Ngay khi nhìn thấy đường đi dự báo của (chưa thành) bão số 4, lão đã biết trước Đà nẵng sẽ trải qua những ngày mưa lớn. Áp thấp đi nhanh mưa đến sớm, phố phường đã ngập tè le phong cách thành phố lớn xứ lúa nước. Lão ngồi đỉnh núi ngập chẳng tới nơi, chỉ hưởng cảnh điện nháy liên tục của điện lực độc quyền và cảnh dột thấm cũng tè le của ngành hàng không hiện đại vô đối.
Thôi bỏ qua, ngày mưa ảm đạm nói chuyện gì vui buồn hơn xíu. À, nhân cái chết của một ai kia (sẽ nói đến sau), nhớ đến chuyện những người khác trước đã.
Hội bạn, mỗi lần gặp nhau lại cùng nhau hát hò, cũng hay chọn hát bài Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy). Lão vốn không mấy hâm mộ PD, song công nhận, trong rất nhiều những bài hát phổ nhạc bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan thì bài của ông ... sát lời nhất. Nhưng, lão không thích tất cả những bài phổ nhạc này, vì không bài nào theo kịp bài thơ. Và, (có phải vì thế?) ít người hát mà biết ... lời thơ.
Lão nghe về bài thơ này lần đầu tiên khi đang học lớp cuối phổ thông trung học. Được đọc những câu thơ ... chép tay, vì bài thơ ... bị cấm. Đọc xong, lão hỏi cô giáo dạy văn, em không hiểu vì sao bài thơ như vậy lại bị cấm. Có lẽ, ngày ấy lão đã không nhận ra sự lúng túng của cô giáo trẻ, à, khi cả dân tộc đang ra trận, sự uỷ mị là không được phép.
Nàng có 3 người anh đi bộ đội
Các em nàng, có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh.
Tôi người vệ quốc quân
Xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Thực ra nhà thơ được gia đình mời làm gia sư cho nàng, và bị cô gái nhỏ giận ... vì xem nàng ... như em gái. Gia đình nàng tương đối khá giả ở xứ Thanh, nàng được sinh ra ở trong nam nên vẫn gọi mẹ là má.
Bài thơ như chỉ kể lại trung thực một câu chuyện giản dị. Rồi cô gái nhỏ lớn lên, rồi đám cưới đến ...
Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo mới.
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo
Câu chuyện thực sự đã xảy ra như vậy. Mọi người đều gọi nhà thơ là anh chồng độc đáo, vì cưới vợ trong bộ đồ lính và đôi giày bết bùn đất.
Người vợ trẻ Lê Đỗ Thị Ninh ra bến sông giặt và trượt chân chết đuối. Câu chuyện thực sự đã xảy ra như vậy. Nhưng những vần thơ nhà thơ khóc vợ thì bị các "đồng chí" đưa ra phê bình. Nhà thơ đã bỏ về nhà, một trong rất rất ít những nhà thơ vn, nếu không muốn nói là không có một nhà thơ vn nào khác, đã dám làm như vậy. Phần đời còn lại, nhà thơ phải đi đập đá để kiếm sống, vì không thể làm gì khác trong sự hành hạ của các "đồng chí". Dĩ nhiên, luôn có những người tốt "bí mật", như trong The lives of Others. Và, nhà thơ cũng dám thực hiện "tập hai" với một cô gái cũng bị xã hội đạp xuống bùn đen vì là con (bị quy) địa chủ (trong cải cách ruộng đất).
"3 người anh đi bộ đội, biết tin em gái mất trước tin em lấy chồng" không hoà thuận với người (cựu) em rể, vì "bất đồng quan điểm". 1 trong 3 người là ông Lê Đỗ Nguyên, sau này lên đến hàm trung tướng, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị, dưới cái tên Phạm Hồng Cư. Ông này có một người em cọc chèo, cũng là trung tướng, tên Phạm Hồng Sơn. Không biết chọn đặt tên kiểu gì mà khéo thế, nhưng không máu mủ gì. Ông Sơn là cháu (gọi bằng chú) của Phạm Hồng Thái "ném bom Sa diện". 2 ông trung tướng này đều là con rể của Đặng Thai Mai, một cộm cán khác của eliteV. Ông Mai còn có một con rể khác, tức cũng là cọc chèo với 2 ông trên, nhưng nổi tiếng hơn nhiều, hàm đại tướng, ông Võ Nguyên Giáp. Đại tướng, có tập một là em gái Nguyễn Thị Minh Khai, tập hai là con gái đầu của giáo sư M, bà Đặng Bích Hà, người vừa qua đời hôm qua (17/9/2024).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét