Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Làm thầy

 Không thầy đố mày làm nên.

(Tục ngữ?)


Nhân chuyện lùm xùm thầy mắng trò ("óc trâu"?, thời đại rực rỡ 4.0 dịch bệnh online nên cái gì cũng dễ lên "mạng"). Có bạn sinh viên (khác) đăng đàn "bênh" thầy, rằng thầy đó tốt, dạy tận tình. Rằng "yêu cho roi cho vọt" blah blah blah ...

Nói cho cùng, những chuyện như vậy là ... bình thường ở xứ này. Chỉ là, nó phản ảnh mặt bằng văn hoá xã hội mà thôi.


Bỗng nhớ lại thầy H. dạy môn địa lý hồi cấp 3. Có lẽ thầy là người duy nhất từng đuổi lão ra khỏi lớp (ngày ấy lão ngoan và học giỏi lắm).

Đó là một tiết học làm bài kiểm tra một tiết. Vì tội lão đã để một quyển vở kê dưới tờ giấy viết bài kiểm tra. Không kê thì tờ giấy mỏng rất khó viết trên mặt bàn vốn không thật phẳng, nhưng thầy tuyệt đối cấm, và đã nói rõ ràng từ đầu năm học, dù cho đó là vở trắng hay chỉ là sách, vở môn học khác (không có ý nghĩa quay cóp). Chẳng hiểu ma xui hay quỷ khiến. Học kỳ đó lão có một điểm 3, bù cho bài kiểm tra không được làm.

Cho dù sau vụ đó, lão vẫn rất "nể" thầy. Công nhận thầy dạy rất dễ hiểu, và dễ nhớ. Vì các bài giảng thường rất súc tích, cô đọng.

Đặc biệt, thầy còn có một bản lĩnh mà những cậu học trò như lão ngày đó rất khâm phục. Ấy là ngoài giờ dạy, thầy còn tranh thủ kiếm tiền thêm bằng cách đạp xe "thồ" (nay gọi xe ôm). Nghề ấy, dễ gặp người quen, kể cả học trò, và khá khó xử. Nghe đồn, gia đình thầy khó khăn. Và thầy đã nuôi mấy người em nên người.

Ngày nay, khi đã hai thứ tóc trên đầu, nghĩ lại, nếu có "chê" thầy, thì chê ở điểm, phong cách của thầy cứ như ... quân đội. Truyền kiến thức, quy định, tất cả đều phải tuân thủ răm rắp.

Thực ra, đến tận ngày nay, nền giáo dục vn vẫn đậm tính phong kiến nho giáo như vậy. Biến học trò thành những cái máy tiếp thu thụ động.


Cho nên, khen chê gì, chẳng qua chỉ là thể hiện bộ mặt xã hội ...




Không có nhận xét nào: