ góc độ dữ liệu, thành tích của Việt Nam trong 20 năm đầu của cuộc cải cách là khá chuẩn mực.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào cơ cấu kinh tế của hai nước, chúng ta sẽ nhận thấy sự khác biệt to lớn.
Từ cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc năm 1998 có thể thấy, các sản phẩm cơ điện tử đã vượt qua dệt may và trở thành sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Còn với cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam năm 2006, có thể thấy sau 20 năm cải cách, nhiên liệu (chủ yếu là xăng dầu) chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất, và trong số các sản phẩm công nghiệp, dệt may và giày dép xếp trên các sản phẩm cơ điện tử.
Tổng kết đơn giản như sau: Trong kỳ đầu, Trung Quốc và Việt Nam đều xây dựng nền kinh tế “định hướng xuất khẩu” theo mô hình Đông Á. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ đầu của cuộc cải cách mở cửa, Trung Quốc đã chuyển từ các ngành cấp thấp như dệt may sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như điện và cơ khí, trong khi Việt Nam vẫn dừng lại ở tài nguyên khoáng sản và các sản phẩm công nghiệp cấp thấp. Nhìn bề ngoài, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gần giống với số liệu của Trung Quốc nhưng lại có những lỗ hổng nhất định trong cơ cấu.
Không phải Việt Nam không có cơ hội sửa chữa sự lạc hậu về cơ cấu, mà thực tế là họ đã sớm nhận được cơ hội thứ hai.
Tháng 1 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO, hàng loạt công ty có vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam. Đặc biệt, năm 2008, Samsung đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh và sau đó triển khai kế hoạch “kiến chuyển nhà”, liên tiếp đóng cửa các nhà máy ở Thâm Quyến, Thiên Tân và Huệ Châu để chuyển đến Việt Nam, kèm theo một lượng lớn các nhà sản xuất linh kiện thượng nguồn và hạ nguồn. Việt Nam nghênh đón nhà đầu tư lớn nhất trong lịch sử.
Hiện nay, Samsung sản xuất điện thoại di động, đồ gia dụng, máy tính, linh kiện chip, linh kiện điện tử và các sản phẩm khác tại Việt Nam. Đặc biệt, sản lượng điện thoại di động của Samsung Việt Nam đã vượt quá một nửa sản lượng toàn cầu của Samsung, đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai trên thế giới. Giá trị sản lượng hằng năm của Samsung tại Việt Nam chiếm tới hơn 20% GDP của nước này. Thậm chí, một lãnh đạo cấp cao của Samsung cũng từng đảm nhận chức Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong Chiến tranh Việt Nam, chính phủ Park Chung-hee đã phái tổng cộng 320.000 người đến Việt Nam để giúp đỡ quân đội Mỹ. Dưới sự thúc đẩy của Samsung, các doanh nghiệp Hàn Quốc kéo nhau tới. LG đổ bộ vào Đà Nẵng, SK vào Hải Phòng, Hyundai khai thác Ninh Bình, Lotte cắm cờ ở Thành phố Hồ Chí Minh, POSCO ngụ ở Bà Rịa Vũng Tàu… Các doanh nghiệp Hàn Quốc kết thành một dải từ Nam ra Bắc, thực hiện giấc mơ còn dang dở của quân đội Mỹ hồi đó.
Vốn sản xuất theo mô hình Đông Á sẽ không bỏ sót bất kỳ quốc gia nào có nhân công giá rẻ. Các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Đài Loan lần lượt vào Việt Nam, còn TCL và Haier của Trung Quốc đại lục cũng vào Nam mở nhà máy từ rất sớm. Vì vậy, với sự giúp đỡ của các chủ doanh nghiệp nước ngoài, nền xuất khẩu của Việt Nam cũng dần rời xa thời đại của nguyên liệu thô và dệt may, các sản phẩm cơ điện có giá trị gia tăng cao đã chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2023.
Theo kinh nghiệm của mô hình Đông Á, việc tận dụng hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lên chuỗi cung ứng bản địa, cùng sự tiếp thu và hấp thụ các công nghệ tiên tiến có thể giúp nuôi dưỡng một lượng lớn các doanh nghiệp thuộc chuỗi công nghiệp bản địa. Các thương hiệu bản địa này có thể hoàn thành cuộc phản công chống lại các doanh nghiệp nước ngoài, trước tiên là thay thế hàng nhập khẩu, tiếp đó là tiến hành cạnh tranh với các ông trùm nước ngoài trên toàn cầu và cuối cùng trở thành thế lực xuất khẩu lớn. Có rất nhiều công ty ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể làm được điều này.
Vậy Việt Nam có làm được điều này không? Hãy nhìn thẳng vào số liệu.
Hình 1 là biểu đồ về tỷ trọng doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu của Việt Nam. FDI là viết tắt của Đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh. Có thể thấy, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tỷ trọng FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên qua từng năm và tỷ trọng của doanh nghiệp nội địa cũng giảm dần theo thời gian. Đến năm 2023, tỷ trọng FDI đã tăng lên mức khoảng 74%.
Khi phân tích sâu hơn, có thể thấy, trong các lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính, đồ gia dụng và linh kiện điện tử, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngay cả trong lĩnh vực dệt may ở cấp tương đối thấp, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa thể đánh bại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc). Chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu các ngành chế biến nông sản và thủy hải sản, doanh nghiệp nội địa của Việt Nam mới có thể áp đảo doanh nghiệp vốn nước ngoài.
Nếu nghiên cứu sâu hơn sẽ phát hiện ra rằng, chỉ có 13% doanh nghiệp FDI là liên doanh, còn lại là 100% vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đầu tư nước ngoài bị siết chặt, Việt Nam khó có thể nuôi dưỡng được các doanh nghiệp nội địa có đủ năng lực cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam giống như một trạm trung chuyển sản xuất cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở Đông Nam Á và để lại rất ít không gian cho các doanh nghiệp trong nước. Nhiệm vụ tham gia và cạnh tranh toàn cầu còn khó thực hiện hơn nữa.
Do vậy, khó có thể coi Việt Nam là “học sinh xuất sắc” trong lớp học mô hình Đông Á. Rõ ràng rằng, Việt Nam đã không sao chép đúng một vài vấn đề lớn.
02.
Đầu tiên là chi tiêu R&D có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cấp công nghiệp.
Hình 2 là biểu đồ về tỷ trọng đầu tư cho R&D trong GDP của 4 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Trung Quốc (không bao gồm Hồng Kông, Macao và Đài Loan). Có thể thấy rõ khoảng cách giữa Việt Nam và 3 nước còn lại là rất rõ ràng. Nó là một đường thẳng trong một thời gian dài, vẫn nằm ở đáy và khoảng cách này vẫn chưa được thu hẹp mà ngày càng bị nới rộng, ngay cả khi nền kinh tế đã cất cánh.
Năm 2023, đầu tư cho R&D của Việt Nam chỉ chiếm 0,43% GDP. Trong mối tương quan với 4,91% của Hàn Quốc, 3,3% của Nhật Bản, 3,96% của Đài Loan, 2,43% của Trung Quốc đại lục, 0,95% của Malaysia và 0,65% của Ấn Độ, Việt Nam chỉ nhỉnh hơn một chút so với một nước sản xuất khác là Mexico (0,27%) và chỉ tương đương với trình độ của Trung Quốc vào đầu những năm 1990.
Hãy lấy ví dụ về một trường hợp mà ngay cả chính người Việt cũng phải tiếc nuối, đó là Orion Hanel, doanh nghiệp liên doanh lớn nhất Việt Nam.
Doanh nghiệp này thành lập vào năm 1993, là liên doanh do doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cùng góp vốn. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp này sản xuất bóng đèn hình và phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau năm 2000, khi toàn bộ ngành công nghiệp chuyển đổi sang LCD, Orion Hanel đã không kiên quyết đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển màn hình, cuối cùng đã hoàn toàn tụt lại phía sau rồi tuyên bố phá sản vào năm 2009.
Trên thực tế, cũng trong năm 2009, khi mà khu nghỉ dưỡng của Vingroup ở Nha Trang thường xuyên “cháy” phòng và Sun Group đang xây dựng dự án quy mô lớn ở Đà Nẵng, thì Việt Nam lại để doanh nghiệp liên doanh lớn nhất của mình phá sản. Nói một cách đơn giản, điều này tương đương với việc vào lúc Evergrande, Sunac đang phát triển điên cuồng thì Trung Quốc lại để SAIC Motor phá sản. Trong con mắt người Trung Quốc, có lẽ đây là điều khiến người ta phải kinh ngạc.
Kết quả, Việt Nam hiện là quốc gia lắp ráp TV lớn trên thế giới nhưng mức giá mà người tiêu dùng phải chi trả cho TV lại cao hơn ở Trung Quốc. Dù là thị trường trong nước hay thị trường xuất khẩu thì cũng đều là “địa bàn” của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, TCL và LG. Việt Nam không có chỗ đứng trong lĩnh vực màn hình ở thượng nguồn và chỉ có thể kiếm được chi phí lắp ráp ở cấp thấp.
Một số người có lẽ sẽ đặt ra câu hỏi: Nếu Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài đến vậy, chẳng lẽ không có chút lực đẩy nào đối với các doanh nghiệp trong nước?
Hãy lấy Samsung làm ví dụ và cũng sử dụng dữ liệu để đánh giá. Samsung Electronics là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Giá trị sản xuất tại Việt Nam của họ từng chiếm đến 28% GDP của nước này. Doanh nghiệp này tuyển dụng gần 100.000 nhân viên tại Việt Nam, có 1.600 xe buýt đưa đón nhân viên đi làm mỗi ngày. Vậy Samsung có bao nhiêu nhà cung cấp bản địa ở Việt Nam?
Theo danh sách các nhà cung cấp được Samsung Electronics công bố năm 2023, doanh nghiệp này có tổng cộng 103 nhà cung cấp cốt lõi trên toàn thế giới, 27 trong số đó có cơ sở sản xuất tại Việt Nam và có thể cung cấp tại bản địa. Tuy nhiên, trong số 27 doanh nghiệp này, có 23 doanh nghiệp Hàn Quốc, 2 doanh nghiệp Nhật Bản và 2 doanh nghiệp Trung Quốc. Không có bất kỳ doanh nghiệp bản địa nào của Việt Nam.
Lẽ nào không có bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào lọt vào chuỗi cung ứng của Samsung? Cũng không hẳn vậy, ba công ty Việt Nam sau đây là nhà cung cấp bản địa khá lớn của Samsung tại Việt Nam:
Ngân Hà Printing (in bao bì)
Phước Thành Plastic (linh kiện nhựa)
Goldsun (linh kiện nhựa)
Có thể thấy, các doanh nghiệp bản địa của Việt Nam về cơ bản chỉ có thể cung cấp hộp đựng và linh kiện nhựa cho Samsung.
Giáo sư Thi Triển kể câu chuyện sau trong cuốn Lan tỏa: Ông đến thăm Nguyễn Đức Thành (tên tiếng Anh là Felix), viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và là một chuyên gia về kinh tế Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện giữa hai người họ, có một đọan như sau:
Tôi hỏi ông: “Việt Nam đang thu hút các ngành sản xuất một cách mạnh mẽ, vậy Việt Nam có chính sách công nghiệp của riêng mình không?”
Điều khiến tôi kinh ngạc là Felix đã khẳng định thẳng thừng rằng: “Chúng tôi không cần chính sách công nghiệp vì chúng tôi đã có Quảng Châu rồi!”
Tôi choáng váng: “Ông nói có Quảng Châu là có ý gì?”
“Nếu thiếu thứ gì đó trong quá trình sản xuất, chúng tôi có thể đến Quảng Châu để mua. Đâu cần đến chính sách công nghiệp”.
Quả là rất thuận tiện khi đến Quảng Châu để mua sắm – khoảng cách từ Quảng Châu đến Hà Nội là 850 km, trong khi khoảng cách từ Hà Nội đến TP.HCM là 1.150 km. Tuy nhiên, “Quảng Châu” ở đây chỉ vùng duyên hải phía Đông Nam Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam, nơi đây có chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh nhất thế giới. Nếu Việt Nam bằng lòng với việc chỉ làm lắp ráp thì đúng là không cần hỗ trợ cho chuỗi cung ứng bản địa.
Câu chuyện này nghe có chút giống như chuyện đùa, nhưng giả dụ đối phương không kiêm chức vụ trong Cục Chiến lược, vậy thì điều này hẳn đã phản ánh nhận thức của một số người Việt Nam về chuỗi cung ứng bản địa. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp bản địa của Việt Nam tiếp tục vắng mặt trong các công đoạn cốt lõi của chuỗi công nghiệp, nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ có thể là phần mở rộng của chuỗi kinh tế Trung, Nhật, Hàn, chứ không thể là đối thủ cạnh tranh độc lập với ba nước này. Giới hạn trên của sự phát triển đã bị khóa chặt.
Thế nhưng lịch sử đầy rẫy những điều trớ trêu. Sau khi Việt Nam bỏ lỡ hai cơ hội chiến lược liên tiếp, một miếng bánh khổng lồ lại rơi vào tay nước này.
03.
Năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ và Việt Nam trở thành một trong những nước được hưởng lợi nhất từ đó.
Năm 2016, trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Việt Nam đã đề xuất chiến lược “ngoại giao cây tre”, nghĩa là gốc rễ phải vững chãi nhưng phần ngọn thì phải linh hoạt, uyển chuyển trước gió giống như cây tre. Dựa trên ý tưởng này, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia. 16 FTA mà Việt Nam tham gia chiếm tới 90% GDP thế giới và bao trùm các nền kinh tế chính trên toàn cầu.
Quan trọng hơn, nhằm lách qua rào cản thương mại, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đổ xô vào Việt Nam với tốc độ chưa từng thấy. Theo trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đại lục đã vượt qua Hàn Quốc về số dự án được phê duyệt mới, chiếm 29,1%, và con số này chưa bao gồm tỷ trọng “mượn danh” Hồng Kông và Singapore.
Mượn lời của một ông chủ từng sang Việt Nam: Các doanh nghiệp Trung Quốc đang điên cuồng gửi vốn, nhà máy, đơn hàng, công nghệ và nhân tài sang Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng trưởng tới 20,6%. Nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ. Nước này kiếm được một khoản lớn “phí quá cảnh”.
Liệu Việt Nam có nắm bắt cơ hội thứ ba này và chuyển hóa sản lượng đầu ra từ Trung Quốc thành sự trỗi dậy của các doanh nghiệp trong nước?
Cũng chính vào lúc đề xuất “ngoại giao cây tre” năm 2016, Việt Nam đã ban hành “Quy hoạch tổng thể ngành điện tử”, trong đó đề xuất rõ ràng việc tạo ra 500.000 việc làm mới, “trong đó hầu hết là kỹ sư, kỹ thuật viên và quản lý cấp trung”, và “bổ sung những việc làm này thông qua phát triển năng lực nghiên cứu bản địa”.
Mục tiêu là mục tiêu, Việt Nam sẽ lựa chọn con đường nào để thực hiện nó? Mặc dù mô hình của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có những điểm tương đồng nhưng cũng tồn tại nhiều điểm khác biệt:
- Mô hình Nhật Bản: Thực thi mạnh mẽ các chính sách và trợ cấp công nghiệp, phát triển hệ thống công nghiệp một cách độc lập, đồng thời dùng “giá trị địa chính trị” để đổi lấy sự ưng thuận ngầm của phương Tây (chủ yếu là Mỹ) đối với chính sách và trợ cấp.
- Mô hình Hàn Quốc: Sử dụng mô hình chaebol (tài phiệt) để tập trung đột phá ở một số ngành có giá trị gia tăng cao, đồng thời sử dụng “giá trị địa chính trị” để đổi lấy tư cách xâm nhập những thị trường nhất định.
- Mô hình Trung Quốc: Học hỏi Nhật Bản, Hàn Quốc về chính sách công nghiệp, phát triển hệ thống công nghiệp một cách độc lập, đồng thời xây dựng thị trường nội địa có tính thống nhất và sử dụng việc mở cửa thị trường quy mô lớn để loại bỏ một số thế lực đối địch.
Mặc dù đáp án ở ngay trước mắt nhưng đối với Việt Nam, “thời thế nay đã khác”.
Một mặt, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chặn đứng nhiều ngành công nghiệp, khiến các nước lạc hậu khó bắt kịp hơn gấp bội; mặt khác, vào thời đại mà Trung, Nhật, Hàn theo “mô hình Đông Á”, toàn cầu hóa vẫn là một xu hướng không thể ngăn cản. Nhưng trong bối cảnh chống toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam khó có thể sao chép hoàn toàn chính sách công nghiệp của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trên thực tế, chính bởi ngành công nghiệp của Việt Nam tập trung vào công đoạn lắp ráp và có tương đối ít sự hỗ trợ công nghiệp ở cấp chính phủ nên nước này mới có thể thiết lập thành công quan hệ thương mại tự do với rất nhiều thị trường nước ngoài. Nếu hiện giờ Việt Nam quay trở lại con đường trợ cấp và hỗ trợ công nghiệp, nhiều khả năng sẽ bị thiết lập các rào cản thương mại, từ đó ảnh hưởng đến mô hình thu phí quá cảnh hiện tại.
Vì vậy, con đường khả dĩ nhất mà Việt Nam có thể lựa chọn hiện nay là mô hình chaebol của Hàn Quốc, cũng chính là mô hình tài phiệt.
Cái gọi là mô hình tài phiệt, chỉ sự hỗ trợ cho các ông trùm nắm trong tay nhiều mảng kinh doanh khác nhau. Chính phủ trợ cấp cho “bộ phận phi thương mại” của một doanh nghiệp lớn thông qua “trợ cấp không liên quan”, sau đó doanh nghiệp chuyển tiền tới “bộ phận thương mại” thông qua phân bổ theo chiều ngang, từ đó có được khả năng đầu tư quy mô lớn nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi theo định hướng.
Hãy lấy một ví dụ. Vào thời điểm đó, chính phủ Park Chung-hee của Hàn Quốc muốn phát triển mạnh mẽ ngành đóng tàu nhưng không muốn các đối thủ chính là Nhật Bản và châu Âu nói ra nói vào, vậy nên đã tìm đến Tập đoàn Hyundai, trợ cấp cho mảng cơ sở hạ tầng – một “bộ phận phi thương mại” – và cung cấp cho họ các đơn hàng đường cao tốc khổng lồ. Thông qua cuộc chuyển đổi, Tập đoàn Hyundai đã chuyển sang ngành đóng tàu trên quy mô lớn và cuối cùng dựng nên công ty đóng tàu át chủ bài Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc.
Mô hình Hàn Quốc dường như là câu trả lời duy nhất. Vậy cần hỗ trợ doanh nghiệp nào trở thành tài phiệt? Vingroup vào thời kỳ đầu rõ ràng là “kẻ được chọn”.
Nhìn vào báo cáo tài chính mới nhất của Tập đoàn Vingroup, có thể thấy tập đoàn này tham gia vào tất cả các lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, ô tô… Người Việt Nam không chỉ có thể mua ô tô Vingroup, đến các khu nghỉ dưỡng, mua sắm tại trung tâm thương mại và sử dụng thanh toán điện tử của Vingroup, mà còn có thể đến các bệnh viện và trường học của Vingroup để chữa bệnh và học tập.
Sau khi người sáng lập tập đoàn, Phạm Nhật Vượng, kiếm được hũ vàng đầu tiên nhờ bán mì ăn liền ở Đông Âu, ông trở lại Việt Nam vào năm 2000 và nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ chính phủ Việt Nam, từ đất đai, tín dụng cho đến chính sách. Thậm chí, khi lãnh đạo Việt Nam sang thăm Lào cách đây không lâu, họ đã mang theo 20 chiếc xe điện VinFast để làm quà cho nước bạn.
Chỉ khi trực tiếp đến Việt Nam, bạn mới cảm nhận được sự hiện diện khắp nơi của Vingroup. Vào cuối tháng 7, tôi có một bài phát biểu ở Việt Nam, địa điểm là tòa Landmark 81 cao 461 mét, công trình mang tính biểu tượng của TP.HCM. Tòa nhà cao thứ hai Đông Nam Á này là “trung tâm Thượng Hải” của TP.HCM và các căn hộ cao cấp nằm bên cạnh (tương đương với Tomson Riviera) đều thuộc về Vingroup đang ở thời hưng thịnh.
Vì vậy, tuy mẫu xe điện VinFast được nêu ở phần đầu lỗ tới 2,3 tỷ USD vào năm 2023 nhưng mảng kinh doanh bất động sản và bán lẻ của Vingroup vẫn đang liên tục hái ra tiền. Trong bối cảnh bất động sản Việt Nam suy giảm vào năm ngoái và án tử hình của bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2023 của Vingroup đã đi ngược lại xu hướng và tăng trưởng 49%, lợi nhuận cũng tăng 14%. Có thể coi đây là một “phép màu trong kinh doanh”.
Dù mô hình chaebol là liều thuốc độc nhưng đối với Việt Nam, có lẽ không uống cũng không được.
Chỉ khi bù đắp được những lỗ hổng của chuỗi công nghiệp trong nước, Việt Nam mới có thể thực sự trở thành đối thủ của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, nếu mô hình chaebol không hoạt động, ông Phạm Nhật Vượng sẽ trở thành ông Hứa Gia Ấn, tức là sẽ không có Samsung, Sony, Toyota hay Huawei, Xiaomi, BYD phiên bản Việt Nam và nước này chỉ có thể tiếp tục đóng vai trò là cơ sở sản xuất.
Vận mệnh của Việt Nam quả thực đã khởi sắc trong hai năm qua, nhưng không còn đủ thời gian nữa rồi. Năm 2023, dân số Việt Nam đã vượt mốc 100 triệu người, tổng tỷ suất sinh cũng đã giảm xuống dưới mức 2. Cùng nằm trong vòng văn hóa Nho giáo, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những căn bệnh dai dẳng về giá nhà đất, sự trì trệ và suy giảm tỷ suất sinh. Chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Thực ra đây mới là cơ cấu thực sự của nền kinh tế Việt Nam: Một mặt, được hưởng lợi lớn từ lợi thế địa lý, có lợi thế lớn về chi phí lao động, cả nước vẫn đang cất cánh và đời sống vật chất của người dân vẫn còn nhiều không gian phát triển. Nhưng mặt khác, nền kinh tế còn tồn tại những bất cập về cơ cấu, quá phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp nội địa đang tụt hậu nghiêm trọng. Còn phải quan sát xem liệu họ có vượt qua được “mức trần” hay không.
Sự thật này cũng cho chúng ta biết rằng: Có một số bài tập tưởng chừng như khá dễ sao chép nhưng thực ra lại rất khó thực hiện. Chiếc bánh nâng cấp công nghiệp chưa bao giờ từ trên trời rơi xuống.
04.
Trên thực tế, tình hình hiện nay ở Việt Nam mang lại nhiều yếu tố thuận lợi cho Trung Quốc.
Một mặt, do sự yếu kém của chuỗi cung ứng trong nước, Việt Nam sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, điều này được thể hiện rõ qua tỷ trọng các nước nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này cho phép Trung Quốc duy trì được giá trị gia tăng cao của chuỗi công nghiệp và các công nghệ cốt lõi. Nhìn vào mức chi cho R&D hiện dưới 0,5% của Việt Nam, sự phụ thuộc này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa.
Mặt khác, chính sách “ngoại giao cây tre” và chính sách công nghiệp yếu kém của Việt Nam đã cho phép nhiều nước phương Tây mở rộng cánh cửa với họ, khiến nước này trở thành trạm trung chuyển quan trọng cho ngành sản xuất của Trung Quốc, đây là điều có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Ví dụ, Mỹ gần đây đã khôi phục lại việc đánh thuế đối với các sản phẩm quang điện của Việt Nam. Bên phải chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc này không phải các doanh nghiệp Việt Nam, mà là các doanh nghiệp Trung Quốc.
Do chi phí trong nước tăng, việc chuyển giao công nghiệp là điều khó tránh khỏi, nhưng vấn đề là chuyển tới đâu? Nó sẽ được chuyển giao sang Việt Nam, quốc gia vốn phụ thuộc vào chuỗi công nghiệp của Trung Quốc, nằm trong phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc và khó có thể xây dựng được doanh nghiệp nội địa trong ngắn hạn? Hay nó sẽ được chuyển sang Ấn Độ, quốc gia không ngừng “kiếm chuyện” về chính trị, tìm mọi cách để hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc và điên cuồng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước? Tôi tin rằng không khó để lựa chọn câu trả lời.
Trung Quốc quả thực không còn trẻ nữa, nhưng chúng ta thực sự không muốn nhìn thấy dáng vẻ trước đây của chính mình trong vô số kẻ theo sau.
----
* Nguồn tiếng Trung: Fan Tong Huang Lao Ban, 饭统戴老板|西贡河畔的谜题:越南的三星和比亚迪在哪里?, Guancha, 10/09/2024. Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
* Nguồn tiếng Việt: Nghiên cứu Quốc tế; Ngày 17/9/2024.